Tổng thống Trump thêm một lần lâm thế bí vì Nga

Thứ Năm, 27/07/2017, 23:59
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: Đồng ý trừng phạt Nga để chiều lòng giới chính trị gia bảo thủ hay bác bỏ để cùng Moscow giải quyết các vấn đề toàn cầu.


Tiến thoái lưỡng nan

Với các lý do không lạ như cáo buộc về cái gọi là “Nga can thiệp bầu cử Mỹ”, tiến trình giải quyết xung đột tại Syria và Ukraine, ngày 25-7 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về các biện pháp mới trừng phạt quan chức Nga với tỉ lệ 419 phiếu thuận, 3 phiếu chống.

Dự luật này đã được Thượng viện Mỹ chấp thuận trước đó không lâu và hiện chỉ chờ quyết định cuối cùng của Tổng thống Trump: ký thành luật hoặc bác bỏ.

Tổng thống Mỹ Trump đang lâm thế bí vì các lệnh trừng phạt Nga. Ảnh: ITN

Một tác động tiêu cực của văn kiện này phải tính tới, đó là khả năng làm sâu sắc hơn sự rạn nứt trong nội bộ chính quyền Mỹ giữa một bên là Tổng thống Trump khao khát cải thiện quan hệ với Nga với một bên là phần đông các chính trị gia bảo thủ luôn muốn bóp nghẹt Moscow ngay khi có cơ hội.

Nếu ông Trump phủ quyết dự thảo luật trên sẽ kéo theo một làn sóng mới những lời buộc tội rằng ông đã thông đồng với Nga để chiến thắng đối thủ nặng ký Hilary Clinton trong cuộc bầu cử hồi 2016.

Còn nếu đương kim Tổng thống Mỹ chấp thuận ký thông qua dự luật này, chính quyền vừa được thành lập hơn 6 tháng của ông sẽ khó theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập, mới mẻ và hoà hợp với Moscow để giải quyết các vấn đề toàn cầu mà ông Trump nhiều lần nhắc đến trong suốt quá trình tranh cử.

Đến nay, Nhà Trắng vẫn từ chối bình luận về ý định của Tổng thống Trump đối với quyết định trừng phạt Nga được thông qua ở lưỡng viện nêu trên. Điều này có thể là do ông chủ Nhà Trắng vẫn đang tiếp tục “cân nhắc” và chưa có câu trả lời cuối cùng.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với 419 phiếu thuận, 3 phiếu chống. Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, theo dự đoán của nhiều nhà quan sát, ông chủ Nhà Trắng dường như không còn cách nào khác phải ký vào dự luật và thắt chặt trừng phạt Nga.

Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Trump tốt hơn nên chấp thuận ý kiến của lưỡng viện, vì dự luật trên là cơ hội để ông chứng tỏ mình “yêu nước Mỹ” theo cách mà chính trị gia mong muốn, có cùng tiếng nói với đa số nghị sĩ Mỹ và am hiểu về các mối đe dọa cũng như sẵn lòng bảo vệ lợi ích quốc gia.

Một vấn đề khác cần phải nhắc tới, đó là trong trường hợp ông chủ Nhà Trắng “mạnh mẽ” phủ quyết quyết định của lưỡng viện, Quốc hội Mỹ có khả năng sẽ hợp lực bác quyền này của Tổng thống Trump. Nếu vậy, Tổng thống Trump sẽ “mất cả chì lẫn chài” trong canh bạc lần này.

Châu Âu ngả về Nga

Theo Reuters, dự luật trừng phạt mới của Mỹ bao gồm một số quy định nhắm vào ngành năng lượng của Nga, với các giới hạn mới về đầu tư của người Mỹ và công ty Mỹ vào công ty năng lượng Nga. Công ty Mỹ sẽ không được tham gia vào các dự án thăm dò năng lượng mà công ty Nga có cổ phần từ 33% trở lên.

Dự luật còn bao gồm biện pháp trừng phạt đối với các công ty nước ngoài đầu tư hoặc giúp thăm dò năng lượng của Nga. Dự luật này mặc dù không bắt buộc, nhưng đề xuất chính quyền của Tổng thống Trump áp đặt các lệnh cấm vận với các công ty, tổ chức tham gia phát triển đường ống dẫn khí đốt của Nga, chẳng hạn như “Dỏng chảy phương Bắc - 2” mà Moscow đang cùng châu Âu triển khai. Reuters cho biết dự luật cũng quy định Tổng thống Donald Trump phải nhận được sự cho phép của Quốc hội nếu muốn giảm bớt hay tạm dừng các biện pháp trừng phạt.

Châu Âu lo ngại dự án "Dòng chảy phương Bắc- 2" sẽ bị tổn hại vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ngay sau khi được thông qua tại Hạ viện Mỹ, từ bên kia bờ Đại Tây Dương, các nước trụ cột của Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp đã lên tiếng chỉ trích bước đi Washington, cho rằng dự luật thực chất nhằm mục đích sâu xa là hướng tới chiếm lĩnh thị trường năng lượng châu Âu đặc biệt là khí đốt. Theo các nước EU, các lệnh trừng phạt mới đang đe dọa việc cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu qua dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”, đồng nghĩa với việc đe dọa an ninh năng lượng của Lục địa già.

Căng thẳng hơn, Đức, quốc gia đang hợp tác với Nga để xây dựng đường ống dẫn khí đốt, còn lên tiếng cho rằng việc Mỹ sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga như một công cụ về chính sách công nghiệp là không thể chấp nhận được, đồng thời kêu gọi Brussels và Washington hợp tác chặt chẽ trong việc đưa ra các đề xuất về trừng phạt.

Đây là lần đầu tiên Mỹ và EU bất đồng gay gắt vì các lệnh trừng phạt Nga. Theo các tuyên bố liên tiếp đưa ra hôm 26-7, EU thậm chí đã sẵn sàng các phương án đáp trả đồng minh Mỹ nếu Nhà Trắng thông qua dự luật nêu trên.

Các biện pháp mà EU có thể sẽ đưa ra bao gồm yêu cầu Tổng thống Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU, hoặc có thể ra nghị quyết quyết định mọi lệnh trừng phạt của Mỹ không có giá trị thực thi trong EU trong trường hợp khối này không tìm được tiếng nói chung với Nhà Trắng.

Mặt khác, nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt thêm, chắc chắn chúng kéo theo những đáp trả từ phía Nga khiến tình hình thêm căng thẳng. Ngay sau khi dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua, Điện Kremlin đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích chính quyền Mỹ  và gọi bước đi này "rất không thân thiện" và là "tin buồn" đối với quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Trump vừa có cuộc hội đàm thành công với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nhiều người cho rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ phá huỷ kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm. Ảnh: Reuters

"Đây là một tin buồn đứng từ lập trường của mối quan hệ Nga-Mỹ. Chúng tôi cho đây là hành động cực kỳ không thân thiện”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, dự luật áp đặt các trừng phạt mới chống Nga đã phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ Nga Mỹ và khiến nó mất khả năng cải thiện trong tương lai gần. 

Căng thẳng hơn, nghị sĩ có tiếng nói tại Thượng viện Nga Konstantin Kosachyov còn kêu gọi Moscow cần chuẩn bị ngay một đòn đáp trả “gây đau đớn” đối với các lệnh trừng phạt mới nếu Mỹ vẫn quyết tâm áp đặt.

Thiện Nhân
.
.
.