Tổng thống Putin - lựa chọn lịch sử của nước Nga

Thứ Ba, 31/12/2019, 10:17
Đêm 31-12-1999, quyền Tổng thống Vladimir Putin lần đầu xuất hiện trên truyền hình với lời hứa đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc. Sau hai thập kỷ, Putin được ca ngợi là đã mang lại cho nước Nga nhiều hơn những gì ông hứa.


Lựa chọn của lịch sử

"Giấc mơ thường trở thành hiện thực vào đêm giao thừa, đặc biệt là giao thừa năm nay", Putin phát biểu trên truyền hình Nga đêm 31-12-1999, với tư cách quyền Tổng thống Nga, không lâu sau khi Tổng thống đầu tiên của nước Nga độc lập Boris Yeltsin từ chức và trao quyền lực cho người kế nhiệm 47 tuổi.

Putin bên người tiền nhiệm Yeltsin. Ảnh: AP

Trước đó ba tháng, trong một chương trình truyền hình bất thường được cả nước Nga theo dõi, Boris Yeltsin đã gọi tên người duy nhất mà ông tin tưởng để kế nhiệm và đó chính là Putin. Ông được đề bạt từ Giám đốc Cơ quan An ninh (FSB) lên làm Thủ tướng khi chưa đầy 5 năm kinh nghiệm trên chính trường.

Theo RBTH, Putin ban đầu rất bất ngờ khi được lựa chọn là người kế vị và từ chối lời đề nghị của ông Yeltsin. Putin thậm chí khuyên Yeltsin không nên từ chức trước hạn. Tuy nhiên, Putin đã nhận lời khi Yeltsin thúc ép: "Cậu đã có đủ thời gian để suy nghĩ về việc đó trước đây rồi. Giờ hãy trả lời đi!"

Có thể nói, đến tận ngày nay, câu chuyện về lý do Yeltsin lựa chọn Putin vẫn gây tranh cãi. Có người cho rằng, với vao trò người đứng đầu FSB, Putin đã nắm được nhiều điểm yếu của Yeltsin và buộc ông từ chức.

Tuy nhiên, đa phần người dân Nga nhìn nhận việc lựa chọn Putin có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của Yeltsin với vai trò người lãnh đạo nước Nga. Putin được chuyển giao quyền lực khi nước Nga đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và rối ren từ cuộc chiến tranh Chechnya thứ nhất (1994-1996).

Putin phát biểu trong lễ nhậm chức năm 2000. Ảnh: TASS

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Valentin Yumashev, cựu cố vấn được tin cậy của Tổng thống Yeltsin mới đây nói rằng Putin không phải là ứng viên duy nhất cho ghế Tổng thống Nga. Yumashev tiết lộ chính ông là người trao cho Putin công việc đầu tiên trong Điện Kremlin năm 1997, sau khi Putin rời tòa thị chính St. Petersburg.

"Chúng tôi đã bắt đầu làm việc cùng nhau. Tôi lập tức chú ý đến kết quả làm việc hoàn hảo của Putin. Cậu ấy cực giỏi trong việc hình thành ra những ý tưởng, trong cách phân tích và bảo vệ quan điểm của mình", Yumashev kể lại.

Trước câu hỏi "Liệu có lúc nào ông nghĩ đến việc người đàn ông này (Putin) sẽ trở thành Tổng thống?", Yumashev nói: "Yeltsin có để ý vài nhân vật như Boris Nemtsov, Sergei Stepashin hoặc Nikolai Aksenenko. Yeltsin và tôi đã thảo luận rất nhiều về người kế vị. Đến một lúc, chúng tôi đã bàn đến Putin".

"Yeltsin hỏi tôi rằng: cậu nghĩ gì về Putin? Tôi trả lời: Putin là một ứng viên rất tuyệt, ngài nên cân nhắc cậu ấy. Qua cách làm việc, Putin cho thấy anh ấy sẵn sàng cho nhiệm vụ khó khăn hơn", Yumashev nhắc lại và cho biết Putin chỉ được thông tin về khả năng kế nhiệm Yeltsin ba ngày trước đêm giao thừa, trong một cuộc trò chuyện ở căn nhà ngoại ô của cựu Tổng thống Nga.

