54 nhà báo bị sát hại trong năm 2017

Thứ Tư, 18/10/2017, 20:35
Theo thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ), tính đến ngày 18-10 năm nay, số lượng nhà báo, phóng viên điều tra thiệt mạng do bị giết tại khắp nơi trên thế giới là 54 người. Trong đó, những trường hợp này chủ yếu xảy ra tại Mexico, Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Yemen. 

Hàng loạt nhà báo bị bắn chết tại Mexico, một nữ phóng viên tự do người Đan Mạch bị chặt đầu vứt xác xuống biển hay mới đây nhất, một nữ phóng viên phanh phui vụ “Hồ sơ Panama” thiệt mạng do xe bị gài bom đã một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về những nguy cơ đối với các phóng viên điều tra. Thay vì kể chuyện, chính họ lại kết thúc bằng việc trở thành những câu chuyện.

Đã là nhà báo, đã chọn lấy nghề và nhất là khi đã tự nguyện tìm đến những “lãnh địa chết chóc” để điều tra và đưa tin thì có nghĩa là họ thực sự lăn xả. Ngoài mục đích kiếm sống, thì những phóng viên ấy luôn đau đáu một điều, rằng muốn truy tìm tận ngọn nguồn hay muốn làm sáng tỏ những sự việc chưa được phơi bày. Nhưng, sinh nghề tử nghiệp, cái giá phải trả cho những “xông pha” ấy đôi khi lại chính là mạng sống. 

Theo thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ), tính đến ngày 18-10 năm nay, số lượng nhà báo, phóng viên thiệt mạng do bị giết tại khắp nơi trên thế giới là 54 người. Trong đó, những trường hợp này chủ yếu xảy ra tại Mexico, Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Yemen. 

Con số 54 nêu trên chỉ bằng một nửa so với số liệu thống kê cùng kỳ năm ngoái do IFJ đưa ra. Tuy nhiên, một vấn đề cũng đang được giới báo chí lưu tâm chính là việc số lượng nhà báo thiệt mạng tại những nơi được cho là yên bình và ổn định chính trị trên thế giới có dấu hiệu gia tăng.  

Gần đây nhất, ngày 16-10, giới chức Malta thông báo, Daphne Caruana Galizia, một phóng viên điều tra “có tiếng”, người đã phanh phui vụ “Hồ sơ Panama” đã thiệt mạng trong một vụ nổ bom gần nhà. Thông tin ban đầu cho thấy, chiếc xe nổ tung do một quả bom được gài sẵn trong xe của bà Galizia. 

Hiện trường vụ nổ bom xe khiến bà Galizia thiệt mạng. 

Hiện cảnh sát chưa xác định được bất cứ nghi phạm nào liên quan đến vụ đánh bom trên. Hai năm trở lại đây, các bài phản ánh của bà Galizia tập trung vào việc "lật tẩy" nhiều nhân vật quyền lực, gây ra tình trạng "tham nhũng" tại đất nước này, bao gồm các ngân hàng rửa tiền, các công ty cờ bạc liên quan đến mafia và các chính trị gia bị cáo buộc nhận hối lộ. 

Số lượng độc giả tìm đọc các bài viết được đăng tải trên mạng của Caruana được cho là nhiều hơn tổng số độc giả của các báo tại Malta. Vì thế, tờ Politico đã bình chọn bà là một trong 28 người sẽ tạo ra “cơn địa chấn” ở châu Âu năm 2017. 

Trước đó mười ngày, tức ngày 6-10, phần thi thể gồm đầu và chân của nữ nhà báo tự do Kim Wall người Thụy Điển đã được cảnh sát tìm thấy tại Copenhagen, Đan Mạch. Cô Kim được cho là đã bị sát hại sau khi lên chiếc tàu ngầm UC3 Nautilus của nhà sáng chế người Đan Mạch Peter Madsen. Hiện tại, cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra và nghi phạm Madsen có thể lĩnh án chung thân nếu bị kết tội.

Bìa cuốn sách "Khủng bố và báo chí: Cẩm nang nghề báo"

Ngày 27-3 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã xuất bản một cuốn sách dành riêng cho các nhà báo của Giáo sư Jean-Paul Marthoz có tựa đề "Khủng bố và báo chí: Cẩm nang nghề báo" (Terrorism and the Media: A Handbook for Journalists). 

Ngoài việc giới thiệu những "tips" hay trong khi tác nghiệp cho các nhà báo như thận trọng khi tuyên truyền các thông điệp hay thực hiện phỏng vấn với khủng bố, thì ấn phẩm này cũng dành hẳn một chương riêng chia sẻ về các vấn đề liên quan tới sự an toàn của giới báo chí khi tác nghiệp. 

Dù từ sách vở tới hiện thực vô hình chung tồn tại khoảng cách lớn, nhưng ít nhiều, cuốn cẩm nang nêu trên sẽ phần nào giúp các nhà báo tránh được "nguy cơ" tới từ các tổ chức khủng bố hay khi tác nghiệp tại những khu vực bất ổn địa chính trị.

Như Uyên
.
.
.