Sau một năm gia nhập WTO: Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh

Thứ Hai, 15/10/2007, 15:19
Nhưng thành tựu lớn nhất của Việt Nam sau một năm gia nhập WTO là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 9 tháng đầu năm, vốn FDI đạt 9,6 tỷ USD (tăng 38% so với cùng kỳ), dự kiến có thể đạt 14 - 15 tỷ USD.

Tại lễ kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Hải Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam điểm qua một năm hoạt động của cơ quan thường trực phía Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, cơ quan thường trực phía Nam đã tích cực tham gia nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, tổ chức; phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo chuyên đề và nhận được sự quan tâm, tham gia của các doanh nghiệp như: Tham vấn xây dựng chiến lược của Ngân hàng Thế giới về quản lý, điều hành và chống tham nhũng; hội thảo cải cách hành chính và doanh nghiệp do Bộ Nội vụ và Bộ Thương mại phối hợp tổ chức; tổ chức và phối hợp tổ chức các buổi hội chợ triển lãm kinh tế thương mại tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh…

Ngoài ra, cũng đã tiến hành ký kết thoả thuận liên kết hợp tác với một số đơn vị đóng trên địa bàn TP, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp về các lĩnh vực: tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng chuyên môn, quản lý cho doanh nghiệp…

Theo ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thì Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh với gần 4.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là một tổ chức có nhiệm vụ làm cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp của Hiệp hội trên tất cả các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp Việt Nam đa số nhỏ và vừa, cũng đồng nghĩa với thiếu và yếu về nhân tài lẫn vật lực. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập trong tình hình mới, đề nghị từng doanh nghiệp hãy tự điều chỉnh mình sao cho ngày càng hoàn thiện hơn: Đủ và mạnh.

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam, thảo luận chuyên đề "Việt Nam sau gia nhập WTO: Thành tựu và thách thức", TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng: Thách thức và cơ hội phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của từng doanh nghiệp, từng cá nhân cũng như của các Bộ, các tỉnh. Còn đánh giá về tình hình kinh tế sau một năm Việt Nam gia nhập WTO, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, công nghiệp và dịch vụ là những ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2006.

Về dịch vụ, lượng khách du lịch tăng 18,5% so với cùng kỳ, viễn thông tăng trưởng mạnh nhất là thuê bao di động và Internet…

Nhưng thành tựu lớn nhất của Việt Nam là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 9 tháng đầu năm, vốn FDI đạt 9,6 tỷ USD (tăng 38% so với cùng kỳ), dự kiến có thể đạt 14 - 15 tỷ USD.

Số dự án đang chờ phê duyệt của FDI lên đến 50 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án lớn, công nghệ cao. Tuy nhiên, điều lo ngại là tỷ lệ giải ngân nguồn vốn chậm.

Chẳng hạn, nếu như năm 2000, vốn cam kết đầu tư FDI đạt 2,6 tỷ USD và tỷ lệ vốn thực hiện đạt 94% thì năm 2006 tỷ lệ vốn thực hiện giảm chỉ còn 41%. Năm 2007, vốn thực hiện đạt khoảng 6 tỷ USD nhưng trong 9 tháng đầu năm chỉ mới thực hiện hơn 3 tỷ USD, số còn lại giải ngân trong 3 tháng cuối năm là một thách thức.

Ngoài ra, đầu tư tài chính cũng đã tăng vọt, thị trường chứng khoán đạt 34% (2-2007) so với 5% đầu năm 2006. Vốn nước ngoài tăng mạnh, góp phần tăng sức mua trong nước, song cũng tăng sức ép về tỷ giá, lạm phát. Ngân hàng thương mại và đầu tư của khu vực tư nhân vẫn tiếp tục tăng mạnh

Thúy Hà
.
.
.