Gia tộc Erdogan buôn lậu dầu với IS?

Thứ Năm, 03/12/2015, 16:28
Vào đầu tháng 11-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày chi tiết với các nhà lãnh đạo G-20 về “nghi án” Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu dầu với IS.

“Tôi đưa ra những bức ảnh được chụp từ vệ tinh không gian và từ máy bay cho thấy rõ quy mô của hoạt động buôn lậu dầu và các sản phẩm dầu mỏ khác”, ông Putin nói trước phóng viên quốc tế bên lề Hội nghị G-20 ở Antalya.

Cùng ngày, Mỹ phá hủy khoảng 166 xe tải chở dầu của IS. Hai tuần sau, Nga và Mỹ đã thiêu rụi 1.300 xe bồn chở dầu của IS. Và những nghi vấn về gia tộc Erdogan quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu dầu với IS bắt đầu nổi lên.

Những tuyến đường dầu lậu của IS.

Báo Al Araby al Jadeed (trụ sở tòa soạn ở London, Anh), chủ sở hữu Tập đoàn truyền thông Qatar Fadaat tuyên bố đã thu được rất nhiều thông tin về tuyến đường buôn lậu dầu của IS với Thổ Nhĩ Kỳ từ một đại tá (giấu danh tính) trong Cơ quan Tình báo Iraq.

Thông tin này đã được kiểm chứng bởi các quan chức an ninh thuộc cộng đồng người Kurd, lính biên phòng tại đồn biên phòng Ibrahim Khalil thường băng qua biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq –khu vực có đông người Kurdistan sinh sống, và một quan chức của 1 trong 3 công ty dầu khí thường giao dịch dầu lậu với IS

Viên đại tá Iraq, người cùng với các nhà điều tra Mỹ đang tích cực tìm cách ngăn chặn nguồn tài chính tài trợ cho khủng bố đã cho al Ataby biết từng giai đoạn dầu lậu trải qua từ nơi khai thác ở những giếng dầu Iraq đến điểm dừng cuối cùng, đáng chú ý bao gồm có cảng Ashdod, Israel.

 Sau khi dầu được chiết xuất và nạp vào bồn chứa, những chiếc xe bồn rời tỉnh Nineveh và tiến đến phía Bắc thành phố Zakho, cách phía Bắc Mosul”, viên đại tá cho biết. Zakho là một thành phố của Iraq nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó, những chiếc xe tải chở dầu của IS đến Zakho, thông thường có từ 70-100 trong cùng mộ thời điểm sẽ gặp những tên mafia buôn lậu dầu, chúng là người Syria và người dân tộc thiểu số Kurd ở Iraq, ngoài ra còn có một số người Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Người phụ trách lô dầu sẽ bán dầu cho người trả giá cao nhất. 

Bên thắng thầu trả từ 10-25% tổng giá trị dầu tính bằng dollar Mỹ, số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau. Tài xế bàn giao xe của họ cho những tài xế khác, những người này có giấy tờ hợp pháp để vượt qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ cùng với lô dầu đó. Những tài xế đầu tiên được giao xe không có dầu để lái về khu vực bị IS kiểm soát. Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn xe tải tiếp tục đến thành phố Silopi, ở đây dầu được giao cho một người có biệt danh Tiến sĩ Farid Hajji Farid còn gọi là “bác” Farid.

Farid là một người có hai quốc tịch Israel-Hy Lạp, khoảng 50 tuổi. Ông ta thường xuyên được hộ tống bởi 2 tay súng đi trên một chiếc xe Jeep Cherokee sơn đen. Khi vào sâu bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, người ta khó có thể phân biệt dầu lậu IS với dầu được bán bởi chính quyền khu vực KurdistaN (KRG). Những doanh nghiệp mua dầu KRG cũng mua dầu lậu của IS- theo đại tá tình báo Iraq.

