Giới thiệu áo dài Việt Nam từ thời Nguyên phi Ỷ Lan đến nay

Thứ Bảy, 10/12/2016, 15:00
Là chiếc áo truyền thống của phụ nữ Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu về áo dài. Bởi hiểu dáng áo, chất liệu, đường may... có chăng mới chỉ là lớp vỏ ngoài.

Bởi thế, dự án “Tôi xê dịch” và Lan Hương Luxury sẽ tổ chức hội thảo “Vạt áo ngàn năm” tại Hà Nội vào ngày 17-12 nhằm mang đến những trải nghiệm, kiến thức và những lời khuyên bổ ích với mọi người, đặc biệt là phái đẹp, để có thể thêm yêu và tự tin hơn khi mặc chiếc áo dài truyền thống, nhất là khi áo dài trở thành quốc phục của phụ nữ Việt.

Chiều 10-12, BTC chương trình cho biết, hội thảo sẽ giới thiệu về áo dài Việt Nam qua các thời kì với các trang phục tiêu biểu: Bộ y phục của Nguyên phi Ỷ Lan – Bà chúa Tằm tang (thời Lý); trang phục áo dài xưa qua nguyên mẫu Tượng Ngọc Nữ (thời Trần) và Nam Phương Hoàng Hậu (thời Nguyễn), Yếm đào thời Nguyễn Phúc Khoát; kiểu áo sơ khai nhất của áo dài như áo Giao Lãnh, áo Tứ thân, áo Ngũ Thân; áo dài cách tân như áo dài Le Mur, áo dài Lê Phổ, áo dài Trần Lệ Xuân, áo dài những năm 1970-1980.

Áo dài truyền thống Việt Nam (ảnh: Intenet)

 Đằng sau những tà áo mỏng manh ấy, từ câu chuyện se tơ, dệt vải, từ sợi chỉ đến đường khâu tay là cả một hành trình sáng tạo đầy cảm xúc của các nghệ nhân, chứa đựng những ước mong của cả người may áo và người khéo chọn áo.

Hội thảo cũng giới thiệu các công đoạn tạo nên một chiếc áo dài hoàn chỉnh: trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, may áo, thêu áo, ướp hương…Đặc biệt là sẽ giới thiệu sâu về ý  nghĩa của dáng áo và các họa tiết hoa văn trên áo dài, cũng như thường thức chọn áo dài, cung cách ứng xử với áo dài trong đời sống thường ngày và những nghi lễ đặc biệt: cưới hỏi, lễ hội, ngoại giao...

BTC hy vọng, những kiến thức cần thiết về áo dài do các nghệ nhân cung cấp sẽ hữu ích cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ để biết rằng, ở mỗi thời điểm áo dài đều mang trong mình một sứ mệnh riêng, kể từ hơn 2000 năm trước khi Hai Bà Trưng giương lọng cưỡi voi, áo dài đã âm thầm xuất hiện trong đời sống người Việt và trải qua những thăng trầm như thế nào. 


Thanh Hằng
.
.
.