Khi hoa hậu, nhà văn văng tục, chửi bậy trên Facebook

Thứ Sáu, 22/04/2016, 07:41
Đa số người dùng Facebook là những người biết chữ và như vậy, đều biết rất rõ chữ nào là "sạch", chữ nào là "bẩn", là nên dùng hay không. Những người có sự ảnh hưởng nhất định đến công chúng, chắc chắn cũng là những người hiểu rõ sự lan tỏa đến cộng đồng, nhất là những người trẻ, từ những điều mình nói hay viết ra sao


Một lần, vào tài khoản Facebook của một cô từng là Hoa hậu Việt Nam gần 20 năm trước, tôi thấy choáng khi đọc những câu văng tục, những từ ngữ rất vô văn hóa trong status của cô.

Sau lần đó, mỗi lần dự các sự kiện có cô, tôi thật sự nhìn cô với ánh mắt khác, suy nghĩ khác. Tôi không thể nào lý giải được, vì sao một người bình thường đã hiếm khi đủ can đảm dùng những từ ngữ thiếu văn hóa ở chỗ đông người, mà một Hoa hậu, người từng vượt qua vòng ứng xử với vẻ mặt thánh thiện, chắc chắn đã được đào tạo về ngôn ngữ ứng xử, lại có thể thô tục đến vậy ở nơi mà cô biết chắc chắn có trăm vạn con mắt nhìn vào?

Phản ứng của một nhà báo trước một status dùng nhiều từ “không sạch” của một cây bút. 

Một cây bút đã có gần chục đầu sách với số lượng rất đáng tự hào, bởi giọng văn với những góc nhìn đầy cá tính của anh được độc giả trẻ yêu thích. Vì thế, trang cá nhân của anh rất đông người đọc và theo dõi. Nhiều status của anh được hàng chục ngàn lượt like với hàng ngàn lượt chia sẻ. Và status mới nhất của anh cũng thế.

Có điều, status này đầy tiếng chửi tục! Hàng loạt từ ngữ tục tĩu, bậy bạ anh viết ra trong status, đủ khiến người đọc có văn hóa phải… đỏ mặt vậy mà được anh viết thản nhiên như thể đó là hơi thở trong cuộc sống của anh vậy.

Thực tế, đa số người dùng Facebook là những người biết chữ và như vậy, đều biết rất rõ chữ nào là "sạch", chữ nào là "bẩn", là nên dùng hay không. Những người có sự ảnh hưởng nhất định đến công chúng, chắc chắn cũng là những người hiểu rõ sự lan tỏa đến cộng đồng, nhất là những người trẻ, từ những điều mình nói hay viết ra sao. Tôi cũng tin, nếu họ thực sự có giáo dục, họ sẽ không nói những từ ngữ đó trước mặt con cái mình. Vậy thì tại sao họ lại làm điều đó trên mạng xã hội, nơi có hàng ngàn, hàng triệu người chứng kiến bởi tốc độ lan truyền.

Một người đã cầm bút viết văn luôn được ví là “cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa”, vì thế hẳn hơn ai hết hiểu được giá trị của từng con chữ, để biết “hạt chữ” nào mẩy, “hạt chữ” nào lép, hay thối, hỏng … Vậy sao có thể sử dụng những từ ngữ như thế mà không thấy “chướng tai gai mắt”?

Lợi ích của mạng xã hội là không thể phủ nhận. Nó cho phép mỗi người tự thể hiện bản thân, tự do bày tỏ và trao đổi quan điểm cá nhân, chia sẻ thông tin... 

Cũng vì thế, ngôn từ dùng trên mạng xã hội cũng thể hiện bản thân, thể hiện phông văn hóa của mỗi người. Các cụ đã dạy “văn học là nhân học” nên chỉ cần đọc văn phong, cách viết của mỗi người, có thể phần nào biết được tâm hồn, phẩm cách của người đó.

Dĩ nhiên, những người được giáo dục tử tế, có văn hóa, có lịch sự tối thiểu sẽ không bao giờ dùng những lời lẽ thiếu văn hóa ở chỗ đông người. Vì họ biết chắc chắc sẽ không thể để lại hình ảnh đẹp trong mắt những người trót đọc. Chưa cần bàn về góc độ đạo đức, chỉ cần nhìn vấn đề từ góc độ của phép lịch sự, chúng ta đều thấy, nếu tôn trọng người khác, không ai ứng xử như vậy.

Dạ Miên
.
.
.