Vén bức màn “đòi rũ áo ra đi” của xứ Catalonia

Thứ Năm, 05/10/2017, 15:36

Với dân số vào khoảng 7,5 triệu người, Catalonia được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho Tây Ban Nha với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD, cao hơn GDP của HongKong (Trung Quốc). Nếu xứ này đòi độc lập thành công, rất có thể “cơn sốt” ly khai tại châu Âu sẽ càng lan rộng. 

Người đứng đầu khu vực Catalonia Carles Puigdemont (trái) tuyên bố đơn phương độc lập vào ngày 9-10. Ảnh: Reuters

Mới đây, người đứng đầu khu vực Catalonia Carles Puigdemont thông báo, chính quyền vùng này sẽ đơn phương tách khỏi Tây Ban Nha vào ngày 9-10. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có tới hơn 90% cử tri (gần 2 triệu người) ủng hộ khu vực này độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần qua.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương Tây Ban Nha cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý của Catalonia là vi hiến, đi ngược lại với hiến pháp năm 1978. Vậy đâu là lý do khiến Catalonia liên tiếp đưa ra yêu sách và kế hoạch đòi độc lập ?

Lịch sử vùng Catalonia 

Catalonia là một cộng đồng tự trị giàu có của Tây Ban Nha, tọa lạc ở miền Đông Bắc bán đảo Iberia, tích hợp bởi bốn tỉnh Barcelona, Girona, Lleida và Tarragona. Trong số đó, Barcelona là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của vùng này. 

Phong trào đòi độc lập cho xứ Catalonia đã kéo dài 3 thế kỷ nay, bắt đầu từ năm 1714 khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona. Trong thế kỷ XIX, Catalonia chịu tác động nghiêm trọng từ các cuộc chiến tranh Napoléon và các cuộc nội chiến. 

Catalonia nằm ở phía Đông Bắc của Tây Ban Nha. Ảnh: BBC

Kể từ đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc vùng này liên tục đòi quyền tự trị. Khi tướng Francisco Franco lên nắm quyền Thủ tướng Tây Ban Nha năm 1939, ông đã thi hành các chính sách đàn áp các nỗ lực tự trị ở đây, quét sạch các định chế và ngôn ngữ riêng biệt của Catalonia. 

Phải đến khi Tây Ban Nha khôi phục chế độ dân chủ (1975–1982), Catalonia mới giành lại một số quyền tự trị về chính trị và văn hoá. Hiện tại, Catalonia là một trong các cộng đồng năng động về kinh tế bậc nhất tại Tây Ban Nha. Catalonia đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha; chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư. 

Người Catalonia được quản lý hệ thống nhà tù, cảnh sát, giáo dục và y tế riêng biệt. Về ngân sách, họ kiểm soát việc thu thuế, còn việc phân phối lại công quỹ được kiểm soát bởi chính quyền trung ương. Tóm lại, Catalonia là một trong những khu tự trị nhất tại châu Âu.

Động lực của chủ nghĩa ly khai

“Hiệp ước lãng quên” (The Pact of Forgetting) là một quyết định chính trị do đảng cánh tả và cánh hữu của Tây Ban Nha đưa ra sau khi đế độ độc tài Franco chấm dứt. 

Hiệp ước tập trung vào tương lai của Tây Ban Nha, giúp người dân nước này gác lại quá khứ của các cuộc nội chiến chia rẽ và đẫm máu, mở đường cho quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang nền dân chủ những năm 1970. Tuy nhiên, những người Catalonia tham gia trưng cầu dân ý đòi độc lập đã đẩy “Hiệp ước lãng quên” giá trị và mang tính xây dựng này vào quên lãng. 

Thực tế hiện nay đã chỉ ra rằng, hai động lực của chủ nghĩa ly khai mới tại Catalonia chính là các tai ương kinh tế mà Tây Ban Nha đang phải đối mặt và một quyết định từ năm 2010 của Tòa án Hiến pháp, nhằm bác bỏ hoặc sửa đổi một phần trong điều lệ, khiến quyền tự trị của Catalonia không được mở rộng như mong muốn.

Người Catalonia nhận định họ đã cho đi nhiều hơn nhận lại. Ảnh: Getty

Nhiều người Catalonia, những người nói ngôn ngữ riêng của mình cũng như tiếng Tây Ban Nha nhận định, từ lâu nay họ đã cho đi nhiều hơn là nhận lại. Các khoản thuế mà họ đóng được dùng để trang trải cho những người miền Nam nghèo khổ, lười biếng, sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ. 

Ngoài ra, căng thẳng cũng gia tăng đáng kể trong tuần qua sau khi lực lượng cảnh sát dân sự Tây Ban Nha khám xét hàng chục tòa nhà của chính quyền khu vực tại Barcelona và bắt giữ 14 quan chức cao cấp. Cảnh sát đã thu giữ gần 10 triệu lá phiếu và tịch thu hơn 1,5 triệu tờ rơi, áp phích. 

Ông Carles Puigdemont cáo buộc chính phủ Tây Ban Nha can thiệp vào quyền tự trị khu vực và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Khoảng 40.000 người đã xuống đường ở Barcelona tối 27-9 để phản đối các cuộc khám xét.

Hệ lụy khiến thế giới lao đao

Với dân số vào khoảng 7,5 triệu người, Catalonia được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho Tây Ban Nha với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD, cao hơn GDP của Hongkong (Trung Quốc). 

Trong bối cảnh nền kinh tế Tây Ban Nha vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau suy thoái năm 2008, giới chuyên gia cho rằng, việc Catalonia tách khỏi quốc gia Tây Âu này sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường, có khả năng đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. 

Hơn nữa, việc Catalonia ly khai thành công sẽ trở thành một tiền lệ nguy hiểm. Xu hướng đơn phương độc lập trong Liên minh châu Âu sẽ lan nhanh chóng mặt, bởi chủ nghĩa dân túy tại các quốc gia thành viên chỉ chực chờ bùng phát như ở xứ Basque hay đảo Corse, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, thịnh vượng của khối.

Các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân đã khiến ít nhất 92 người bị thương. Ảnh: Getty

Theo cơ quan y tế vùng Catalonia, các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân đã khiến ít nhất 92 người bị thương trong tổng số khoảng 760 người phải tìm đến các cơ sở y tế. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, 33 cảnh sát cũng đã phải nhập viện sau các vụ đụng độ. 

Thông tin trên đã khiến nhiều chính trị gia châu Âu quan ngại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay, tránh khơi mào cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài. 

Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans nhấn mạnh, người dân của một nước thành viên EU phải tuân thủ luật pháp và hiến pháp nước đó, dù có thích hay không, đó là nguyên tắc pháp trị. Theo ông Timmermans, bất kỳ hành động nào diễn ra ở một nước thành viên EU đều phải hợp hiến. 

Bình luận về những diễn biến tại Catalonia, tờ The Globe and Mail cho rằng cuộc đảo chính nhằm vào nền dân chủ Tây Ban Nha chính là một cuộc đảo chính đối với châu Âu. Trong khi đó, tờ Financial Times cũng nhận định công cuộc ly khai của Catalonia là điều không hề có lợi.

Giải pháp khôn ngoan nhất là chính quyền Madrid nên lựa chọn một cách hành xử kiềm chế, tránh kích động những mâu thuẫn chỉ có lợi cho các lập luận của lực lượng ủng hộ ly khai.

Linh Đan (tổng hợp)
.
.
.