“Cây nhà lá vườn” trong chiến khu

Thứ Bảy, 19/08/2017, 21:48
Chúng ta đang sống trong thời buổi no nê, dư thừa món ăn tinh thần-thoải mái xem, thoải mái nghe, thoải mái đọc… chả bù cho thời khói lửa đạn bom, “đói” văn nghệ còn hơn cả đói cơm ăn, nước uống. Tác giả bài viết này, 10 năm hoạt động ở chiến trường Nam Bộ (1965-1975) chỉ nhớ một lần được xem văn công tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre (vùng căn cứ giải phóng) vào mùa khô năm 1972.

Bởi “đói” văn nghệ, nên những ngày lễ, tết, những đám cưới trong vùng căn cứ, là cơ hội để anh chị em thuộc các đơn vị bám trụ trong vùng gặp gỡ hàn huyên, hát cho nhau nghe, biểu diễn cho nhau xem, gọi là những tiết mục “cây nhà lá vườn”. Ngẫm lại, có những tiết mục tùy hứng, tự biên tự diễn, chẳng thua gì ngày nay người ta biểu diễn trên sân khấu, trên màn hình TV. Sau một trận cười đến chảy nước mắt, có người thốt lên: Cha! Tay này đáng là một “DIỄN VIÊN SIÊU HẠNG”.

Người đội mũ phớt ngồi bên tác giả bài viết này (ảnh chụp năm 2016) chính là “diễn viên” thời đó.

Anh là Chín Cường (Trần Cường) – cựu cán bộ An ninh T4 (An ninh Sài Gòn – Gia Định) thời kháng chiến chống Mỹ, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh.

Đại tá Trần Cường (đội mũ phớt) và tác giả bài viết.

Tôi quen anh từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi đơn vị chúng tôi và đơn vị anh cùng về bám trụ tại xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre để đánh lạc hướng theo dõi của địch, còn địa bàn hoạt động của 2 đơn vị vẫn là đô thành Sài Gòn.

Căn cứ 2 đơn vị cách nhau chưa đến 100 mét, vì nguyên tắc nghiệp vụ nên không thể vào căn cứ của nhau. Những cuộc gặp gỡ thường diễn ra ở ven đồng ấp I vào những cuối chiều yên tiếng súng. Vùng yếu, vùng “căn cứ lõm” là vậy – ngày địch, đêm ta. Chiều chiều, các cơ quan, đơn vị lại tỏa ra ven đồng tiếp xúc bà con dân ấp để nắm tình hình và nhờ bà con mua lương thực, nhu yếu phẩm.

Tôi gặp Chín Cường lần đầu trong bối cảnh ấy. Điều gây ấn tượng khiến tôi suýt nhầm anh là người Bắc, bởi Chín Cường có tài nhái giọng Bắc rất siêu. Điều ngờ ngợ ấy phải lần thứ hai mới được giải đáp. Anh là người Nam Bộ chính hiệu. Năm 1954 tập kết ra Bắc, về trường học sinh niềm Nam ở Đông Triều, tiếp xúc nhiều với bà con vùng đó, nên rất nhuyễn ngôn ngữ địa phương.

Những lần gặp nhau sau này thời gian dài hơn, có khi cả buổi. Ấy là vào ngày lễ, tết tại “lán nghiệp vụ” của đơn vị chúng tôi, cách căn cứ của 2 đơn vị chừng hơn 100m. Gọi là “lán nghiệp vụ” bởi đó là nơi chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc với những trường hợp không thể đưa vào căn cứ. Chiếc lán xinh xinh, lợp bằng lá dừa nước, bàn ghế ghép bằng tre, đủ chỗ cho cả chục người ngồi.

