Israel và Hamas đua nhau khoe thành tích, ai mới là người thắng?

Thứ Sáu, 21/05/2021, 14:53
Sau khi lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza có hiệu lực, Israel và Hamas cùng nhau lên tiếng khẳng định mình là người chiến thắng.

Sau 11 ngày giao tranh ác liệt, nhóm vũ trang Hamas của người Palestine và Israel đã bắt đầu ngừng bắn từ rạng sáng nay (21/5) theo một thoả thuận đạt được do Ai Cập làm trung gian và dưới áp lực của cộng đồng quốc tế.

Theo Reuters, Hamas và Israel đều lên tiếng xác nhận ngừng bắn. Các hãng tin địa phương ghi nhận tình hình khá yên ắng ở cả Dải Gaza và Israel từ sáng nay, cho thấy cả hai bên đang tuân thủ các cam kết của mình.

Phòng không Israel được kích hoạt đánh chặn rocket của Hamas. Ảnh: AP

Tuy nhiên, về kết quả chiến sự, cả hai bên đều tuyên bố họ là người chiến thắng.

Quan chức Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ngày 21/5 thông báo họ hài lòng với kết quả của chiến dịch quân sự chống lại Hamas. "Đối với chúng tôi, trận chiến đã đạt được mục tiêu", các quan chức Israel nói, cho biết họ đạt những thành tựu "chưa từng có" ở Dải Gaza.

Theo Times of Israel, IDF đã hạ sát ít nhất 225 tay súng Hamas, gồm 25 lãnh đạo cấp cao. Lực lượng Israel đánh sập thành công hơn 100km đường hầm của Hamas, vốn là nơi các tay súng của người Palestine ẩn náu khi thực hiện những đợt tấn công rocket.

IDF khẳng định, các chiến dịch ở Gaza cũng đã giáng đòn nặng nề vào năng lực sản xuất tên lửa, rocket của Hamas khi các trận không kích của Tel Aviv đã phá huỷ hàng trăm bệ phóng tên lửa và cơ sở hạ tầng liên quan ở Dải Gaza.

Sau 11 ngày giao tranh, Israel cáo buộc Hamas đã phóng hơn 4.000 quả rocket về phía nước này, nhưng 90% trong số chúng bị phòng không Vòm sắt - Iron Dome đánh chặn. 12 người ở Israel thiệt mạng vì hoả lực Hamas, gồm hai em nhỏ.

Trong khi đó, ở Dải Gaza, nhiều người ủng hộ Hamas đã xuống đường và vẫy cờ từ cửa sổ mừng lệnh ngừng bắn từ ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực lúc 2h sáng (giờ địa phương). Họ hô to khẩu hiệu phản đối Israel và cho rằng mình mới là người thắng cuộc.

Người Palestine đổ ra đường ăn mừng. Ảnh: Reuters

"Dù đã có những nỗi đau, tổn thương, những ngôi nhà bị phá hủy và những người đã thiệt mạng, chúng ta tuyên bố chiến thắng trước đối thủ. Chúng ta đã chiến thắng", phát ngôn viên nhóm vũ trang Hamas Khalil al-Hayya, phát biểu. "Đây là niềm hạnh phúc của chiến thắng".

New York Times dẫn lời thanh niên Ibrahim Hamdan, 26 tuổi, từ Dải Gaza, hào hứng: "Tôi cảm thấy chúng tôi đã thắng... Cuộc kháng chiến đã làm tổn thương kẻ thù".

Theo thống kê của các quan chức y tế Palestine, khoảng 232 dân thường Gaza đã thiệt mạng vì giao tranh với Israel, với một nửa là các em nhỏ và phụ nữ. Phía Hamas không thông báo chi tiết về thiệt hại của mình.

Trẻ nhỏ Palestine theo người thân ra đường ăn mừng rạng sáng 21/5, bên cạnh họ là đống đổ nát do đòn không kích của Israel. Ảnh: Reuters

Ngoài các đường hầm và khu vực quân sự của Hamas, đòn không kích của Israel đã đánh sập hàng ngàn nhà cửa, trong đó có nhiều nhà chung cư cao tầng, các nhà máy nước sạch, trung tâm xét nghiệm COVID-19 duy nhất và trường học ở Gaza.

Các tổ chức nhân quyền cảnh báo người dân ở Gaza sẽ đối mặt tình trạng thiếu thốn, đói khổ trầm trọng hơn sau cuộc giao tranh vừa qua, nhất là khi dịch COVID-19 chưa được kiểm soát tại "vùng trũng" về y tế của thế giới này. Ai Cập, Liên Hợp Quốc, Mỹ cùng một số quốc gia cam kết hỗ trợ Gaza tái thiết sau chiến sự, song đó là một quá trình dài hơi và tốn nhiều công sức.

Đáng chú ý, dù tuyên bố ngừng bắn, song cả Hamas và Israel cảnh báo sẽ tiếp tục các chiến dịch quân sự nếu họ thấy phía còn lại gây hấn. Quan chức cấp cao của Hamas Osama Hamdan ngày 20/5 loan báo họ đủ rocket tấn công Israel trong nhiều tháng.

"Những gì các bạn thấy trong những ngày đầu xung đột, với các đợt công kích Tel Aviv và nhiều khu vực ở Jerusalem, có thể kéo dài không phải trong nhiều ngày hay nhiều tuần, mà là nhiều tháng", Osama Hamdan nói.

Chuyên gia: Hamas và Thủ tướng Israel là người thắng cuộc

Chuyên gia Avi Issacharoff của tờ Times of Israel nhận định, giao tranh đã để lại nhiều hậu quả và người thua thiệt ở đây chính là dân thường của cả hai bên - những người mắc kẹt giữa hai làn đạn.

Ông Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP

Thế nhưng cuộc chiến lần này đã mang lại một số lợi ích cho Hamas và Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu.

Với Hamas, cuộc chiến giúp lực lượng này củng cố được vị thế trong cộng đồng người Arab lẫn Palestine. Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza từ bên trong, nhưng họ không được công nhận là lực lượng đại diện cho toàn thể người Palestine.

Liên Hợp Quốc hiện chỉ công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là cơ quan đại diện cho tiếng nói của người Palestine. Từ 2007, PLO và Hamas có tổ chức đàm phán, nhưng Hamas chưa từng tham gia PLO và không công nhận quyền lãnh đạo của PLO. PLO hiện đặt trụ sở của họ ở Bờ Tây và chủ trương giải quyết các vấn đề với Israel bằng đàm phán.

Với Thủ tướng Netanyahu, cuộc chiến giúp ông tạm thoát được áp lực bủa vây từ phe đối lập và dường như đảm bảo vững chắc vị trí trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Ông Netanyahu, lãnh đạo đảng Likud cánh hữu, đã trải qua 4 kì bầu cử trong vòng 2 năm qua, nhưng chưa thể thành lập một chính phủ bền vững.

Hôm 5/5, ông tiếp tục bế tắc trong nỗ lực này và phải nhường quyền đàm phán thành lập chính phủ cho phe đối lập. Nếu phe đối lập thất bại sau vài ngày nữa. Israel sẽ bước vào kì bầu cử thứ 5. Cuộc chiến với Hamas được cho là sẽ giúp ông giành được sự ủng hộ của cử tri.

Thiện Minh
.
.
.