‘Gió đại ngàn’ vẫn thổi…

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:30
Trong khuôn khổ “Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ III” tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ thì có lẽ sáng 16/7 là một trong những buổi biểu diễn đặc biệt. Đặc biệt bởi vở diễn “Gió đại ngàn” do Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên mang tới Liên hoan cũng chính là tác phẩm cuối cùng của nhà viết chèo Trần Đình Văn - người vừa đột ngột ra đi ở tuổi 40 khi bút lực đang ở độ sung mãn nhất.


Ngày vở diễn ra mắt khán giả Thủ đô cũng đúng thời điểm tròn 100 ngày mất của anh. Và cho tới thời điểm này, người thân, đồng nghiệp và những khán giả yêu chèo vẫn còn bàng hoàng trước sự ra đi của anh, một nghệ sĩ tài hoa, tử tế, người đã chắt lòng mình vào những câu thơ: “Con đã trót mang niềm yêu tha thiết/ Tiếng hát chèo như máu thịt tâm can”.

Có lẽ vì thế, vở diễn không chỉ thu hút sự quan tâm của những khán giả yêu chèo, những nghệ sĩ đồng nghiệp mà còn có đông đảo người thân, bạn bè của nhà viết chèo Trần Đình Văn. 

Ngồi lặng lẽ trong khán phòng, Tiến sĩ, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn, người được giới sân khấu mệnh danh là “Ông vua chèo”, cha của tác giả Trần Đình Văn không rời mắt khỏi sân khấu. Có lẽ với ông, dẫu người con trai yêu quý đã không vượt qua được định mệnh khốc liệt để đi đường trường với chèo, như ông mong muốn nhưng với những gì Trần Đình Văn đã làm cho chèo tới hơi thở cuối cùng đủ khiến ông tự hào. Dù cùng với niềm tự hào ấy là nỗi đau không dễ gì chịu đựng. Nhiều đồng nghiệp từng làm việc với Trần Đình Văn đều công nhận anh thừa hưởng trọn vẹn tình yêu chèo, sự nghiêm túc với nghề từ người cha cũng là người thầy lớn của mình.

May mắn được nhiều lần trò chuyện cùng nhà viết chèo Trần Đình Văn, cũng là người chuyển giúp anh đề cương kịch bản “Gió đại ngàn” tới Ban tổ chức Liên hoan, tôi được nghe anh tâm sự nhiều về những trăn trở khi bắt tay vào kịch bản này. 

Trần Đình Văn chia sẻ, anh luôn hứng thú với đề tài “An ninh trật tự và bình yên cuộc sống” nhưng để có được một tác phẩm hay trong việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an là điều không hề dễ dàng. “Gió đại ngàn” vẫn là sự tiếp nối quan điểm, phong cách của Trần Đình Văn khi khai thác đề tài Công an là không đi quá sâu vào nghiệp vụ của nghề mà thông qua những éo le của đời thường mà người chiến sĩ Công an phải đối mặt, phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Trước đó, cũng tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2011 anh đã tham gia với 2 vở diễn là “Giọt nắng mùa xuân” và “Ngày thường không bình yên”.

Vở kịch “Gió đại ngàn” của Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên.

“Gió đại ngàn” được Trần Đình Văn chắp bút từ một sự kiện có thật xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình hoàn thiện kịch bản, có lúc anh muốn đẩy kịch tính của vở diễn lên cao hơn nữa nhưng cuối cùng anh quyết định tôn trọng sự thật của sự kiện để kịch bản mang “màu sắc Thái Nguyên” nhất.

Nhạc sĩ Đào Tuấn Hải, người em, người đồng nghiệp thân thiết của nhà viết chèo Trần Đình Văn và cũng là người phụ trách âm nhạc của vở diễn bùi ngùi: “Đây là một trong kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời làm nghề của mình”. Đồng hành cùng tác giả Trần Đình Văn ngay từ những ý tưởng ban đầu, trong lòng nhạc sĩ Tuấn Hải vẫn còn tràn đầy những kỷ niệm... 

Được biết, cùng với đạo diễn Lê Thanh Tùng, bộ ba “Tùng – Văn - Hải” này đã làm việc cùng nhau từ năm 2010 và “Gió đại ngàn” là vở thứ 4 đánh dấu sự hợp tác của ê kíp này. Sự ra đi đột ngột của Trần Đình Văn đã để lại một khoảng trống lớn trong lòng những người còn lại. 

Đạo diễn Lê Thanh Tùng chia sẻ, anh hài lòng với buổi biểu diễn. Vượt lên trên những khó khăn của một đoàn nghệ thuật miền núi, các nghệ sĩ của đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên đã vào vai một cách trọn vẹn, mang đến một vở diễn đậm màu sắc núi rừng. 

Dường như, với những nghệ sĩ ấy, giải thưởng giờ đây đã không thực sự quan trọng nữa. Họ đã diễn hết mình không chỉ để đóng góp cho hội diễn một vở diễn hay mà còn là sự cảm ơn, là lời tri ân với một người bạn, người đồng nghiệp yêu sân khấu chèo tới mê đắm vừa nằm xuống. Và chắc chắn ở đâu đó, Trần Đình Văn sẽ mỉm cười khi đứa con tinh thần của mình đã được nâng niu, trân trọng. 

Thảo Duyên
.
.
.