Tết năm 1971, một sự tình cờ, năm đó có nhiều người đi thực tế về An Phước, Châu Thành đến thế. Báo chí địa phương, có anh Trần Ký (một cây ký sự của Tạp chí Văn nghệ Đồ Chiểu). Cơ quan Miền, có nhà báo Quang Huy (Thông tấn xã Giải Phóng). Văn nghệ khu 8, có nhà thơ Lê Hà. Tôi mời các anh tới “lán nghiệp vụ” của đơn vị. Mời cánh Chín Cường sang. Ngoài anh, có thêm Năm Sinh (Đặng Thế Điện, quê Phú Thọ. Kết thúc chiến tranh về công tác tại quê, lãnh đạo Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh). Là chủ nhà nên anh em đơn vị chúng tôi chiếm hơn phân nửa số người tham dự. Ở chiến trường vùng giáp ranh với địch mà có cuộc hội ngộ như thế quả là hiếm có.

Thực đơn hôm đó thật “hoành tráng”. Anh em đơn vị đem ra nhiều loại bánh, kẹo, mứt tết, trà “2 chữ A”, thuốc lá Ruby quân tiếp vụ, kèm theo một bịch rượu đế Lương Hòa chính hiệu. Rượu được rót ra bát sắt ăn cơm của cá nhân, chứ làm gì có tách và ly như bây giờ. Ngay như rượu cũng đựng trong bịch nilon hai, ba lớp rồi cột dây thun bên trên, chứ làm gì có chai, có bình mà đựng.

Rượu vào, lời ra, thơ ra, văn ra, hát ra… mỗi người ít nhiều đều có đóng góp tiết mục.

Trước tiên là “trưởng lão” Lê Hà. Anh đọc bài thơ vừa sáng tác tại chỗ. Bài tứ tuyệt, nhưng tên thì dài ngoằng ” Thị xã em – Thị xã anh – Thị xã của hai ta”: Thị xã em phố lầu ngột ngạt/Thị xã anh khoảng khoát dừa xanh/Em lội tới anh trời hé sáng/Vườn quê thoang thoảng phấn hương thành.

Một cô gái sống trong thị xã Bến Tre, có người yêu là quân Giải phóng ở căn cứ An Phước. Đường chim bay chỉ cách chừng 5km. Để tránh kiểm soát của địch, cô phải theo giao liên đi thăm người yêu vào đêm khuya, phải lội qua đồng ruộng, mương rạch, rồi vượt sông Ba Lai tới An Phước thì trời vừa hửng sáng.

Thật là tuyệt vời. Tiếng pháo tay nổi lên không dứt, khiến tác giả phải đọc lần thứ hai.

Tiếp đó, Quang Huy trao đổi về chuyến đi của anh, sẽ viết một số phóng sự về địa bàn Mỹ Tho và Bến Tre; Trần Ký giới thiệu tóm tắt về Tạp chí Văn nghệ Đồ Chiểu và đề nghị anh em viết bài cho tạp chí để sử dụng vào số kỷ niệm sinh nhật Bác (19-5), Ngày Quốc khánh và Tết âm lịch.

Đến lượt “chủ nhà”, tránh sao được! Tôi đành trình bày một sáng tác của mình. Đó là bài thơ “Mùa dâu chín” đã in trên Văn nghệ Đồ Chiểu và Văn nghệ Quân khu 8 (sau này được soạn giả Minh Quân chuyển thể sang vọng cổ với tên gọi “Chuyện mùa dâu chín” được Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ trình bày – chừng 1 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).

 Theo lời “xúi bẩy” của Năm Sinh – “Chín Cường có thơ và hát chèo hay lắm đấy”. Tôi lãnh phần MC. Chỉ định luôn. Dẫu bị “bỏ bom” bất ngờ, nhưng Chín Cường kịp ứng tiếp ngay với đôi lời phi lộ đầy chất hài trong đó – “Ngồi trước các Nhà và các “lâu đài” thơ, bọn này chỉ là “cái lều thơ” nhỏ xíu nên ngại lắm. Thôi thì… cũng đành “uống mật gấu” để liều mình múa rùi qua mắt thợ vậy”.

