Quảng Nam bảo vệ và phát triển loài chà vá chân xám quý hiếm

Thứ Hai, 19/07/2021, 07:05
Voọc chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum; có khoảng 1.500 - 2.000 cá thể; trong đó, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 1.000 cá thể. Loài này thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam 2007.

Ở địa bàn Quảng Nam, chà vá chân xám phân bố tại các huyện như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn… Quần thể có số lượng lớn nhất khoảng 200 cá thể tại Hòn Mỏ thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, huyện Nông Sơn. Riêng tại huyện Núi Thành, theo khảo sát thực tế trên khoảng 30ha rừng tự nhiên ở núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây có gần 70 cá thể thuộc 6 đàn.

Chà vá chân xám quý hiếm tại xã Tam Mỹ Tây.

Tuy nhiên, đây là dải rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang khoảng 50m-150m. Rừng tự nhiên giữa các hòn bị chia cắt bởi rẫy trồng keo của người dân, và bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác khoảng cách 7-10km. Vì thế, chà vá chân xám xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) đối mặt với nhiều mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể, gồm cả yếu tố tự nhiên như thiếu thức ăn, nơi ở, nước uống, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc lạnh; nguy cơ thoái hóa nguồn gen do giao phối cận huyết; tác động từ con người gồm nguy cơ săn bắn, bẫy bắt, cháy rừng, lấn chiếm rừng làm rẫy, khai thác lâm sản ngoài gỗ...

Từ năm 2019, UBND xã Tam Mỹ Tây đã thành lập “Nhóm tuần tra thôn bản” để bảo vệ đàn chà vá chân xám; cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 2 tuyên truyền pháp luật bảo vệ chà vá chân nâu ở các xã Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp, Tam Thạnh, Tam Trà. Vào tháng 5/2021, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, với mục tiêu lâu dài bảo tồn, phát triển bền vững quần thể loài đặc hữu này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Mục tiêu ngắn hạn, nhằm bảo vệ và phục hồi được 60ha rừng tự nhiên là rừng đặc dụng tại Hòn Dồ, Dương Bông, Hòn Ông và Dương Bản Lầu để đảm bảo sinh cảnh sống cho các cá thể chà vá chân xám; đến năm 2030, nâng tổng diện tích môi trường sống của loài này có thể lên 150ha, đáp ứng sự tồn tại và phát triển của quần thể với 100-150 cá thể, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục nâng cao nhận thức, du lịch sinh thái và góp phần phát triển sinh kế cho địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ chuyển đổi dần mục đích sử dụng rừng sản xuất lên rừng đặc dụng; chuẩn bị hồ sơ để xác lập được Khu bảo tồn loài và sinh cảnh trước năm 2030 nhằm bảo tồn chà vá chân xám và đa dạng sinh học hiệu quả hơn với tổng diện tích dự kiến 60ha (gồm 30ha rừng tự nhiên và 30ha nương rẫy sau thu hồi, đền bù).

Ngọc Thi

.
.
.