Colombia – Những câu chuyện cách nửa vòng trái đất

Thứ Bảy, 06/02/2016, 14:45
Đầu tháng 8-2015, tôi may mắn được đi học tập tại Colombia 4 tháng. Sau 28 tiếng xuất phát từ Hà Nội, tôi đã có mặt ở thủ đô Bogota (nằm ở độ cao 2.625 mét so với mực nước biển), thành phố lớn thứ 3 Nam Mỹ với số dân lên đến gần 12 triệu người. Ở thành phố được xem như Colombia thu nhỏ ấy, tôi đã có được cho mình những trải nghiệm mà có thể, nó sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời.


Vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính được sử dụng ở Colombia là tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy, với việc chỉ biết tiếng Anh, những ngày đầu, tôi gặp không ít khó khăn trong việc giao tiếp với người dân bản địa. Cũng giống như ở nhiều quốc gia khác, ở Colombia, tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên đều sử dụng thành thạo tiếng Anh giao tiếp; còn công nhân, người lao động, thậm chí là một bộ phận không nhỏ người dân khác, họ chỉ nói được tiếng Tây Ban Nha.

Tôi bắt đầu theo học tiếng Tây Ban Nha ở Trường Đại học La Sabana, một trong những trường đại học lớn, có uy tín của Colombia. Một thời gian ngắn sau, tôi đã có thể giao tiếp được với người dân ở đây những câu đơn giản nhất. Cộng với “ngôn ngữ hình thể” khi nói, tôi dần dần hiểu nhiều hơn những điều người ta nói với tôi. Và chính vì thế, tôi có điều kiện hiểu hơn về những nơi tôi đến, những con người tôi gặp.

Nếu bạn hỏi tôi ấn tượng nhất về đất nước Colombia là gì? Tôi xin mạnh dạn trả lời rằng, đó là con người và văn hóa của quốc gia này. Ngay khi đặt chân đến Colombia, chúng tôi được Bộ Ngoại giao của nước bạn tiếp đón rất tình cảm. Họ bố trí cho chúng tôi chỗ ăn ở. Hằng ngày có người dọn phòng, giặt quần áo sạch sẽ, nấu cho ăn trong suốt 4 tháng chúng tôi ở đây.

Người biểu diễn giao lưu với tác giả trên tuyến phố đi bộ.

Ở Colombia, người ta ít ăn gạo hơn là ở Việt Nam. Thức ăn của họ chủ yếu là các loại súp, bánh mì, bơ, phomai… Biết vậy, bác chủ nhà nơi tôi ở, luôn ưu tiên nấu cơm cho tôi ăn. Ngoài ra, bác còn thường xuyên hỏi tôi rồi cố gắng chế biến những món ăn sao cho gần gũi với món ăn Việt Nam nhất, như là trứng rán, khoai tây hầm thịt bò, rau xà lách… Vậy là giữa một đất nước cách nửa vòng trái đất, tôi vẫn được ăn những món gần giống như ở quê hương mình.

Tôi còn có thể cảm nhận được sự mến khách đến ấm lòng của người dân Colombia ở nhiều nơi tôi đặt chân đến. Câu cửa miệng của người Colombia khi gặp bất cứ ai là “hola” (xin chào) và luôn kèm theo một nụ cười thân thiện. Khi bạn cần hỏi đường hay mong muốn sự giúp đỡ, dường như bất kỳ người nào bạn gặp trên đường phố cũng có thể nhiệt tình dành thời gian để hướng dẫn tỉ mỉ với thái độ gần gũi và vui vẻ.

Sự mến khách đến ấm lòng của người dân Colombia.

Có một lần tôi cùng anh bạn đang cần tìm đến một trung tâm mua sắm ở Bogota. Khi chúng tôi vừa xuống chiếc xe bus nhanh (ở Colombia gọi là hệ thống Tran Milenio) và bắt đầu đi bộ thì tình cờ gặp 2 cậu thanh niên đang đi 2 chiếc xe đạp (xe đạp chỉ dùng cho 1 người), hai anh bạn ấy vui vẻ xuống xe, sau đó đi bộ cùng chúng tôi quãng đường khoảng hơn 1km đến tận nơi cần tìm.

Ý thức của người dân nơi đây cũng là điều mà tôi học hỏi được rất nhiều. Tôi ít thấy người dân Bogota xả rác ra đường hay làm ảnh hưởng đến người khác ở các nơi công cộng. Bên cạnh đó, văn hóa xếp hàng là một trong những phản xạ vô điều kiện của người dân nơi đây. Ví dụ như để mua được một suất ăn, tôi sẽ đứng xếp hàng khoảng 30 - 45 phút (vào giờ cao điểm) chờ đến lượt của mình. Sau đó, tôi cũng có thể phải xếp hàng thêm khoảng 5-10 phút để trả tiền cho suất ăn đó.

