Liên hoan sân khấu toàn quốc về 'Hình tượng người chiến sĩ CAND' lần thứ 3/2015:

Các vở diễn đã phản ánh đa dạng về người chiến sĩ Công an

Thứ Năm, 16/07/2015, 10:08
Mới được gần nửa chặng đường, Liên hoan sân khấu toàn quốc (LHSKTQ) về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ 3/2015 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả Thủ đô. Một điểm ghi nhận ở Liên hoan lần này là, buổi diễn nào cũng rất đông khán giả, đặc biệt, các nghệ sĩ của các đoàn đều đến xem nhau diễn, để những ngày Liên hoan thật sự trở thành nơi giao lưu, học hỏi và trao đổi giữa các bạn nghề.


Sau vở khai màn khá ấn tượng của Đoàn Kịch CAND với “Không phải là vụ án” (kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSƯT Công Bảy), các đơn vị nghệ thuật địa phương cũng mang đến những dấu ấn riêng, cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị nghệ thuật trung ương một cách chững chạc và tự tin trong cách dàn dựng, cách thể hiện: Đoàn Kịch nói Hải Phòng tạo dấu ấn của “thành phố Hoa phượng đỏ” với “Tình xưa” (kịch bản: Phan Gia Liên, đạo diễn: NSND Lê Hùng), Đoàn Cải lương Thái Bình với “Khoảnh khắc mong manh” (kịch bản: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSƯT Xuân Vũ), Nhà hát Chèo Hưng Yên với “Phút giây định mệnh” (kịch bản: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSƯT Xuân Sanh) vv...

 Sau 2 lần tham dự LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ nhất và lần thứ 2, các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn - Thanh Hóa đã thêm một lần tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả qua “Mảnh đời run rẩy” (kịch bản: Vũ Xuân Cải, đạo diễn: NSƯT Giang Châu). 

Đạo diễn đã tạo được nhiều kịch tính cho câu chuyện, nhiều đất diễn cho diễn viên, để mang đến một vở diễn rất đáng xem qua những lớp diễn nhiều màu sắc và cuốn hút. Các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã tung hứng ăn ý, dẫn dắt người xem đi dọc theo một câu chuyện đầy tình nhân ái, được khởi đầu bằng những hình ảnh khá căng thẳng ở một trại giam nữ. 

Người phụ nữ vì chồng mà dấn thân vào con đường phạm tội và trong hành trình tội lỗi đó, họ đã cướp và gây án mạng cho 2 bố con trên đường. Nhiều năm sau, khi đã sắp mãn hạn tù, với nỗi niềm ân hận muộn màng, nữ tù nhân lại kể với quản giáo về câu chuyện đó. Không ai ngờ, 2 nạn nhân đó lại chính là chồng, con của người nữ quản giáo. Những đau đớn của quá khứ vụt trở về như vừa mới diễn ra, giằng xé chị. Hoặc là im lặng, để cứu vớt một cuộc đời sắp sửa hoàn lương, hoặc là trả thù cho gia đình mình … Và rồi, lòng nhân đã chiến thắng. 

Câu chuyện để lại cho người xem thông điệp về sự trả giá của tội ác, nhưng lắng đọng sâu sắc hơn là sự tha thứ và đó chính là cái gốc của cuộc đời mỗi con người.

Cảnh trong vở “Mảnh đời run rẩy” của Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn - Thanh Hóa.

Liên hoan cũng là cơ hội để các nhà hát “đàn anh” tiếp tục khẳng định vị thế của mình. Với “Dư chấn” (kịch bản: Xuân Đức, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến một câu chuyện chống tiêu cực rất mạnh mẽ. Hình ảnh của người chiến sĩ Công an không nhiều, nhưng lại lắng sâu và đầy ý nghĩa trong câu chuyện sóng gió từ đầu đến cuối này.

Có thể nói rằng, vở diễn đã chạm đến nhiều vấn đề mang tính thời sự nóng hổi, cho dù chất liệu là của câu chuyện đã diễn ra từ nhiều năm: việc cấu kết giữa một số cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất với doanh nghiệp để phá rừng, vơ vét tài nguyên đất nước, bất chấp đời sống của người dân địa phương. 

Một kịch bản chặt chẽ, đậm chất văn học, tính triết lý, đầy ắp tình tiết, một đạo diễn tài hoa và êkip nghệ sĩ danh tiếng, đã khiến vở diễn tải được nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng. Đó là mối quan hệ của những người từng sinh tử bên nhau trong chiến tranh, nhưng lại đối mặt giữa thời bình. Có người minh oan và được minh oan, có người biết mà phải vờ như không biết, rồi bị sát hại. Vụ án tưởng đã chìm lắng sau 20 năm nhưng hóa ra tội ác chồng chất vẫn để lại những hệ lụy sau này. Có những tội ác đi qua nhưng dư chấn còn đọng lại. Có những tội lỗi trong quá khứ, tưởng chừng đã bị lãng quên, nhưng thực tế, vẫn đeo bám không dễ gì xóa được. 

Và, thông điệp mà tác giả gửi đến khán giả được chuyển tải khá đầy đủ qua vở diễn: Cái ác không bỗng dưng sinh ra, mà có mầm họa từ trước. Nạn tham nhũng, tiêu cực, những vụ án oan, thậm chí, ngay cả thời kỳ chúng ta coi là sử thi, hùng tráng, cái ác cũng đã được nuôi dưỡng, để giờ “di căn” trong xã hội. Bởi thế, nếu không xử lý triệt để, cái ác sẽ để lại di họa khôn lường. Không có việc gì làm của lớp trước mà không dội lại cho lớp sau.

“Cho một ngày bình yên” (tác giả: Lê Chí Trung; đạo diễn: Bùi Như Lai) cũng đã rất xứng với tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ, khi khắc họa chân thực cuộc chiến đấu khốc liệt của lực lượng Công an với tội phạm. Một vụ án tưởng có thể khép lại, nhưng khi những kẻ phạm tội vẫn tìm mọi cách để tồn tại, để gây tội ác, thì lực lượng Công an còn phải chịu nhiều hy sinh thầm lặng, mới có thể ngăn chặn được. Những hy sinh ấy không chỉ chính họ phải chịu, mà người thân họ cũng phải gánh, vì công việc của họ. 

Bằng khả năng và kinh nghiệm diễn xuất của những diễn viên một nhà hát danh tiếng,  NSƯT Minh Hằng, nghệ sỹ Quang Ánh, nghệ sĩ Tùng Linh… đã thể hiện rất thành công, góp phần không nhỏ để vở diễn lắng lại trong lòng người xem.

Mới chưa đầy một nửa chặng đường, nhưng LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” đã cho thấy vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền: Các loại hình đều khai thác tương đối toàn diện về nhiệm vụ, cuộc đời của người chiến sĩ Công an, với những hy sinh cao cả, qua đó, làm bật lên những phẩm chất tốt đẹp của lực lượng Công an trong nhiệm vụ giữ gìn bình yên cho nhân dân.

Dạ Miên
.
.
.