Đọc xong bài thơ “áo bà ba” do anh sáng tác khi từ miền Bắc về tới đất Nam Bộ. Trước sự tán thưởng của anh em bằng một tràng pháo tay thiệt dài, Chín Cường hưng phấn, khẽ hắng giọng, giả bộ một MC người Bắc: “Bây giờ xin mời quý anh chị ra thăm hậu phương “nhớn” Anh hùng và đón nghe một số làn điệu chèo của “xứ Quảng” chúng em (Quảng Ninh). Mở màn là làn điệu sa lệch chênh, rồi tiếp theo là Sắp cổ phong, Lới lơ, Đào liễu, Luyện năm cung, Xẩm huê tình”…

Cả căn chòi lặng yên, tất cả đều như bị thôi miên bởi cái hiện tượng kỳ lạ - một người Nam Bộ “chính hiệu” mà lại biết hát chèo, với giọng ca, luyến láy chuẩn mực như vậy.

Đợi dứt tràng pháo tay, tôi xen vào: “Nè! Liệu có vướng sợi tơ lòng nào ngoài Bắc mà hát chèo nhuyễn vậy?”. Chín Cường đối đáp luôn, đặc sệt giọng Bắc: “Mê thì có mê, nhưng yêu thì “nhà em” chả dám. Tổ chức mà biết, nó giềng cho bỏ mẹ”.

Ngừng giây lát, Chín Cường hạ giọng, tâm sự: “Hồi ở ngoài Bắc, mỗi tháng được xem phim hoặc văn nghệ một lần. Xem hát chèo nhiều rồi mê chèo, thuộc chèo. Đã là chèo thì phải giọng miền Bắc, chứ miền Nam và miền Trung nghe sao được. Tiếp xúc với bà con nông thôn miền Bắc, có nhiều điều thú vị lắm. Ngắm một ông nông dân, trước khi dắt trâu đi cày ruộng, ngồi trên hiên nhà, “bắn” một điếu thuốc lào, mắt lim dim, chống 2 tay, ngả người về phía sau nhả khói, với gương mặt đầy khoan khoái chẳng vương vấn buồn phiền”.

Nói rồi, bỗng nhiên Chín Cường “diễn” luôn màn kịch câm hút thuốc lào: “Hĩm ơi! Hĩm à! Lấy cho bố cái bó đóm ở trên gác rựa ra đây. Bảo bu mày quảy mạ ra ruộng trước đi. Bố bắn điếu thuốc rồi ra sau”. Mọi người cười ngất bởi cái giọng lão nông xứ Bắc đặc chuẩn của anh.

Chín Cường chỉnh lại chỗ ngồi, chuẩn bị vào vai diễn. Mọi con mắt đổ dồn về phía anh. Tay trái giả bộ cầm chiếc điếu cày. Tay phải làm động tác nhón và vê thuốc rồi nhét vào nõ điếu.

Lại giả bộ đặt điếu tựa vào ngực. Bằng ngón cái và ngón trỏ tay phải, làm động tác rút một cái đóm, dùng ngón út búng mấy cái cho đầu đóm tơi ra. Tay trái làm bộ bật lửa, tay phải châm lửa, tay trái cầm điếu lên, đặt vào miệng, làm bộ rít một hơi thật dài. Đặt điếu xuống, chống hai tay ra phía sau, mắt lim dim nhả khói lên trời một cách khoan khoái.

Tiếng reo hò nổi lên “thật là tuyệt chiêu! Tuyệt chiêu! Dân kịch câm cũng phải bái phục” – dẫu rằng Chín Cường chẳng biết hút thuốc, kể cả thuốc lá.

Cuộc gặp gỡ hôm ấy đã hằn sâu trong ký ức tôi – Ký ức thời máu lửa ở chiến trường, nó trở thành kỷ niệm sâu sắc của tôi với Đại tá Trần Cường, người sĩ quan An ninh với tâm hồn nghệ sĩ.

Đã là chèo thì phải giọng miền Bắc, chứ miền Nam và miền Trung nghe sao được. Tiếp xúc với bà con nông thôn miền Bắc, có nhiều điều thú vị lắm. Ngắm một ông nông dân, trước khi dắt trâu đi cày ruộng, ngồi trên hiên nhà, “bắn” một điếu thuốc lào, mắt lim dim, chống 2 tay, ngả người về phía sau nhả khói, với gương mặt đầy khoan khoái chẳng vương vấn buồn phiền”.

Đại tá Trần Cường

Khổng Minh Dụ
.
.
.