Đi tìm sự khác biệt là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo

Thứ Ba, 27/11/2018, 16:20
Đó là một trong những thông điệp về phát triển và quản lý báo chí mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ tại lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức.


Báo chí phải thể hiện được dòng chảy chính của xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường. 

Dòng chảy chính của Việt Nam đang là tốt, Việt Nam đang là một trong những nước phát triển tốt nhất trên thế giới, nhiều nước ngưỡng mộ, học tập. Chúng ta còn không ít tồn tại, và mãi mãi sẽ còn các tồn tại, nhưng so với thế giới thì chúng ta đang trong top đầu của các nước đang phát triển. 

Nếu nói cái xấu nhiều trên báo để nhân dân cảm nhận nó như dòng chảy chính thì dễ làm mất lòng tin của nhân dân vào đất nước, vào chế độ, vô hình chung chúng ta làm mất đi sức mạnh dân tộc mình, làm mình yếu đi, do đó giúp cho kẻ thù mạnh lên. Tìm ra cái ngưỡng phê phán để vừa đủ thúc đẩy, vượt qua cái ngưỡng đó là sói mòn mức mạnh. 

Đây là việc khó. Trong thống kê có một con số. Nếu cái nào vượt quá 30% thì cái đó trở thành cái chính. Nếu cái xấu chiếm 30% trên mặt báo thì cái đó sẽ được cảm nhận là dòng chảy chính. Cái nào trên 20% thì được coi là đáng kể và có xu thế trở thành cái chính. 

Nếu cái xấu trên mặt báo trên 20% thì tức là cái xấu đang là cái đáng kể trong xã hội và đang có xu thế trở thành cái chính. Cái gì dưới 10% thì cái đó không phải là chính, nhưng luôn có đủ sức cảnh báo. “Anh em mình làm báo cũng rất nên cân nhắc các con số này. Tuỳ theo báo, tuỳ theo chủ đề, tuỳ theo giai đoạn mà chọn con số cho đúng”- người đứng đầu ngành TT&TT lưu ý.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí APEC, ảnh VOV ( ảnh minh họa).

Hiện Bộ TT&TT đang xây dựng Trung tâm lưu chiểu Quốc gia về truyền thông số gồm báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, nhờ đó, chúng ta có thể phân tích, đánh giá, nhìn thấy xu thế, kể cả số liệu thống kê về bài viết tích cực, tiêu cực, từ đó nhìn thấy dòng chảy chính của báo chí đang là gì. 

Đặc biệt, qua công cụ này cũng sẽ biết được phóng viên nào, báo nào viết nhiều, viết ít, chủ đề, chất lượng, ảnh hưởng bài viết như thế nào. “Muốn quản lý được thì đầu tiên là phải nhìn thấy được. Mong các báo hợp tác với Bộ để xây dựng Trung tâm lưu chiểu Quốc gia này, dữ liệu có được sẽ được chia sẻ với các báo”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Báo chí cần quy hoạch lại để tinh hơn

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, anh em làm báo phải sống được bằng nghề. Không sống được bằng nghề thì khó làm tốt được. Bây giờ báo nhiều, thị trường quảng cáo đã nhỏ, lại đang bị mạng xã hội lấy mất đến gần 40% nên báo chí rất khó khăn. Lời giải cho bài toán này, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, không có cách nào khác là báo chí phải quy hoạch lại. 

“Ngân hàng nhiều quá nên đã tổ chức lại cho tinh hơn thì mới lành mạnh được. Báo chí nên có bộ phận làm thêm các dịch vụ cho doanh nghiệp, như tư vấn truyền thông, tổ chức sự kiện, đánh giá dư luận xã hội về doanh nghiệp, về sản phẩm của doanh nghiệp. Báo chí cũng phải có thu nhập ổn định để chuyên tâm làm nghề. Cơ quan báo chí cũng phải tích luỹ tài sản để đỡ cho thế hệ sau phải bươn trải thị trường nhiều hơn. Để giữ định hướng, Đảng và Nhà nước cần tăng cường ngân sách để đặt hàng báo chí, vừa là định hướng vừa là giúp anh em báo chí có thu nhập ổn định một phần”- người đứng đầu ngành TT&TT đưa ra gợi ý.

Liên quan đến quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Quy hoạch báo chí là phải làm. Trung ương đã thông qua, Bộ Chính trị đã thông qua Quy hoạch báo chí. Việc làm này không phải siết báo chí, mà là làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc phát triển nói gọn là: “Sống được, phụng sự được”. 

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: Quá trình quy hoạch báo chí không thể làm một cách quá hành chính. “Trung ương cũng đã cho chúng ta làm có lộ trình. Khi làm cũng phải xem xét đến từng báo, từng người. Định hướng đã có, từng cơ quan chủ quản, từng báo phải tự làm. Khó ở đâu thì Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT sẽ sát cánh. Phải làm ráo riết từ hôm nay, vì lộ trình mấy năm sẽ qua đi rất nhanh”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng cho rằng: Với hàng ngàn tờ báo, tạp chí, trang tin thì không một tờ báo nào có thể phủ hết cả thị trường. Do vậy, mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo. 

“Báo chí của chúng ta không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất. Hãy đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tín vì Fake News, vì vậy đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí. Mạng xã hội không chỉ cạnh tranh với báo chí mà còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Báo chí phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Về vấn đề bản quyền, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Một bài báo là một tác phẩm do lao động của nhà báo, của cơ quan báo chí tạo ra, tốn nhiều chi phí. Bất kỳ ai dùng cũng phải trả bản quyền. Nếu không làm tốt việc này, báo chí sẽ không sống được, sẽ không có các bài báo hay. 

“Tình hình hiện nay là nhiều tin của báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền, nhưng lại thu đến 40% tổng thị trường quảng cáo. EU đã bắt đầu ra các quy định để các mạng xã hội lớn phải có cơ chế trả bản quyền nếu dùng tin của báo chí. Bộ TT&TT, cụ thể là Cục Báo chí, phải tích cực tìm giải pháp để điều chỉnh các quy định hiện hành về bản quyền báo chí”- người đứng đầu ngành TT&TT đưa ra định hướng.

Huyền Thanh
.
.
.