Trung Quốc đang tự cô lập tại Biển Đông

Thứ Hai, 25/01/2016, 09:20
Phát biểu ngày 22-1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng, chính những hành động bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông đã khiến Trung Quốc ngày càng bị xa lánh và cô lập. Bộ trưởng Carter cũng tái khẳng định khả năng xung đột giữa Washington và Bắc Kinh là khó có thể xảy ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thêm rằng, Washington cam kết bảo vệ an ninh ở châu Á và lực lượng quốc phòng có “đầy đủ nguồn lực” để duy trì hòa bình. Ông Carter kêu gọi tất cả các bên trong khu vực ngừng các hành động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp tại Biển Đông.

Khuyến khích các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Washington, Bộ trưởng Carter nói: “Chúng tôi không tìm cách yêu cầu người khác phải lựa chọn theo bên nào. Chúng tôi biết rằng ngày càng có nhiều quốc gia tìm đến với chúng tôi. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Trung Quốc đang có những bước đi mà tôi e rằng họ đang tự cô lập mình, thúc đẩy tình hình đi theo hướng mà không ai trong chúng ta mong muốn”.

Hoạt động nạo vét, xây dựng trái phép của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Quốc hội Nhật Bản, Ngoại trưởng nước này Fumio Kishida đã đề cập tới những căng thẳng liên quan tới hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, khiến tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng xấu đi. Ngoại trưởng Kishida nói: “Một số nước đã bày tỏ quan ngại về những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và gây leo thang căng thẳng”. Người đứng đầu ngành ngoại giao đất nước mặt trời mọc cũng khẳng định Tokyo không chấp nhận hoạt động cải tạo đất đai chóng vánh và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các cơ sở trái phép như đường băng có thể được sử dụng vào mục đích quân sự ở Biển Đông như việc đã rồi.

Chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Takashi Hosoda, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles, Cộng hòa Czech nhận định, các hành động đó đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Liên quan tới những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Tiến sỹ Hosoda cho biết, Bắc Kinh luôn sử dụng các tư liệu không có tính pháp lý từ xa xưa và dựa vào các tác phẩm văn học mà không căn cứ vào việc thực thi chủ quyền trong thực tế. Các tuyên bố này là vô lý, thách thức nghiêm trọng hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại và các chuẩn mực quốc tế về tuyên bố chủ quyền.

Liên quan tới việc Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chưa phân định ở Vịnh Bắc Bộ (khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, đồng thời yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực trên. Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và thực tiễn quốc tế liên quan.

Trước phản ứng của Việt Nam, hôm 22-1, Cục Hải sự Trung Quốc đã xóa bỏ, sau đó gỡ bỏ thông báo về vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông. Hiện trên website của Cục Hải sự Trung Quốc chỉ còn thông báo về vị trí giàn khoan hồi tháng 12-2015.

Về việc Trung Quốc tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trong các ngày 2-1 và 6-1 ra sân bay mà họ xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hôm 18-1, các hội đoàn Việt Nam tại Pháp và bạn bè Pháp đã ra tuyên bố kiên quyết lên án hành động này của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định những hành động nguy hiểm này của Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, theo đó nghiêm cấm mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực. Nhằm đảm bảo tự do hàng hải, sự ổn định của khu vực và hòa bình trên thế giới, tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng phản đối các hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Ngày 23-1, trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội Đảng XII, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nêu rõ, để giải quyết sự khác biệt giữa các quốc gia đang có tranh chấp ở khu vực Biển Đông, cần phải sử dụng những căn cứ pháp lý lịch sử và luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới để có một một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) - tức quy tắc ứng xử đầy đủ hơn với các công cụ để giải quyết”. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng phải kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế. Việt Nam kêu gọi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, phải tôn trọng pháp luật quốc tế và phải đề cao trách nhiệm, phải đứng trên lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển để giải quyết vấn đề. Đó là một sự đòi hỏi trách nhiệm quốc gia rất lớn”.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông thì tiếng nói của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, vì đó là thể hiện sự trách nhiệm của các quốc gia đối với sự ổn định của một khu vực.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.