Tiếp theo, Al Araby al Jadeed cho biết, một số doanh nghiệp mà tờ báo này từ chối nêu tên, thường chuyển dầu bằng tàu biển từ các cảng Mersin, Dortyol và Ceyhan đến Israel. Hiện nay, cũng dấy lên nghi vấn liệu tổ chức khủng bố IS có “rửa tiền” thông qua một công ty vận tải hàng hải do Bilal Erdogan làm chủ sở hữu.

Bilal Erdogan (giữa) gặp gỡ 2 “đối tác” nghi là thành viên IS để bàn “việc làm ăn”.

“Tập đoàn BMZ, một doanh nghiệp được sở hữu bởi Bilal Erdogan con trai Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cùng với các thành viên khác trong gia đình đã mua 2 tàu chở dầu trong 2 tháng qua với giá 36 triệu USD”, báo Thời đại đưa tin trong tháng 9-2015.

Một người khẳng định, gia đình Erdogan đang buôn lậu dầu với IS là Bộ trưởng Thông tin Syria, ông Omran al Zoubi, người thẳng thắn tuyên bố vào ngày 27-11. “Dầu được giao cho một công ty thuộc quyền sở hữu của con trai ông Recep Tayyip Erdogan. Đây là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng khi Nga bắt đầu tiến hành không kích đánh sập cơ sở hạ tầng và phá hủy hơn 500 chiếc xe tải chờ dầu lậu của IS. Điều này khiến Bilal Erdogan và doanh nghiệp của anh ta lo lắng. Họ không chỉ nhập lậu dầu mà còn cả lúa mì cũng như đồ cổ”.

Cựu cố vấn An ninh Iraq, ông Mowaffak al Rubaie đăng một bài viết trên trang Facebook cá nhân vào ngày 28-11. “Người Thổ Nhĩ Kỳ giúp các tổ chức phiến quân bán dầu ăn trộm của người dân Iraq và Syria với giá 20 USD/thùng, tức bằng 1 nửa giá thị trường”.

Trong tháng 10-2014, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu chấn động tại Đại học Harvard rằng: "Chế độ Erdogan đang hỗ trợ IS hàng trăm triệu USD và hàng ngàn tấn vũ khí”. Nhưng sau đó, ông Biden đã phải “xin lỗi” Ankara vì lý do kỹ thuật để Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Không quân Mỹ sử dụng căn cứ Incirlik thực hiện những cuộc không kích chống IS ở Syria.

Ông Gursel Tekin-phó chủ tịch Đảng Cộng hòa Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ (CHP) đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Erdogan khẳng định theo công ước vận tải quốc tế không phát hiện thấy hoạt động của Bilal là bất hợp pháp và con trai ông đang làm ăn bình thường với một số doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh ở Nhật Bản, nhưng thực chất Bilal Erdogan đang đồng lõa với khủng bố (?), cứ miễn là cha của anh ta còn nắm quyền lực, anh ta sẽ không bị truy tố. Ông Tekin cho biết thêm BMZ, tập đoàn vận tải hàng hải của Bilal Erdogan đang giao dịch dầu với IS, đó là một công ty gia đình và những người thân tín với ông Erdogan đều có cổ phần, họ đã sử dụng sai công quỹ và thậm chí  rút ruột các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tiểu sử vắn tắt của Bilal Erdogan

Necmettin Bilai Erdogan, tên thường gọi Bilal Erdogan sinh ngày 23- 4-1980 là con trai thứ 3 cuả Tổng thống đương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông Kartal Imam Hatip vào năm 1980, Bilad Erdgogan được gia đình chuyển đến Mỹ du học. Anh ta nhận bằng Thạc sỹ Khoa Chính trị John F.Kenedy Đại học Harvard năm 2004. Sau khi tốt nghiệp, Bilal từng có thời gian cộng tác tại Ngân hàng Thế giới. Anh ta trở về Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006 và bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh riêng, trở thành 1 trong 3 cổ đông chi phối Tập đoàn BMZ Denizcilik, một doanh nghiệp vận tải hàng hải và hiện đang bị tình nghi buôn lậu dầu với IS.

Phạm Trúc
.
.
.