Những pha giải cứu người mắc kẹt không thể tin nổi trên thế giới

Thứ Ba, 03/07/2018, 22:58
Việc tìm kiếm đội bóng thiếu niên cùng huấn luyện viên bị mất tích trong một hang động ở tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) hôm 23-6, thì thông tin đội cứu hộ đã tìm thấy họ còn sống sau "9 ngày đen tối" được gọi là một kỳ tích. Tuy nhiên, trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều sự việc tương tự. 
12 cậu bé và huân luyện viên của đội bóng thiếu niên được tìm thấy còn sống sau 9 ngày đen tối. 

Không còn phải phấp phỏm lo lắng về tình huống xấu nhất, hiện tại, chính quyền "xứ sở chùa vàng" đang tập trung toàn nỗ lực bơm oxy, tiếp tế nhu yếu phẩm và lựa chọn phương án khả thi nhất để nhanh chóng đưa cả 13 người ra khỏi hang an toàn. 

Theo các chuyên gia, quá trình tìm thấy 13 thành viên đã khó khăn, nay việc đưa họ ra ngoài lại càng thách thức bởi nước chưa rút và cấu trúc hang rất đặc thù. Chính vì thế, công cuộc giải cứu các cầu thủ nhí và huấn luyện viên có thể kéo dài hơn dự kiến. 

Cùng điểm lại những pha giải cứu người bị mắc kẹt "nghẹt thở" trên khắp thế giới được Channel News Asia tổng hợp lại. 

1. Giải cứu các nhà thám hiểm tại Gramat, Pháp (1999) 

Một trong số các nhà thám hiểm được đưa ra khỏi hang. Ảnh: Getty Images. 

Ngày 22-11-1999, đội cứu hộ đã tìm thấy 7 người đàn ông bị mắc kẹt trong một hệ thống hang động ở phía Tây Nam nước Pháp, sau 10 ngày mất tích. Cũng giống như vụ mắc kẹt tại Thái Lan, những người này là một đội thám hiểm có kinh nghiệm nhưng không may bị "giam" lại bên trong hang động ở Vitarelles vì mực nước dâng cao do bão lớn gây ra. 

Chính phủ Pháp lúc bấy giờ đã tập hợp lực lượng gồm hàng trăm người là những thợ lặn chuyên nghiệp và chuyên gia hàng đầu về hang động để tiến hành khảo sát và lên kế hoạch thực hiện. Cuối cùng, 7 nhà thám hiểm đã được giải cứu thông qua một đường hầm được đào xuyên nhiều tầng đá, kết nối với một con sông ngầm. 

Khi được giải cứu, điều đầu tiên mà các nhà thám hiểm vẫn còn "lấm lem bùn đất" nói cũng chính là hai từ "cảm ơn". Họ kể rằng, may thay, trong chuyến thám hiểm này họ lại chuẩn bị nhiều đồ ăn hơn thường lệ và tính tới thời điểm được cứu thì số nhu yếu phẩm như nước, thức ăn còn có thể đủ dùng cho tận 2 ngày sau đó.

2. Giải cứu các thủy thủ tàu ngầm tại Kamchatka, Nga (2005)

Một robot nước Anh đã hỗ trợ người Nga trong việc giải cứu các thủy thủ. Ảnh: Getty Images. 

Vào năm 2005, 7 thủy thủ của tàu ngầm loại nhỏ Priz của Nga đã bị mắc kẹt dưới biển, thuộc khu vực bán đảo Kamchatka, do vướng phải vật cản, khiến khung máy của loại tàu này không thể vận hành. 

Do lo ngại sẽ xảy ra thảm kịch giống như vụ tai nạn tàu ngầm Kursk của Nga vào khoảng 5 năm trước đó khiến 118 thủy thủ không ai sống sót, Chính phủ Nga đã nhanh chóng tập hợp lực lượng và nhận được sự trợ giúp kỹ thuật từ phía Anh quốc. 

