Nga thắng lớn tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria

Thứ Tư, 31/01/2018, 17:50
Bất chấp việc bị Mỹ cùng một số nhóm phiến quân thân cận tẩy chay, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga) đã kết thúc với những kết quả quan trọng theo đúng tinh thần mà người Nga mong muốn.

RT ngày 31-1 đưa tin, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đã bế mạc vào rạng sáng cùng ngày. Nga-quốc gia bảo trợ tổ chức sự kiện này nhấn mạnh rằng, đại hội đã kết thúc với các văn kiện quan trọng, đóng vai trò tiền đề trong việc hòa giải dân tộc ở Syria, qua đó chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông.

Các thành viên tham gia Đại hội Đối thoại dân tộc Syria.

Cụ thể, các bên dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đã đồng ý lập danh sách ứng cử viên tham gia một ủy ban soạn thảo hiến pháp mới cho Syria đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Ủy ban này gồm đại diện chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các nhóm đối lập lớn.

“Danh sách các thành viên tham gia ủy ban soạn thảo Hiến pháp sẽ được chuyển lên Liên Hợp Quốc. Ủy ban Hiến pháp Syria sẽ hoạt động tại Geneva, Thụy Sỹ theo đúng tinh thần Nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết.

Trong tuyên bố chung của đại hội, các bên tham gia đã thống nhất rằng Syria cần trở thành một đất nước dân chủ, không bè phái, không phụ thuộc vào tôn giáo, thượng tôn pháp luật với hệ thống tư pháp độc lập, nơi người dân Syria toàn quyền quyết định tương lai của đất nước mình.

“Người dân Syria được toàn quyền quyết định tương lại bằng các phương tiện dân chủ, thông qua lá phiếu; được quyền lựa chọn thể chế chính trị, kinh tế và xã hội mà không bị áp lực hay can thiệp từ bên ngoài, phù hợp với luật pháp và quyền quốc tế của Syria”, điểm thứ 3 của tuyên bố chung có đoạn.

Kết quả của sự kiện này đặt nền móng để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 7 năm qua ở Syria. Ảnh: AP

Trong các đầu mục còn lại của tuyên bố chung, Chính phủ Syria và các phe đối lập cũng chấp thuận cùng nhau xây dựng một lực lượng vũ trang hùng mạnh, có khả năng bảo vệ chủ quyền, cam kết thượng tôn pháp luật; tôn trọng quyền bình đẳng, tự do tôn giáo và chống lại nguy cơ từ chủ nghĩa cực đoan.

Giới quan sát nhận định, vượt qua những nghi kị và “khó chịu” từ Mỹ và một số nhóm phiến quân thân cận, Nga đã thắng lớn khi hoàn thành những mục tiêu ban đầu là kêu gọi người dân Syria quyết định tương lai bằng lá phiếu phổ thông mà không có sức ép từ bên ngoài.

Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad có quyền tái tranh cử công bằng để tiếp tục lãnh đạo Syria, miễn là ông nhận được sự tín nhiệm từ người dân.

Bên cạnh đó, với việc tổ chức thành công một cuộc đối thoại đa phương, Nga một lần nữa củng cố vai trò như một nhà hòa giải chính trị thành công nhất ở quốc gia Trung Đông trong suốt 7 năm xung đột.

Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi trong ngày 29 và 30-1 với sự tham dự của gần 1.400 đại diện cho các tầng lớp xã hội, các nhóm vũ trang và các phe phái ở Syria. Nhiều tổ chức quốc tế, khu vực được mời tham dự với tư cách quan sát viên.

Thiện Nhân
.
.
.