Hé lộ năng lực hạt nhân thực sự của Iran

Thứ Ba, 09/07/2019, 11:15
Iran thông báo tăng cấp độ làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép trong thỏa thuận hạt nhân kí với các cường quốc năm 2015, song để chế tạo được bom hạt nhân như lo ngại của Mỹ thì Tehran sẽ mất không dưới 10 năm.

Trong động thái được thông báo trước, Iran ngày 8-7 chính thức làm giàu uranium vượt giới hạn 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015 với các cường quốc thế giới. Tehran cũng thông báo nước này sẵn sàng làm giàu uranium ở tỷ lệ 20%, dấy lên lo ngại thỏa thuận năm 2015 sẽ sụp đổ toàn diện.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra lo ngại trước tuyên bố của Iran, hối thúc nước này thay đổi kế hoạch. Trước đó, sau khi Tehran tăng sản lượng uranium làm giàu lên trên mức 300kg, Nga và Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Iran quay lại tuân thủ toàn diện thỏa thuận hạt nhân.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tới thăm một trung tâm hạt nhân cách đây không lâu. Ảnh: Reuters

Có tên chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thỏa thuận năm 2015 được Iran ký với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức cùng EU vào năm 2015, trong đó Tehran chấp nhận hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân để được nới lỏng trừng phạt và bán dầu ra nước ngoài.

JCPOA quy định việc làm giàu uranium của Iran bị giới hạn ở mức tối đa là 3,67%, vừa đủ để sản xuất năng lượng và thấp hơn nhiều so với mức trên 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân. Văn kiện này cũng cho phép Tehran dự trữ không quá 300kg uranium làm giàu ở tỷ lệ thấp trước năm 2031.

Thỏa thuận tưởng chừng như toàn diện để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân này bất ngờ đứng trước nguy cơ sụp đổ khi Mỹ tháng 5-2018 rút khỏi và khởi động chiến dịch cô lập Iran toàn diện về kinh tế và chính trị. Châu Âu phản đối bước đi của Mỹ vì Iran không hề vi phạm thoả thuận hạt nhân, đồng thời cam kết giúp Iran chống lại các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, Công cụ Hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) mà các cường quốc châu Âu thiết lập để giúp Iran giảm bớt những tác động từ các lệnh trừng phạt lại gặp nhiều hạn chế khi vận hành, khiến Tehran tức giận và mất niềm tin vào việc duy trì thỏa thuận.

Iran có đủ sức chế tạo bom hạt nhân?

Uranium được khai thác trong tự nhiên, song không phải uranium nào cũng làm được nhiên liệu hạt nhân. Chỉ có đồng vị uranium-235 mới có thể được dùng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng và chế tạo bom, nhưng nó chỉ chiếm khoảng 0,7% uranium được khai thác.

Sơ đồ mô phỏng quy trình chế tạo bom hạt nhân.

Làm giàu uranium là quá trình thu thập đồng vị uranium-235 trong quặng lên mức cao hơn nhờ sử dụng các máy ly tâm hiện đại. Uranium được coi là làm giàu ở cấp độ thấp nếu tỷ lệ tinh khiết của nó từ 0,7% đến 20%. Uranium làm giàu ở cấp độ cao nếu tỷ lệ đồng vị uranium-235 trong nó vượt ngưỡng 20%.

Với việc tuyên bố đủ sức làm giàu uranium ở mức 20%, Iran đã cho thấy rõ năng lực vượt trội của nước này trong lĩnh vực hạt nhân. Vào những năm 2006, khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng nổ, Iran từng sở hữu lượng uranium làm giàu gần 20% rất lớn.

Các chuyên gia Nga, vốn có vai trò quan trọng trong thực thi JCPOA ở Iran, xác nhận Iran rõ ràng có đủ khả năng làm giàu uranium chạm tỷ lệ 90% để chế tạo nguyên liệu cho bom hạt nhân.

