Hát xoan tưng bừng mở hội

Thứ Tư, 13/02/2013, 13:10
Bước ra khỏi không khí hội hè đình đám, gạt sang bên những cuộc thù tạc vui vầy trình diễn phục vụ số đông, các phường xoan truyền thống ở Phú Thọ lại vào cuộc chơi của riêng mình, chắt lọc những tinh túy sâu xa nhất truyền dạy cho chính người làng.

Tháng chạp, cái rét như hun đúc da thịt người. TS Lê Thị Minh Lý cùng những đồng nghiệp trẻ của mình, lại làm cuộc điền dã mới về miền trung du Phú Thọ.

Là Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, từng đảm trách cương vị Phó cục trưởng Cục Di sản, bà luôn canh cánh một điều: Không để áp lực du lịch làm biến dạng các di sản phi vật thể mà cha ông đã bồi đắp, gìn giữ từ nghìn đời, nay trao gửi lại.

Sau những hân hoan khi được xưng tụng, hát xoan đã xuất hiện ở nhiều, rất nhiều các cuộc tụ hội tưng bừng của người đất Tổ, của người muôn phương tứ xứ, đông đúc trên hàng loạt các sân khấu lớn có truyền hình trực tiếp.

Tuy nhiên, cùng với sự thăng hoa bề nổi là những lao xao trầm lặng của không ít người nặng lòng với loại hình diễn xướng âm nhạc đặc trưng vùng bán sơn địa: Hát xoan đang bị lai hóa sang chèo, những người làm sân khấu đang chèo hóa, lễ hội hóa hát xoan…  

Các nghệ nhân cao tuổi trình diễn hát xoan.

Như thấu hiểu nỗi băn khoăn của bà Tiến sỹ, bước ra khỏi không khí hội hè đình đám, gạt sang bên những cuộc thù tạc vui vầy trình diễn phục vụ số đông, các phường xoan truyền thống ở Phú Thọ lại vào cuộc chơi của riêng mình, chắt lọc những tinh túy sâu xa nhất truyền dạy cho chính người làng.

Ông trùm Lê Xuân Ngũ của phường xoan Phù Đức, bà trùm Nguyễn Thị Lịch của phường xoan An Thái… lên ti vi trổ tài cho thiên hạ săm soi thưởng lãm, rồi lại bình thản trong ngày thường bận rộn với những bài giảng chân truyền dành tặng cháu con, nắn từng câu hát nhịp thở, giải nghĩa ngọn ngành của từng lời xoan để đám nhi đồng đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới thêm thông tỏ.

Lời hứa đưa hát xoan vào các bậc học phổ thông đang được lãnh đạo tỉnh Phú Thọ túc tắc thực hiện. Thời khắc này, những nghệ nhân cao tuổi, những người nắm rõ bài bản cổ truyền của hát xoan còn mạnh chân mạnh tay, đủ sức rèn cặp lớp hậu sinh vốn luôn bị phân tâm bởi nhiều mối lo đời sống, hát xoan vẫn còn đó với mối quan ngại bị thất truyền.

Nhưng lỡ mai hậu, các cụ Ngũ cụ Đức, những ông trùm bà trùm ở các phường xoan cổ không còn tinh anh ánh mắt, rạng rỡ điệu cười, hát xoan liệu giữ vẹn tròn không nét đẹp hoang sơ căn cốt đã theo suốt bề dày hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, mà chỉ người đất Tổ mới được vua Hùng đích thân chỉ dạy, như truyền thuyết từng ghi

N.H. (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.