Cộng đồng quốc tế phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông

Thứ Bảy, 16/01/2016, 09:35
Việc Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thử nghiệm ra sân bay mà Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam lần lượt trong hai ngày 2-1 và 6-1 đã khiến cộng đồng quốc tế sục sôi trong nhiều ngày qua.
Bên cạnh việc lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc thì một số tờ báo đã đăng tải những bài viết vạch trần mưu đồ của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bức xúc hơn, cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc đưa các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa án quốc tế.

Việc Trung Quốc tuyên bố coi việc cho máy bay ra Đá Chữ Thập là “các hoạt động hàng không quốc gia” thực chất phi lý của họ đối với quần đảo Trường Sa. Ngày 13-1, Philippines đã trao công hàm phản đối Trung Quốc đã có “những hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không” ở vùng Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh: “Những hành động đó của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, vi phạm tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman chỉ ra rằng, hành động của Bắc Kinh có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và có thể làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước.

Bộ trưởng Anifah nhấn mạnh, điều quan trọng đối với tất cả các bên là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và DOC. Một nước châu Á khác cũng lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập là Philippines.

Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép. (Nguồn: AFP)

Trang mạng Riafan (Hãng thông tấn liên bang) của Nga ngày 12-1 đã dẫn lời khẳng định của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Washington cho rằng, các hành động tương tự như vậy đang phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực và rất dễ leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông.

Trong khi đó, tờ Bangkok Post của Thái Lan đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Những nguy cơ hàng không không cần thiết”, trong đó nhấn mạnh về sự nguy hiểm trước mắt từ các chuyến bay đến và đi của Trung Quốc giữa lãnh thổ của họ ở Trung Quốc đại lục và đảo Hải Nam, tới những thực thể họ đang cải tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bài báo cho rằng, giới chức Bắc Kinh, trong một động thái rất nguy hiểm, đã coi các chuyến bay này như các tuyến đường nội địa. Không quân và các công ty dân sự Trung Quốc bay trên Biển Đông mà không hề thông báo. Theo Bangkok Post, Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm trong việc tạo ra và kéo dài những nguy cơ xung đột không cần thiết và thực sự nguy hiểm.

Về phía các học giả quốc tế, phát biểu tại Diễn đàn tầm nhìn khu vực năm 2016 do Viện ISEAS-Yusof Ishak tổ chức tại Singapore ngày 12-1, Giáo sư Carlyle Thayer tới từ Học viện Quốc phòng Australia phân tích, tại Biển Đông, Trung Quốc chưa bao giờ giải thích được cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền của nước này.

Giáo sư, Tiến sĩ Susan Shirk đến từ Trường Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu khu vực Thái Bình Dương, Đại học California, thì vạch trần các ý đồ và các toan tính của Trung Quốc tại khu vực. Giáo sư Shirk chỉ ra khoảng cách một trời một vực giữa tuyên bố của Trung Quốc về “sự trỗi dậy trong hòa bình” và việc nước này đang bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, có thể sắp tới là quân sự hóa các đảo trên.

Trong khi đó, theo đánh giá của Giáo sư Eric David, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Tự do Brussels (ULB), hành động của Trung Quốc xây dựng đường băng trên đảo tranh chấp là “hành động nhằm thể hiện chủ quyền”. Do vậy, các quốc gia liên quan cần phải hành động bằng cách gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc và khẳng định rằng, nước này không có bất cứ quyền nào để xây dựng sân bay trên những hòn đảo mà họ tự cho là thuộc về mình.

Các nước cũng cần yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề chủ quyền bằng con đường pháp lý. Còn theo chuyên gia cao cấp về quan hệ Âu-Á và tranh chấp ở Biển Đông thuộc Viện châu Âu nghiên cứu về châu Á (EIAS) Theresa Fallon, hành động bay thử của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng tại một trong những khu vực tranh chấp “nóng” nhất thế giới.

Theo bà Fallon, để kiềm chế hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực cần thu hút rộng rãi hơn nữa sự chú ý của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) cần cử quan sát viên đến Tòa Trọng tài quốc tế để hỗ trợ cho quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa các bên liên quan.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.