Tương lai Catalonia tự trị sau cuộc bầu cử địa phương

Thứ Hai, 28/09/2015, 07:54
Ngày 27/9, cử tri vùng Catalonia ở Đông Bắc Tây Ban Nha đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương được coi là quan trọng nhất trong lịch sử vùng đất này và có thể quyết định tương lai của xứ Catalan trong Tây Ban Nha.




Được tiến hành chỉ 10 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý bất thành về việc tách khỏi Tây Ban Nha, cuộc bầu cử địa phương lần này của vùng Catalonia được coi là cách thức để người dân xứ này tìm đến con đường đòi tự trị sớm nhất. Nói thế là bởi lẽ 10 tháng trước, cuộc trưng cầu dân ý đã bị hủy bỏ do sự ngăn cản mạnh mẽ của chính phủ Tây Ban Nha.

Lần này, chính quyền Madrid khó có thể từ chối một cuộc bầu cử theo đúng luật. Nhưng rủi ro thay, cuộc bầu cử địa phương này lại đóng vai trò như một cuộc bỏ phiếu gián điệp cho việc tách khỏi Tây Ban Nha bởi lẽ, lượng người ủng hộ việc này đã tăng mạnh, chiếm tới gần ¾ dân số 7,5 triệu người sinh sống tại Catalonia. Thủ lĩnh đảng  đảng Hội tụ và liên minh (CiU) của ông Artus Mas cũng mong muốn việc tận dụng cuộc bầu cử như một cuộc trưng cầu dân ý về việc đòi độc lập cho xứ này.

Theo kế hoạch, CiU và đảng Cánh tả Cộng hòa xứ Catalonia (ERC) cùng liên kết để đề cử các ứng cử viên với quan điểm muốn Catalonia đơn phương rời khỏi Tây Ban Nha. Nếu họ giành chiến thắng (như kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử), CiU và ERC sẽ sớm để chính quyền mới thông qua tiến trình độc lập trong vòng 18 tháng như tuyên bố trước đó của ông Artus Mas.

Các cuộc biểu tình đòi độc lập cho Catalonia vẫn tiếp diễn trước thềm cuộc bầu cử địa phương. Ảnh: The Australian

24h trước khi cuộc bầu cử địa phương bắt đầu, kết quả các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, các ứng viên ủng hộ tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha sẽ giành đa số ghế tại cơ quan lập pháp địa phương. Các cuộc khảo sát trước đó cũng cho thấy có tới 80% người Catalan đòi hỏi quyền tự trị nhiều hơn từ phía chính phủ Tây Ban Nha và 50% người trong số đó mong muốn Catalonia trở thành một vùng đất độc lập hoàn toàn.

Với 7,5 triệu người - chiếm 1/5 dân số Tây Ban Nha, Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất ở Tây Ban Nha, tạo ra 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu đứng riêng một mình, kinh tế Catalonia xếp hạng 34 thế giới, cao hơn cả Hong Kong (Trung Quốc) hay Bồ Đào Nha. Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm, thu nhập của người Catalonia được đánh giá là cao hơn cả thu nhập của người dân Hàn Quốc hay Italia.

Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, khu vực này phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế ở Tây Ban Nha. Và do có nguôn ngữ, văn hóa riêng nên chính quyền Catalonia từ lâu đã muốn tách ra thành một nhà nước độc lập. Lần này, dựa vào ý dân, nhất là viện cớ các cuộc biểu tình đòi độc lập với gần 2 triệu người tham gia, chính quyền Catalonia càng gây sức ép lên chính phủ Tây Ban Nha. Trước tình thế đó, chính quyền Tây Ban Nha đã phát đi nhiều tín hiệu "xuống thang”.

Mới đây, Ngoại trưởng nước này Jose Manuel Garcia-Margallo tuyên bố sẵn sàng mở các cuộc đàm phán về sửa đổi Hiến pháp, trao thêm quyền về tài chính cho vùng Catalonia. Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng thừa nhận hệ thống phân bổ ngân sách hiện hành chưa "công bằng" đối với những vùng như Catalonia. Nhưng những điều này chưa đủ thỏa mãn yêu cầu của Catalonia mà chỉ làm gia tăng sự căng thẳng giữa chính phủ Tây Ban Nha và chính quyền Catalonia.

Chưa hết, nhiều quan chức Catalonia còn cáo buộc chính phủ đang có những bước đi nhằm hạn chế quyền lực của chính quyền Catalonia bởi lẽ vào đầu tháng 9 vừa qua, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành một loạt cuộc khám xét bất ngờ tại nhiều địa điểm thuộc quyền quản lý của tổ chức Vì độc lập xứ Catalan, cáo buộc tổ chức này đứng ra làm trung gian, nhận những khoản tài trợ bất hợp pháp của các doanh nghiệp cho CiU.

Bên cạnh đó, chính phủ Tây Ban Nha còn cảnh báo người dân Catalonia sẽ mất quốc tịch Tây Ban Nha nếu đòi độc lập và rằng việc dựng đường biên giới giữa Tây Ban Nha và Catalonia sẽ khiến hàng trăm nghìn người dân của vùng lãnh thổ này mất việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 37%, đẩy Catalonia ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và không còn được vay vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Người đứng đầu chính quyền vùng Catalonia Artur Mas tuyên bố, nếu Tây Ban Nha không thay đổi hiến pháp thì người dân Catalonia tự động mang quốc tịch Tây Ban Nha.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, có 57% người Catalonia được hỏi trả lời muốn mang hai quốc tịch Tây Ban Nha và Catalonia nếu vùng lãnh thổ này tách khỏi Tây Ban Nha, trong khi 17% muốn chỉ mang quốc tịch Tây Ban Nha. 23% số người được hỏi muốn mang một quốc tịch Catalonia.

Sông Thương
.
.
.