Vang mãi bản hùng ca chiến thắng Mậu Thân

Thứ Năm, 25/01/2018, 18:04

Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (30/1/1968 – 30/1/2018), Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 7 tại Hà Nội vào ngày 27-1-2018. 



Trong chương trình đặc biệt này, khán giả sẽ được giao lưu với Thiếu tướng Lê Xuân Tấu – Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; và giao lưu với Đại tá Nguyễn Văn Tàu – Anh hùng LLVTND, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H63 để nghe họ kể về những chiến công huyền thoại của Binh chủng Tăng – Thiết giáp và người tình báo quốc phòng Việt Nam trên mặt trận thầm lặng trong lòng địch.

Tháng 10 - 1967, Tiểu đoàn xe tăng 198 thuộc Trung đoàn Xe tăng 203 của ông Lê Xuân Tấu được lệnh hành quân vào Quảng Trị, sẵn sàng ở chiến trường Khe Sanh. 

Anh hùng LLVTND Lê Xuân Tấu và AHLLVT Nguyễn Văn Tàu

21 giờ ngày 23-1-1968, Đại đội 3 và Đại đội 9 của Tiểu đoàn xe tăng 19 gồm 22 xe tăng BT76 đã tiến công, tiêu diệt khoảng 1 tiểu đoàn địch phòng ngự ở cứ điểm Tà Mây. 

Trong trận đánh Tà Mây đêm 23 rạng sáng 24-1-1968, ông Lê Xuân Tấu là Trưởng xe 555 đi đầu đội hình chiến đấu của Đại đội 3 xe tăng, khi thấy xe tăng bạn bị bạn bị địch bắn đứt xích phải dừng lại trước cửa mở, ông đã chỉ huy xe tăng 555 tả xung hữu đột vừa dùng hỏa lực bắn sập nhiều lô cốt, ụ súng của địch, vừa dẫn dắt bộ binh xung phong thọc sâu, chia cắt tiêu diệt địch phòng ngự ở cứ điểm.

Đêm mồng 6 rạng ngày 7-2-1968, Đại đội 3 và Đại đội 9 Tiểu đoàn Xe tăng 198 của ông Lê Xuân Tấu lại nhận lệnh hiệp đồng quân binh chủng với đơn vị bạn tổ chức tiến công địch ở Làng Vây. 

Ông Lê Xuân Tấu lại chỉ huy trung đội chiến đấu và chi viện hỏa lực cho bộ binh tiến công địch phòng ngự ở điểm cao 230, tiêu diệt và bắt sống gần 1.000 tên địch (trong đó có 24 tên Mỹ). 

Đây là những trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng, pháo binh yểm trợ của quân Giải phóng miền Nam tại chiến trường Bắc Quảng Trị làm cho địch tin rằng, chiến trường chính của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chính là Khe Sanh.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ông Lê Xuân Tấu đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1972, khi đang là Đại đội trưởng.

Ông Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) đã xây dựng và chỉ huy Cụm H63 liên tục bám trụ tại địa bàn huyện Củ Chi gian khổ và ác liệt. Ông đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và trực tiếp thu thập nhiều tin tức, tài liệu có giá trị chiến lược của địch gửi cho cấp trên để chủ động trong công tác chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tác chiến giành thắng lợi. 

Là Cụm trưởng, nhưng ông vẫn nhiều lần trực tiếp ngụy trang ra vào nội thành Sài Gòn để thực hiện các nhiệm vụ trên giao. Trong nhiều tình huống ngàn cân treo sợi tóc, ông luôn thể hiện sự mưu trí, dũng cảm của người cán bộ chỉ huy dạn dày kinh nghiệp trong trận mạc. 

Quân giải phóng trong chiến dịch Mậu Thân 197\68. Ảnh TL

Ông và đồng đội trong Cụm H63 có nhiều chiến công trong cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968 với việc hoàn thành nhiệm vụ điều tra, cung cấp sơ đồ tỉ mỉ và sự bố trí lực lượng phòng thủ bên trong của Hải quân Quân đội Việt Nam Cộng hòa ở bến Bạch Đằng để phục vụ trận đánh của biệt động đặc công; vẽ được bản đồ toàn cảnh, mặt tiền và cổng chính Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa; chụp toàn bộ tài liệu bản báo cáo sơ kết dài 20 trang của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa về thiệt hại từng trận đánh vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, bản tường trình của cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ về các trận đánh trên toàn miền Nam; sau đó viết 1 bản báo cáo về trận Tổng công kích Mậu Thân đợt 1. 

Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, mạch máu giao thông Cụm Tình báo H63 do ông Nguyễn Văn Tàu với cấp trên luôn đảm bảo thông suốt.

Ông đã được tặng 4 Huân chương chiến công, 3 Huy hiệu Chiến sĩ bắn giỏi và phong danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2006.

Chương trình là hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đặc biệt, thông qua chương trình này, Ban tổ chức sẽ xây dựng 1 nhà tình nghĩa; tặng 50 sổ tiết kiệm (mỗi sổ từ 5 triệu đến 20 triệu đồng); tặng 50 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng “Đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và các công trình phụ trợ tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

Ngày 25-1, đại diện Ban Tổ chức cho biết, chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần này có sự tham gia biểu diễn của NSND Thế Dân, NSƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, nghệ sĩ Phương Anh, nghệ sĩ Lệ Giang, nghệ sĩ Thanh Thủy, diễn giả Sơn Lâm và Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Quân đội với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng...

Thanh Hằng
.
.
.