Đúng 3 ngày kể từ lúc gặp nạn và trong khoang tàu thì hết sạch không khí, cả 7 thủy thủ đã thoát khỏi "lưỡi hái" của tử thần trong gang tấc, khi một cỗ máy robot của Anh có khả năng hoạt động dưới nước ở độ sâu 200m cắt thành công vỏ tàu ngầm Priz. 

Tổng thống Vladimir Putin khi đó đã trao huân chương cho đội hỗ trợ giải cứu đến từ Anh Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ đặt hàng xứ sở sương mù những con robot tương tự, phục vụ cho mục đích cứu hộ cứu nạn.

3. Giải cứu hàng chục thợ mỏ ở Copiapo, Chile (2010) 

Các thợ mỏ vui sướng như vừa được tái sinh. Ảnh: Getty Images. 

Trên trang chủ của các tờ báo quốc tế ngày 5-8-2010 tràn ngập thông tin về vụ việc 33 thợ mỏ người Chile bị mắc kẹt ở độ sâu 600m dưới lòng đất sau khi bị sập hầm. 

Với nỗ lực tìm kiếm không ngừng và hy vọng luôn song hành, 17 ngày sau một máy dò được thả xuống thông qua một lối hẹp đã may mắn bắt được sóng của những người thợ mỏ "không biết nên gọi là xấu số hay may mắn" đó. 

Sau khi đã xác định được vị trí và gửi các nhu yếu phẩm xuống phía dưới lớp đất đá lổn nhổn, đội cứu hộ cũng phải mất tới 7 tuần lễ để đưa các thợ mỏ lên khỏi mặt đất.

“Chúng tôi chỉ chia nhau ăn 1 thìa cá đóng hộp trong 24 giờ, sau đó là 48 giờ 1 thìa  vàcuối cùng là sau 72 tiếng mới được ăn. Mọi việc rất khủng khiếp, Franklin Lobos, một người sống sót kể lại.

4. Giải cứu những thợ mỏ không giấy phép tại Ica, Peru (2012)

Liệu những người thợ mỏ này còn dám hoạt động tại các khu khai thác khoáng sản bất hợp pháp? Ảnh: Getty Images. 

9 thợ mỏ bao gồm cả hai cha con của một gia đình đã không may bị kẹt lại dưới lòng đất dưới độ sâu 250m trong vòng 7 ngày khi đang khai thác khoáng sản ở một khu mỏ bất hợp pháp vào ngày 7-4-2012. 

Do cấu trúc của lớp đất đá và những cái hầm được đào thiếu chuyên nghiệp nên quá trình tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân gặp phải vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài tới từ các tổ chức quốc tế đã yêu cầu được hỗ trợ việc giải cứu 9 người này bởi họ có kinh nghiệm trong những vụ việc tương tự. 

May sao, cả 9 người sau đó đã được đưa lên khỏi mặt đất an toàn. Được biết, đội cứu hộ đã phải choàng chăn và cho những thợ mỏ này đeo kính râm để bảo vệ mắt do mắc kẹt trong bóng tối quá lâu.

5. Giải cứu du khách bị ngã xuống hang sâu, Untersberg, Đức (2014) 

Nước Đức đã phải cần tới sự trợ giúp của nhiều chuyên gia quốc tế trong vụ giải cứu màu nhiệm này. Ảnh: Getty Images. 

Hơn 700 nhân viên cứu hộ đã hợp lực để giải cứu ông Johann Westhauser, một du khách bị trọng thương do lở đá khi khám phá một hang động ở Untersberg, Đức vào ngày 8-6-2014. 

Đi cùng ông Westhauser (52 tuổi) còn có 2 người khác. Tuy nhiên, những người đi cùng không bị thương nặng nên một người đã cố gắng đi tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi người còn lại thì ở cạnh chăm sóc Westhauser. 

Vết thương khiến ông không thể di chuyển và nhóm cứu hộ cùng các chuyên gia y tế từ 5 quốc gia đã hợp lực để cứu ông từ độ sâu 1.000 m dưới lòng đất. Và như một phép màu, ông Westhauser đã được cứu ra khỏi hang sau 11 ngày.

Linh Đan
.
.
.