Philippines lột trần yêu sách 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc

Thứ Tư, 02/12/2015, 08:16
Kéo dài 1 tuần (từ 24 đến 30-11), phiên xử vụ kiện Biển Đông tại tòa án trọng tài biển của Liên Hợp Quốc (PCA) ở The Hague (Hà Lan) đã thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận quốc tế. Đặc biệt, sự góp mặt của 7 luật sư và học giả nổi tiếng thế giới đại diện cho Philippines một lần nữa lại giúp mọi người nhìn rõ hơn chân tướng của yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.


Theo nhận định của một loạt hãng truyền thông nổi tiếng, phiên xử lần này đã mang lại nhiều cái lợi cho Philippines. Thành công này của Philippines không chỉ do sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giới chức nước này trước khi phiên tòa bắt đầu mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự lựa chọn các diễn giả đăng đàn phản bác.

Ai cũng biết, chính quyền Manila đã thuê một đội ngũ luật sư quốc tế giàu kinh nghiệm để đứng ra giúp lập luận trong các phiên xử. Nhưng việc lựa chọn từng nhân vật ở từng thời điểm khác nhau lại là một chiến thuật không hề đơn giản. Lần này, tham dự phiên xử vụ kiện Biển Đông, đoàn đại biểu của Philippines có 46 người, trong đó nổi bật là 7 luật sư, học giả quốc tế - những người được phân công nhiệm vụ trình bày những lý lẽ đầy thuyết phục nhất của Philippines.

Luật sư Paul Reichler (người đứng bên phải) đang trao đổi với giới chức Philippines tại phiên xử của PCA. Ảnh: Rappler.

Trong số những nhân vật này, luật sư Andrew Loewenstein là người mang lại nhiều ấn tượng nhất với 5 thành viên của bồi thẩm đoàn PCA. Là một luật sư nổi tiếng ở Mỹ, từng tốt nghiệp xuất sắc Đại học Luật Miami, ông Andrew Loewenstein thường sử dụng luật pháp quốc tế để tranh luận và hay đảm nhiệm các vụ kiện liên quan đến luật pháp công hoặc tranh chấp thương mại. Luật sư này còn có chuyên môn đặc biệt là tư vấn cho các chính phủ, các tập đoàn và các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề pháp lý quốc tế, bao gồm liên quan đến tranh chấp biên giới quốc tế, tranh chấp đầu tư nhà nước, pháp luật về môi trường, nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo.

Andrew Loewenstein thường xuyên đại diện cho chính phủ Mỹ trong các diễn đàn khác nhau và trong cả các vụ việc tại tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Trung tâm Quốc tế của Ngân hàng Thế giới về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID), PCA… Trong hơn 10 năm qua, luật sư này cũng đã đại diện cho các doanh nghiệp ở Mỹ để bảo vệ lợi ích tại các tòa án trong và ngoài nước. Ông còn hỗ trợ dịch vụ pháp lý cho nhiều nhà quản lý, giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp…

Phần trình bày của luật sư Andrew Loewenstein trong phiên xử lần này chiếm gần 3 ngày. Đan xen với những lập luận mà ông đưa ra là những bằng chứng cụ thể bằng văn bản, hình ảnh, đoạn video và cả những ghi âm lời khai của các nhân chứng là ngư dân Philippines…

Phụ trách những phần bổ sung quan trọng này là GS luật Alan E.Boyle đến từ Đại học Luật Edinburg của Anh. GS Alan Boyle là chuyên gia về luật pháp quốc tế, đặc biệt về luật môi trường, luật biển và áp dụng các luật vào việc giải quyết những tranh chấp quốc tế. GS Alan Boyle từng tốt nghiệp Đại học Oxford và đã tham dự nhiều khóa học khác về luật tại Đại học London, Đại học Luật Texas, Đại học Luật Mary ở Virginia (Mỹ), Đại học Paris và LUISS ở Rome (Italia). Ông còn là Tổng biên tập tạp chí theo quý viết về các luật quốc tế và so sánh luật trong khoảng thời gian từ năm 1998-2006.

Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines Abigail Valte cho biết, các luật sư và học giả bọc lót cho nhau rất tốt trong phần biện luận. Chẳng hạn, nếu luật sư Lawrence Martin (cộng sự thân thiết của luật sư Paul Reichler tại Công ty Luật Foley Hoag LLP) đã giới thiệu với tòa án những lời khai của các ngư dân Philippines để chứng tỏ Trung Quốc can thiệp vào hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân trên Biển Đông, đặc biệt tại bãi cạn Scarborough thì GS luật Bernard Oxman và GS Clive Schofield lại trình bày tới 47 luận điểm cho thấy cần phải có những biện pháp mạnh, ngay lập tức và cần thiết để ngăn chặn các hành động phá hoại hệ sinh thái biển ở Biển Đông.

Trong số 3 nhân vật này, GS Clive Schofield cũng lần đầu tiên đăng đàn ở PCA với mục đích biện hộ cho Philippines. GS Clive Schofield hiện là Giám đốc  Trung tâm Nghiên cứu các nguồn tài nguyên và an ninh ở đại dương (ANCORS) thuộc Đại học Wollongong (Australia). Ông cũng là người đứng đầu quỹ nghiên cứu về thềm lục địa của đại học này. Với bề dày nghiên cứu về hàng hải, GS Clive Schofield đã xuất bản 22 đầu sách về các vấn đề luật biển, an ninh hàng hải. Ông còn có bằng Tiến sĩ tại Đại học Durham của Anh và bằng LLM (văn bằng học thuật được trao cho những người hoàn thành việc nghiên cứu nâng cao và chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể trong luật học) từ Đại học British Columbia, Canada. GS Clive Schofield từng tham gia một số vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ trước ICJ và được bầu làm cố vấn xây dựng hòa bình đại diện cho Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới. Còn GS luật Bernard Oxman từng tốt nghiệp khoa Luật Đại học Columbia từ năm 1965 và đã kinh qua vị trí phụ tá cố vấn pháp lý về đại dương, môi trường và khoa học ở Bộ Ngoại giao Mỹ; từng là đại diện thường trực của Mỹ tại Hội nghị Luật Biển LHQ lần thứ 3… Ông cũng từng là thẩm phán ở tòa án trọng tài và từng thụ lý vụ tranh tụng giữa Malaysia-Singapore.

Chưa hết, nhân vật được cho là có những lập luận thú vị xung quanh hành động đơn phương của Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông là GS Philippe Sands, giảng viên luật quốc tế tại Đại học London. GS Philippe Sands đồng thời là luật sư Anh gốc Pháp.

Cuối cùng, kịch bản tranh tụng tại PCA của Philippines sẽ không thể được thực hiện một cách bài bản, gọn nhẹ nhưng sâu sắc nếu thiếu luật sư trưởng người Mỹ Paul Reichler thuộc Công ty Luật Foley Hoag LLP có trụ sở tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, người đã có 25 năm kinh nghiệm trong việc đại diện cho các quốc gia tham gia các vụ kiện về tranh chấp chủ quyền như vụ Mauritus chống Anh và Bangladesh chống Ấn Độ…

Theo báo The Wall Street Journal, ông Reichler từng có chiến thắng đình đám vào thập niên 1980, khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại The Hague ra phán quyết khẳng định Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế qua việc ủng hộ lực lượng nổi dậy Contra lật đổ chính phủ cánh tả Sandinista tại Nicaragua và gài mìn các cảng của nước này. Năm 2009, tạp chí The American Lawyer đã mệnh danh Paul Reichler là “Quý ông Tòa án Thế giới” (Mr. World Court). Luật sư Paul Reichler cho biết, nếu vụ kiện Biển Đông của Philippines với Trung Quốc có thể kéo dài từ 3-5 năm thì ông vẫn sẵn sàng theo đuổi.

Huyền Chi
.
.
.