Tòa Trọng tài thường trực The Hague bắt đầu điều trần vụ Philippines kiện Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông

Thứ Tư, 25/11/2015, 08:26
Từ ngày 24 tới 30-11, Tòa Trọng tài thường trực The Hague (PCA) bắt đầu phiên điều trần đầu tiên về những khiếu nại của Philippines trước tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Phía Trung Quốc liên tục từ chối công nhận thẩm quyền của PCA trong vụ kiện này; đồng thời tuyên bố, Bắc Kinh không chấp nhận cũng không tham gia vào phiên điều trần đơn phương của Manila.



Tuy nhiên, hồi tháng 10 vừa qua, PCA đã khẳng định sẽ tiến hành xét xử đơn kiện của Philippines, đồng thời bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng tòa này không đủ thẩm quyền quyết định. PCA cũng đã ra phán quyết: “Cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và bị ràng buộc bởi các điều khoản của công ước này về giải quyết các tranh chấp”.

Ngay trước thềm diễn ra phiên điều trần, tờ Tempo dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 23-11 tái khẳng định quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ kiện yêu sách chủ quyền (cái gọi là) “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra nhằm phục vụ mưu đồ thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông.

Tiếp tục thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như phán quyết của PCA, Tổng thống Aquino nhấn mạnh: “Khi tiến trình phân xử tiếp tục đi đến kết luận hợp lý, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ giữ lời và tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật. Thế giới đang theo dõi và kỳ vọng Bắc Kinh sẽ hành xử như một quốc gia hàng đầu có trách nhiệm”.

Trước đó, Tổng thống Aquino tuyên bố “cả thế giới đang theo dõi” xem liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm trong tranh chấp lãnh hải hay không. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vừa kết thúc ở Malaysia. Tổng thống Philipinnes đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết của PCA “sẽ đóng góp vào những đường hướng mà Manila sẽ thực thi”, đặc biệt liên quan đến việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhanh chóng hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Theo ông Aquino, hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành là “hoàn toàn không đếm xỉa tới luật pháp quốc tế” và Bắc Kinh đã đẩy sự việc “tới mức mà chúng tôi nay đã không còn được phép đi vào những khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”. Tổng thống Aquino nhấn mạnh cần sử dụng UNCLOS để giải quyết tranh chấp này.

Trong khi đó, theo tờ Philippines Star, Chính phủ Philippines cũng tỏ ra lạc quan vì những luận cứ rất vững chắc mà họ sẽ trình bày trước PCA. Người phát ngôn của Tổng thống Aquino, ông Edwin Lacierda cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu các tuyên bố của mình theo UNCLOS. Chúng tôi đã nhìn thấy phản hồi đầu tiên của tòa liên quan đến thẩm quyền xét xử. Các luật sư của chúng tôi đã chuẩn bị cho điều này”.

Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép.

Ông Lacierda khẳng định, Chính phủ Philippines đã “đoán trước mọi khía cạnh” và hy vọng các bồi thẩm đoàn có thể đưa ra một phán quyết phù hợp cho Manila.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông hôm 23-11, liên quan tới hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, bà Rukmani Gupta, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Á - Thái  Bình Dương của Tuần san Quốc phòng IHS Janes Defence Weekly cho biết, hoạt động xây dựng, cải tạo đất tại Biển Đông đang cho phép các bên tăng cường sự hiện diện trong khu vực và tái khẳng định các yêu sách của mình.

Bà Rukmani cũng nhắc lại rằng, điều 60 Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 khẳng định, các công trình cải tạo không được hưởng quy chế đảo và không thể tạo ra ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Đồng quan điểm, Giáo sư Robert Volterra, đối tác Công ty luật Volterra Fietta có trụ sở tại Anh chỉ ra rằng, có hai vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc cải tạo đất trái phép tại Biển Đông.

 Thứ nhất, những thực thể mà Bắc Kinh tiến hành cải tạo là những thực thể đang có tranh chấp về chủ quyền. Vì thế, một quốc gia tiến hành cải tạo đất tại nơi đang có tranh chấp chủ quyền rõ ràng là hành động khiêu khích. Điều thứ hai, việc xây dựng, cải tạo đất không ảnh hưởng đến việc xác định tính chất pháp lý của thực thể.

Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố không tham gia tiến trình phân xử tại PCA và khẳng định sẽ tiếp tục bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và DOC. Trả lời tại buổi họp báo ở Kuala Lumpur hôm 22-11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân biện hộ rằng: “Xây dựng và duy trì các cơ sở quân sự cần thiết là điều thiết yếu đối với hoạt động phòng thủ của Trung Quốc và bảo vệ những hòn đảo và các bãi đá này”.

Theo Thứ trưởng Lưu Chấn Dân, Trung Quốc dự kiến “mở rộng và nâng cấp” các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo “để phục vụ tốt hơn các tàu thương mại, ngư dân, giúp đỡ các tàu gặp nạn và cung cấp thêm các dịch vụ công cộng”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.