Hé lộ tham vọng “cắm quốc kỳ lên Mặt trăng” của Triều Tiên
- Mỹ và đồng minh nóng mặt khi Triều Tiên thử tên lửa "trêu ngươi"
- Triều Tiên bắn tên lửa mới để thực tập xuyên thủ lá chắn THAAD ở Hàn Quốc
- Ngán Triều Tiên, Nhật Bản vội vàng nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa
"Bất chấp nỗ lực ngăn chặn của Mỹ và đồng minh của họ với sự phát triển công nghiệp không gian của chúng tôi (Triều Tiên), các nhà khoa học của chúng tôi sẽ chinh phục không gian và chắc chắn sẽ cắm được quốc kỳ trên Mặt trăng", ông Hyon Kwang Il tuyên bố khi nói về chương trình chinh phục không gian của đất nước mình.
Tên lửa đẩy Uha của Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Ông Hyon tiết lộ rằng, kế hoạch phát triển công nghiệp không gian 5 năm tới được thực hiện theo mệnh lệnh nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong - un mà mục tiêu chính là tập trung phóng các vệ tinh thông tin liên lạc, cũng như đưa một vệ tinh vào quỹ đạo địa tĩnh.
Theo ông Hyon, các trường đại học của Bình Nhưỡng cũng đang tăng cường đào tạo nhiều chuyên gia về tên lửa. Mục tiêu dài hạn của Bình Nhưỡng là sử dụng các vệ tinh của nó để cung cấp dữ liệu đánh giá cây trồng và lâm nghiệp, cải thiện hệ thống truyền thông của nước này.
Triều Tiên cũng có ý định "thực hiện chuyến bay vũ trụ có người lái, tiến hành các thí nghiệm khoa học trong không gian”; họ cũng dự định sẽ có một chuyến bay đến thám hiểm Mặt trăng, cũng như thăm dò các hành tinh khác.
Tất cả các nỗ lực phát triển không gian trong 5 năm tới và trước đó sẽ là cơ sở để Triều Tiên tổ chức một chuyến bay tới Mặt trăng trong tương lai, vị quan chức của Bình Nhưỡng khẳng định và cho biết, ông hy vọng nhìn thấy điều đó (chuyến bay lên Mặt trăng) trong 10 năm tới.
Tuyên bố "mạnh miệng" này của một quan chức Triều Tiên được nhiều chuyên gia về không gian thế giới cho là quá tham vọng nhưng vẫn có thể "tưởng tượng" được.
Jonathan McDowell, một nhà thiên văn tại Trung tâm Harvard-Smithsonian chủ sở hữu một blog chuyên về các vệ tinh quốc tế và công nghệ phóng vệ tinh cho rằng việc thực hiện một chuyến bay tới Mặt trăng tuy khó nhưng vẫn có thể đạt được nếu Triều Tiên chọn mục tiêu phù hợp.
Thực vậy, một chuyến bay tới Mặt trăng không nhất thiết phải hạ cánh xuống bề mặt thiên thể này. Nó "đơn giản" là bay vào quỹ đạo của Mặt trăng, và có thể gửi dữ liệu thu được về tương tự như tàu thám hiểm Luna 1 được Liên Xô phóng vào năm 1959.
Đáng chú ý là Liên Xô khởi động chương trình Luna chỉ sau 3 lần phóng thành công vệ tinh Sputnik. Mỹ cũng từng thực hiện chuyến bay đầu tiên tới Mặt trăng với cách thức tương tự vào năm 1959 chỉ 6 tháng sau khi họ được vệ tinh Explorer 1 (vệ tinh đầu tiên của Mỹ) vào không gian.
Triều Tiên đã thực hiện được ít nhất 2 lần phóng thành công vệ tinh vào không gian. Lần phóng vệ tinh mới nhất của Bình Nhưỡng là vào ngày 7-2-2016 chỉ ít lâu sau khi họ tuyên bố thử thành công bom khinh khí. Vệ tinh Kwangmyongsong 4, hay còn gọi là KMS-4 là 1 trong 2 vệ tinh của nước này trong không gian. Và như vậy về mặt kỹ thuật, Bình Nhưỡng gần đủ khả năng để đưa một vật thể đến vùng lân cận của Mặt trăng.
Hiện nay, chưa có kiểm chứng độc lập về việc Triều Tiên còn duy trì liên lạc với các vệ tinh của họ hay không, tuy nhiên việc đưa thành công 2 vệ tinh vào quỹ đạo cho thấy Bình Nhưỡng đã gia nhập số ít nước sở hữu công nghệ tên lửa đẩy vũ trụ. Trong khi đó, người anh em phía Nam của họ, Hàn Quốc với tiềm lực hơn hẳn lại chưa làm được điều này.
Thử tên lửa đạn đạo gần như liên tục nhưng Triều Tiên luôn phủ nhận việc lợi dụng chương trình thám hiểm vũ trụ để phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo quân sự. Các thông tin được công bố bởi Bình Nhưỡng từ trước tới nay cho thấy nước này có một sự tách biệt giữa chương trình tên lửa đạn đạo quân sự và việc phát triển công nghệ không gian.
Phủ nhận các lập luận về việc sử dụng các vụ phóng vệ tinh làm bình phong cho việc thử tên lửa tầm xa, Bình Nhưỡng giải thích chương trình phóng tên lửa vũ trụ của họ thuần túy phục vụ mục đích khoa học.
Cụ thể theo ông Hyon, tên lửa đẩy Uha của Triều Tiên có sử dụng công nghệ từ tên lửa đạn đạo quân sự là điều hết sức bình thường bởi hầu hết các cường quốc không gian hiện nay đều sử dụng các công nghệ quân sự trong công cuộc chinh phục vũ trụ.
Theo ông Hyon, thì hầu hết các tên lửa đẩy vũ trụ ngày nay đều sử dụng một phần công nghệ từ các tên lửa đạn đạo quân sự. Vị quan chức ngành không gian của Triều Tiên tuyên bố rằng các tên lửa (quân sự) của Bình Nhưỡng đã có thể vươn tới bất kỳ đâu trên lãnh thổ Mỹ thì họ không cần sử dụng chương trình không gian làm bình phong để phát triển tên lửa đạn đạo.
Lập luận này nhận được sự đồng thuận từ ông Markus Schiller, chuyên gia hàng đầu về tên lửa Triều Tiên hiện làm việc tại Munich, Đức.
Ông Schiller cho rằng với tiến bộ về công nghệ tên lửa quân sự Bình Nhưỡng không cần lợi dụng chương trình không gian để phát triển vũ khí của mình. Hơn nữa theo ông Schiller, tên lửa Uha (tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên) có thiết kế của một tên lửa đẩy vũ trụ.
"Tôi cho rằng, họ (quân đội Triều Tiên) sẽ không tiếp thu thêm được điều gì mới mẻ từ việc phóng một tên lửa Uha. Tất nhiên những thứ thu được (từ việc phóng tên lửa vũ trụ) có thể áp dụng cho chương trình tên lửa. Nhưng từ việc quan sát toàn bộ chương trình tên lửa (của Triều Tiên) có thể thấy họ tách biệt chúng (tên lửa quân sự, tên lửa vũ trụ) tới một mức độ nhất định", ông Schiller nói.