Yumashev cũng thừa nhận ông chính là người viết diễn văn từ chức cho Boris Yeltsin. "Đó là một bài phát biểu khó khăn, rõ ràng nó sẽ đi vào lịch sử. Thông điệp trong đó rất quan trọng. Đó là lý do tại sao tôi viết câu 'Xin tha thứ cho tôi'. Người Nga đã trải qua cú sốc và nhiều khó khăn trong thập niên 1990. Ông Eltsin phải đề cập đến chuyện này", Yumashev kể lại.

Thành tựu mang tên Putin

Trong khoảnh khắc lịch sử vào đêm giao thừa từ năm 1999 sang năm 2000, Putin hứa ngắn gọn: "Vẫn còn quá sớm để xóa bỏ tư cách cường quốc của Nga. Tôi sẽ đưa nước Nga trở lại vũ đài thế giới".

Putin ngồi trên chiếc Su-27 trước khi bay vào vùng chiến sự. Ảnh: TASS

Ngay khi trở thành chủ nhân Điện Kremlin, Putin nhanh chóng thiết lập trật tự cả trên các chiến trường mà Moscow tham gia lẫn chính trường, nơi có “dấu tay bẩn” của giới tài phiệt oligarch, những kẻ hưởng lợi từ công cuộc tư hữu hoá thời hậu Xô Viết nhưng dùng khối tài sản kếch xù để thao túng quyền lực.

Tháng 2-2000, Putin đã lãnh đạo quân đội Nga giải phóng thủ đô Grozny của vùng tự trị Checnya và đẩy lùi phiến quân. Hình ảnh Putin trèo vào buồng lái một tiêm kích Su-27, cùng phi công vượt qua vùng chiến sự trở thành dấu ấn đầu tiên của một nhà lãnh đạo thực tế và hành động. Đây được xem là lý do khiến người Nga đặt niềm tin và bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử diễn ra tháng 3-2000.

Ở Moscow, năm 2003, Putin lệnh bắt nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky, ông chủ tập đoàn dầu khí Yukos với khối tài sản 8 tỷ USD – giàu nhất nước Nga, với cáo buộc lừa đảo, trốn thuế, biển thủ và rửa tiền. Sau khi Khodorkovsky lĩnh án 9 năm tù năm 2005, tập đoàn Yukos sụp đổ.

Sự quyết liệt của Putin khiến giới tài phiệt nể sợ và từ bỏ dần những ý tưởng thao túng chính trường, đồng thời giúp ông chủ Điện Kremlin củng cố quyền lực, mở đường cho việc ban bố nhiều chính sách cải cách quan trọng.

Putin và Mikhail Khodorkovsky gặp mặt trong phòng làm việc của Tổng thống Nga.

Trong thập niên 2000, Putin tập trung thực hiện chiến lược kinh tế do Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế German Gref đưa ra nhằm thay đổi rộng khắp nền kinh tế Nga trong vòng một thập kỷ. Chiến lược này bao gồm cải cách thuế và lương hưu, sửa đổi luật đất đai, giảm thiểu đáng kể các rào cản khi mở và điều hành doanh nghiệp, đưa Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Khi nói về thành tựu của chình mình, ông chủ Điện Kremlin tự hào khẳng định đó chính là sự thay đổi diện mạo nền kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. “Thành tựu lớn nhất là nền kinh tế của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nền kinh tế đã tăng gần gấp đôi về quy mô. Số lượng người dân sống dưới mức nghèo đã giảm đi một nửa”, Putin tuyên bố.

Vào thời điểm Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% GDP. Tuy nhiên mọi con số đã thay đổi đáng kể trong gần 20 năm qua khi nợ công của Nga hiện giảm xuống chỉ còn 15,4% theo GDP và dự trữ ngoại hối tăng quá ngưỡng 500 tỷ USD. Dự trữ vàng của Nga đã tăng 600% kể từ năm 2000.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua vào 8,8 triệu ounce vàng, tăng lượng vàng dự trữ lên 67,9 triệu ounce. Cơ quan này xác nhận, riêng tổng trữ lượng vàng của Nga đã đạt 100,3 tỷ USD vào ngày 1-7-2019. Mua vàng là một phần trong kế hoạch lâu dài của ông Putin. Dự trữ vàng giúp nâng tầm vị thế của Nga và làm giảm tác động xấu từ hệ thống tiền tệ Mỹ cùng Liên minh châu Âu.

Putin tự hào vì nâng cao đời sống cho người dân Nga. Ảnh: ITN

Về an sinh xã hội, nhà lãnh đạo Nga cho biết, trong những năm 2000, dân số Nga liên tiếp giảm sút do tỷ lệ sinh tự nhiên giảm và số lượng người tử vong trẻ tuổi tăng mạnh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn trong gần hai thập kỷ qua.