Trong một báo cáo do Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đăng tải, để sản xuất một đầu đạn hạt nhân cần 8 kg plutonium hoặc 25 kg uranium được làm giàu cấp độ cao. Trữ lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp của Iran hiện đã vượt trên ngưỡng 300kg. Với đà này, các chuyên gia nhận định, về mặt lý thuyết, Iran có năng lực chế tạo nhiên liệu của bom hạt nhân.

Tuy vậy, để thu thập đủ uranium phục vụ công tác làm giàu để rồi có đủ 25kg uranium cấp độ cao cho việc chế tạo một đầu đạn hủy diệt, Iran sẽ mất rất không ít thời gian. Một số chuyên gia nói rằng quá trình này sẽ tốn đến hàng thập kỷ.

Iran không có trữ lượng uranium tự nhiên đáng kể mà nhập chủ yếu từ Kazakhstan. Các hợp đồng mua bán uranium theo đó cũng phụ thuộc lớn vào các quy định được nêu trong JCPOA, vốn được sinh ra để ngăn Iran dự trữ đủ uranium để chế tạo bom cũng như phải được các nước trong JCPOA cho phép.

Bên ngoài nhà máy điện nguyên tử Bushehr của Iran. Ảnh: ITN

Một vấn đề khác là, theo quy định trong JCPOA mà Iran hiện đang tuân thủ chính xác thì nước này không được tiếp cận nguồn nhiên liệu uranium làm giàu ở cấp độ trung bình cao của các nhà máy hạt nhân đang vận hành.

Tại nhà máy điện nguyên tử Bushehr do Nga xây dựng, nằm ở phía Nam của Iran, Tehran hiện phải mua các thanh nhiên liệu uranium đã được làm giàu cấp độ 20% của Nga để sử dụng, song sau đó các thanh nhiên liệu này được chuyển về Nga. Moscow không có bất cứ lý do nào và cũng chưa từng thể hiện bất cứ ý định nào vi phạm JCPOA.

Một vấn đề mấu chốt khác, để chế tạo bom hạt nhân, chỉ uranium làm giàu là chưa đủ. Iran vẫn cần mồi kích hoạt quá trình phân hạch nguyên tử trong bom và các thiết bị khác, vốn đòi hỏi thời gian dài nghiên cứu với sự trợ giúp của các cường quốc. Hiện chưa có báo cáo nào cho thấy Iran đủ khả năng hoặc đã bắt đầu chế tạo những bộ phận này.

Được biết, trong các tuyên bố phát đi suốt quãng thời gian căng thẳng với Mỹ, bất chấp việc Washington nhiều lần nhắc lại về nguy cơ Iran sở hữu bom hạt nhân. Phía Tehran cũng chưa từng nói gì về kế hoạch chế tạo vũ khí hủy diệt.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Reuters cho biết, năm 2013, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã ban hành án lệnh Fatwa cấm tuyệt đối việc sản xuất bom hạt nhân vì nó trái với các nguyên tắc của đạo Hồi.

Mới đây, IAEA cho biết tất cả 14 cuộc thanh sát của cơ quan này được tiến hành trên mặt đất cũng như từ vệ tinh đã khẳng định Iran không còn khả năng chế tạo ra một quả bom hạt nhân và không có bất cứ hoạt động nào nhằm sản xuất loại vũ khí này. Hiện tại, các cơ sở hạt nhân của Iran đều nằm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của đông đảo đội ngũ chuyên gia của IAEA.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, tuyên bố làm giàu uranium vượt quá mức được quy định là cách Iran thể hiện năng lực vượt trội và để hối thúc các nước có động thái giúp nước này vượt khỏi vòng cô lập của Mỹ.

"Hành động của chúng tôi là nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân chứ không phải vô hiệu hóa nó. Đây là cơ hội cho các cuộc đàm phán. Nếu các đối tác của chúng tôi không sử dụng cơ hội này, họ không nên nghi ngờ quyết tâm rút khỏi thỏa thuận của chúng tôi", Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi ngày 7-7 nêu rõ, đồng thời tái nhấn mạnh chính Mỹ mới là nước đơn phương xé bỏ JCPOA.

Thiện Minh
.
.
.