Khoảnh khắc Việt Nam gia nhập WTO qua lời kể của cựu Tổng Giám đốc WTO
- Việt Nam gia nhập WTO đã có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế
- Sau một năm gia nhập WTO: Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh
- Gia nhập WTO: Nhu cầu văn phòng cho thuê tăng mạnh
Trò chuyện với phóng viên Việt Nam trong khuôn viên của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chiều 18-12, ông Pascal Lamy cho biết, đây là lần thứ 2 ông trở lại Việt Nam trong năm 2017. Mặc dù giờ đây không còn là người đứng đầu WTO song ông vẫn luôn dõi theo những bước phát triển của Việt Nam. Cựu Tổng Giám đốc WTO cho biết, khi Việt Nam bắt đầu quá trình đàm phán để gia nhập WTO, ông là Cao ủy châu Âu về thương mại.
Khi Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 150 của WTO, ông là Tổng Giám đốc WTO. Vì vậy, ông hiểu và nắm rất rõ quá trình Việt Nam gia nhập tổ chức này.
Cựu Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy (phải) và Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 18-12. |
Ông Pascal Lamy nhấn mạnh: "Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa và là một ví dụ thành công về tiến trình hội nhập kể từ sau dấu mốc gia nhập WTO 10 năm trước. Việt Nam đã biết tận dụng lợi thế của mình về nguồn nhân lực và hưởng lợi trong những lĩnh vực mà nhân lực đóng vai trò quan trọng.Tôi thấy rằng việc gia nhập của Việt Nam vào WTO là một thành công và đã giúp Việt Nam phát triển rất tốt, thuộc nhóm các nước có tăng trưởng cao trên thế giới".
Cũng theo cựu Tổng Giám đốc WTO, Việt Nam vẫn sẽ duy trì được lợi thế cạnh tranh về nhân lực ngay cả trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi cốt lõi là con người mà như ông nhận định là người Việt Nam rất cần cù, quyết tâm.
“Việt Nam sẽ không mất lợi thế này, trừ khi là không đầu tư đủ đào tạo nhân tài. Trí tuệ nhân tạo (AL) không thể thay thế cho con người được. Việt Nam phát triển nhiều nhờ mở rộng quan hệ, chính sách đổi mới. Việc mở cửa thị trường đã đem lại nhiều lợi ích, giúp các nước tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế”, ông Pascal Lamy cho biết.
Khoe huân chương đeo trên ngực với các nhà báo Việt Nam, cựu Tổng Giám đốc WTO tự hào nói, đây là Huân chương Hữu nghị mà Nhà nước Việt Nam trao tặng ông cách đây 10 năm vì có những đóng góp to lớn trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam và đó là vinh dự lớn đối với ông. Khi đó, phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO về việc kết nạp Việt Nam vào tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này diễn ra tại trụ sở của WTO.
Mở đầu phiên họp, ông Eirick Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO đồng thời là Chủ tịch Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO đã tóm tắt quá trình đàm phán và gõ búa thông qua các cam kết của Việt Nam với sự nhất trí của toàn thể 149 thành viên WTO. Ngay sau đó, Đại hội đồng đã thông qua Nghị định thư WT/ACC/VNM/48 về việc gia nhập của Việt Nam.
Lễ ký nghị định thư gia nhập diễn ra trang trọng giữa Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển và Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Trưởng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam dự lễ gia nhập WTO...
Nhớ lại sự kiện của 10 năm trước, ông Pascal Lamy không giấu nổi xúc động: "Sau 11 năm ròng rã qua 15 vòng đàm phán, ngày 7-11-2007, lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO chính thức diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ). Đó như là người mẹ mang thai sau một thời gian dài cuối cùng cũng sinh hạ thành công. Có rất nhiều khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng cũng có rất nhiều niềm vui trong sự kiện đó”, cựu Tổng Giám đốc WTO chia sẻ.
Trên thực tế, trong suốt 10 năm qua, từ lúc còn trên cương vị Tổng Giám đốc WTO cho đến khi nghỉ hưu, ông Pascal Lamy vẫn luôn gắn bó và dành một tình cảm đặc biệt với Việt Nam.
Tháng 5 vừa qua, ông cũng trở lại Việt Nam để tham gia buổi giao lưu, gặp gỡ, giới thiệu tác phẩm mới mang tiêu đề "Thế giới đi về đâu? Thị trường hay vũ lực" tới độc giả Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace ở Hà Nội. Tại đây, một lần nữa, cựu Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh, việc Việt Nam gia nhập WTO đã làm tăng thêm uy tín của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này, không những đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam mà còn cho tất cả các quốc gia thành viên.
Ông Pascal Lamy nhận định: "Việt Nam hiện đang ở trên mức tăng trưởng trung bình của thế giới, cao hơn cả những nước có trình độ tương đương, nghĩa là Việt Nam đã đổi mới thành công. Những vấn đề di dân, an ninh mạng sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới quá trình hội nhập quốc tế và Việt Nam không nằm ngoài những rủi ro đó. Nhưng lợi thế mà các bạn có được liên quan đến yếu tố con người. Trong thời gian tới, Việt Nam nên đầu tư cho công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tôi nghĩ rằng chiến lược thành công để chống lại mọi rủi ro là đầu tư vào trí tuệ. Trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần phát huy hơn nữa lợi thế của mình là trí tuệ và chất xám, chứ không phải lao động giá rẻ".
* Ông Pascal Lamy tốt nghiệp trường quốc gia về hành chính cộng đồng, sau đó làm việc ở Bộ Tài chính Pháp. Năm 1985, Bộ trưởng Tài chính nước này Jacques Delors khi đó trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã đề cử ông Pascal Lamy giữ chức Trưởng ban Tài chính. Năm 1999, ông Pascal Lamy chính thức đảm trách cương vị Cao ủy châu Âu về thương mại. Sau đó, khi được bầu làm Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã đảm nhiệm chức vụ này trong 2 nhiệm kỳ 2005-2009 và 2009-2013. Trên cương vị Tổng Giám đốc của WTO, ông đã nỗ lực chuẩn bị và hỗ trợ Việt Nam gia nhập tổ chức này. Là tác giả của nhiều ấn phẩm nổi tiếng, ông Pascal Lamy cũng đưa ra một tầm nhìn cởi mở về toàn cầu hóa, trong đó Pháp và Liên minh châu Âu (EU) cần đóng vai trò xứng đáng. Ông Pascal Lamy đại diện cho Pháp tại Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Economic Cooperation Council), một tổ chức khuyến khích hội nhập kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là tổ chức mà Việt Nam là một nước thành viên. Hiện ông Pascal Lamy còn được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ định làm người giới thiệu việc Pháp ứng cử đăng cai Triển lãm toàn cầu 2025. * Kể từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,29%/năm, GDP bình quân đầu người tăng từ 730USD lên 2.445USD, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006. Ngoài ra, sau 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. |