"Trở lại thời điểm năm 2000, dân số của chúng tôi giảm gần một triệu người mỗi năm. Bạn có thể tưởng tượng ra quy mô của thảm họa đó không? Gần 900.000 người. Nhưng chúng tôi đã đảo ngược xu hướng này. Chúng tôi thậm chí còn đạt được tỷ lệ tăng dân số tự nhiên", Tổng thống Putin nói.

"Chúng tôi hiện tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong rất thấp và đã giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ xuống gần như bằng không. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị và đang triển khai một chương trình quy mô lớn để hỗ trợ các bà mẹ và trẻ em. Tuổi thọ của chúng tôi cũng đang tăng lên với tỷ lệ cao”, ông Putin chia sẻ thêm.

Trong lĩnh vực chính trị - đối ngoại và quân sự, nhiều chuyên gia nói rằng, Tổng thống Putin chính là nhân vật đưa Nga trở lại vị trí chủ trốt trên các bàn đàm phán quốc tế - một cực mạnh trong thế giới đa cực.

Vào giai đoạn mới nắm quyền, Putin là một trong những người đầu tiên điện đàm với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bush để bày tỏ sự cảm thông sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9. Putin cũng giúp Mỹ đánh Taliban tại Afghanistan và cho phép Mỹ hiện diện quân sự tại vùng Trung Á - một trong những lãnh thổ quan trọng với an ninh địa chính trị của Nga.

Nhưng từ sau cuộc cách mạng Cam năm 2004 ở Ukraine, thái độ của Putin đã thay đổi. Điện Kremlin hiểu rằng các thế lực nước ngoài không thật sự tôn trọng sự hòa hảo của Nga, mà luôn tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Nga tại đây. Cùng thời điểm đó, sự can thiệp của phương Tây tại Iraq không hề giúp cải thiện tình hình và lại khiến Moscow mất đi nhiều lợi ích quốc gia ở Trung Đông.

Năm 2007, Putin khiến thế giới sững sờ khi là cường quốc đầu tiên chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ và sáng kiến về một thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ tại Hội nghị an ninh Munich. Ông tuyên bố mô hình này cực kỳ nguy hiểm và không có gì gọi là đồng nhất với nền dân chủ mà Mỹ khẳng định.

“Chúng ta luôn được dạy về sự dân chủ… nhưng vì một số lí do nào đó, những người dạy chúng ta lại không muốn bản thân họ như vậy”, Tổng thống Nga lên án Washington.

Vũ khí siêu vượt âm giúp Nga vượt mặt Mỹ. Ảnh minh họa

Kể từ đó, Putin luôn để lại ấn tượng về một chính khách rất mạnh mẽ trong các vấn đề quốc tế để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Nga trước Mỹ, Phương Tây cũng như nhạy bén trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương hay trong loạt vấn đề ở Syria hay Ukraine.

Dưới thời Putin, quân đội Nga đã lột xác toàn diện. Trong một thập kỷ gần nhất, Nga đã phục hồi và phát triển các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đồng thời cho ra mắt nhiều mẫu khí tài hiện đại, vượt mặt phương Tây. Năm 2018, Nga vượt qua Anh trở thành nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, theo báo cáo từ SIPRI. Nga đã xuất khẩu vũ khí tới 65 nước và hợp tác với 89 nước.  

Với hướng đi riêng, thay vì tập trung vào các mẫu khí tài thế hệ cũ, vốn bị Mỹ bỏ xa trong giai đoạn kinh tế suy sụp hậu Liên Xô, Nga đã phát triển tập trung vào vũ khí thế hệ mới, trong đó có các thế hệ vũ khí siêu vượt âm, được Mỹ thừa nhận là đang thua kém Nga và đang nỗ lực để bám đuổi.

Có thể nói, những biến động của thế giới ngày nay mang đến cho nước Nga của ông Putin nhiều thách thức. Tuy vậy, phần lớn người Nga vẫn tin rằng Putin đã mang lại cho họ nhiều hơn những gì ông hứa. Ở thời điểm đánh dấu 20 năm cầm quyền thành công, nhiều người Nga kỳ vọng Putin sẽ làm được điều mà Boris Yeltsin từng làm: chọn được một người kế nhiệm xứng đáng.

Thiện Minh
.
.
.