Hát Xoan được đề xuất ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:22
Từ một di sản bị liệt vào danh sách cần phải bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, đến nay, hát Xoan Phú Thọ đã có bước chuyển mình lớn lao khi đến năm 2017, UNESCO sẽ xem xét để công nhận di sản này là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Điều gì đã diễn ra để chỉ sau khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, hát Xoan Phú Thọ lại có được một bước chuyển mình kỳ diệu đến như vậy?

Hát Xoan còn được gọi là khúc Môn Đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.

Hát Xoan là loại hình nghệ thuật đặc sắc và có truyền thống lâu đời.

Ngày 24-11-2011, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Ngay sau đó, tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2058/QĐ-TTG ngày 7-11-2013.

Theo như thông tin từ ông Hà Kế San-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cung cấp mới đây, thì tính đến thời điểm hiện tại, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan Phú Thọ đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. 

Cụ thể, tính đến hết tháng 2-2016, tổng số người tham gia thực hành hát Xoan ở cả 4 phường và 28 câu lạc bộ là trên 1.200 người, chưa kể có hàng trăm người ưa thích hát Xoan tham gia không thường xuyên, trong đó có khoảng hơn 2/3 là nữ. 

So với thời điểm trước khi Hát Xoan được UNESCO công nhận năm 2011, số lượng thành viên tham gia ở 4 phường Xoan gốc nay tăng lên đáng kể: từ 121 thành viên (số lượng thống kê năm 2010), đến nay có 199 thành viên (tăng gần 65%). Tỷ lệ tăng còn cao hơn ở nhóm các câu lạc bộ. Cụ thể, năm 2010, có 47 người tham gia 3 CLB Hát Xoan, đến nay, tổng số người tham gia ở 30 câu lạc bộ là trên 1.200 người, tăng khoảng hơn 23 lần. Đặc biệt là nhóm trẻ, lứa tuổi học sinh chiếm khoảng trên 30% ở mỗi đơn vị.

Có được thành quả đó là do tỉnh Phú Thọ đã áp dụng đồng bộ hàng loạt những giải pháp tích cực. Theo đó, toàn bộ 31 bài bản Xoan đã được Viện Âm nhạc ghi âm, lưu trữ và được sử dụng trong công tác truyền dạy, trình diễn trong cộng đồng các phường Xoan gốc và các CLB Hát Xoan và dân ca theo đúng truyền thống với 3 chặng gồm: hát Thờ (Giáo trống, giáo pháo, Thơ nhang, Mời Vua, Đóng đám), hát 14 quả cách và các bài hát Hội (hát giao duyên).

Trước đó, vào năm 2015, tỉnh Phú Thọ cũng đã tổ chức các lớp thực hành và truyền dạy hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các CLB hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh; Sưu tầm, kiểm kê tư liệu hóa, số hóa và nghiên cứu, biên soạn bản thảo Tổng tập hát Xoan Phú Thọ phục vụ công tác xây dựng hồ sơ hát Xoan; Tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa ở trong nước thông qua hoạt động du lịch tại các điểm hát Xoan làng cổ…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ cũng tiếp tục tiến hành nghiên cứu phục dựng các lễ hội có tục hát nước nghĩa có hát Xoan gắn với tục thờ cúng Hùng Vương tại các phường Xoan cổ. Tháng 2-2015 phục hồi thành công tục kết nghĩa giữa phường Xoan An Thái xã Phượng Lâu thành phố Việt Trì với cộng đồng làng Cao Mại tại đình Đông Chấn (nay là thị trấn Lâm Thao) tỉnh Phú Thọ. Thực hiện các dự án khôi phục, tu bổ, tôn tạo các di tích có liên quan đến Hát Xoan trong số 19/30 đình, miếu là nơi có tục lệ Hát Xoan thờ thần vào dịp đầu xuân. Đặc biệt Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới xã Kim Đức và đình An Thái xã Phượng Lâu là các di tích cổ nhất gắn liền với sự tích ra đời của Hát Xoan đã và đang được phục dựng, tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng.    

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng, tổ chức nhiều buổi biểu diễn giới thiệu, quảng bá về Hát Xoan trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Để nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ Hát Xoan ghi nhận sự đóng góp và khuyến khích nghệ nhân truyền dạy, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan lần thứ 2 cho 18 nghệ nhân; Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” lần thứ nhất cho 19 nghệ nhân Hát Xoan (trong đó tỉnh Phú Thọ có 17 nghệ nhân, tỉnh Vĩnh Phúc được 2 nghệ nhân).

Việc xây dựng hồ sơ báo cáo tình trạng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ đã được Sở VH-TT&DL hoàn chỉnh bản báo cáo Tiếng Việt và Tiếng Anh gửi UBND tỉnh Phú Thọ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban UNESCO Việt Nam để gửi UNESCO sớm hơn quy định tháng 11-2015. 

Ngày 8-3-2016, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức phiên họp thứ 3 thẩm định hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hà Nội. 

Ngày 21-3-2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý để Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ quốc gia “Hát Xoan Phú Thọ” trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Trong những ngày này, Lễ hội đền Hùng đã bắt đầu khai màn và đón hàng triệu lượt đồng bào về hành hương. Đây cũng là cơ hội rất lớn để tiếp tục quảng bá hát Xoan Phú Thọ đến với đông đảo nhân dân cả nước, một hình thức phát triển hát Xoan quý báu.

Cảnh Vũ
.
.
.