Thậm chí, ở Bogota, người dân đứng ở ngoài đường bắt taxi, không ai bảo ai tất cả đều tự giác đứng xếp hàng dọc theo chiều dài tuyến đường. Tuy nhiên, người Colombia xếp hàng nghiêm ngắn, im lặng một cách tự nguyện mà không hề tỏ bất kỳ thái độ mất lịch sự nào. Không bao giờ có tình trạng chen lấn xô đẩy hay không đứng vào hàng. Dù bạn là một người có địa vị xã hội quan trọng thì bạn cũng sẽ phải xếp hàng hệt như những người dân bình thường mà không hề có bất kỳ sự ưu tiên nào.

Bogota là một trong những thành phố lâu đời nhất của Colombia. Vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha nên Bogota được qui hoạch khá bài bản và qui củ. Trung tâm của Bogota vẫn còn bảo tồn được tương đối tốt các kiến trúc theo phong cách Tây Ban Nha cổ. Những ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm, nằm san sát được xây dựng theo cùng một kiểu kiến trúc. Chúng có thể được sơn màu giống nhau, hoặc cũng có thể mỗi ngôi nhà một màu để tạo nên sự pha trộn, đa dạng về màu sắc nhằm làm nổi bật cho cả một khu phố cổ.

Nếu như nhạc Salsa được coi là quốc nhạc của Colombia, thì tuyến phố đi bộ sẽ là một trong những nơi công cộng biểu diễn âm nhạc Salsa nhiều nhất. Tại đây, sẽ có những ban nhạc chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư biểu diễn giữa đường phố. Du khách đến đấy sẽ vây lấy xung quanh, lắng nghe, thưởng thức các bản nhạc, những bài hát hay nổi tiếng của đất nước họ. Nhiều người đi qua nghe thấy tiếng nhạc thì bước đi của họ dường như cũng khẽ lay chuyển, rung lắc theo điệu nhạc quyến rũ.

Những người có mặt tại tuyến phố đi bộ này khá đa dạng về tầng lớp, địa vị xã hội, xuất thân. Có người giàu, người nghèo, người vô gia cư, tạo nên sự đa dạng văn hóa. Đó là sự xuất hiện của những loại hình trò chơi hiện đại hay hoang sơ ngay giữa lòng thủ đô Bogota hiện đại, giàu có. Từ những loại hình nghệ thuật khác như vẽ tranh bằng bình xịt được phun ra từ lửa; biểu diễn hài; đua chuột đến các trò mạo hiểm như ăn bóng điện, nằm mình trần lăn trên thủy tinh…

Bên cạnh căn hộ tôi ở có một quán cà phê nhỏ mà công nhân xây dựng hay lui tới. Ở Colombia - đất nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, thì cà phê được coi là thức uống phổ biến nhất, thậm chí nó được uống như một thứ nước giải khát. Một cốc cà phê đen ở những quán như thế này có giá khoảng 10 nghìn đồng. Còn một cốc cà phê sữa có giá 15 nghìn đồng.

Còn nhớ, lần đầu tiên tôi vào quán này, bác chủ quán có tên Natalia (65 tuổi) đã mến vị khách da vàng một cách đặc biệt. Bác rót cà phê cho tôi uống đến 2 cốc, nhưng sau đó nhất quyết không lấy tiền. Có một lần đến giờ trưa, các công nhân vào quán của bác để ăn, đúng lúc tôi đi học về ngang qua. Tôi vào và hỏi mua một suất cơm, bác Natalia vui vẻ bưng ra một suất mời tôi ăn. Mãi về sau tôi mới biết, hằng ngày, bác chỉ nấu cơm đủ theo số suất mà người ta đã đặt trước. Còn đĩa cơm hôm ấy tôi ăn là bác đã dành phần của mình cho tôi và không lấy tiền. Khoảng một tháng sau, bác gọi tôi là con, còn tôi gọi bác là mẹ - người mẹ Colombia.

Cộng hòa Colombia là một quốc gia nằm ở Nam Mỹ, phía Đông giáp Venezuela và Brasil; phía Nam giáp Ecuador và Peru; phía Bắc giáp Đại Tây Dương qua biển Caribe và phía Tây giáp Panama và Thái Bình Dương. Colombia là nước lớn thứ 4 Nam Mỹ, với diện tích gấp khoảng ba lần Việt Nam trong khi dân số chỉ bằng một nửa nước ta (khoảng 45 triệu dân).

Tên gọi Colombia lấy theo tên của Christopher Columbus (người đầu tiên phát hiện ra châu Mỹ). Tên này được áp dụng bởi Cộng hòa Colombia năm 1819, thành lập bởi liên bang của Venezuela, New Granada và Ecuador. Năm 1830, khi Venezuela và Ecuador ly khai, vùng đất còn lại trở thành một quốc gia gọi là Cộng hòa Tân Granada. Năm 1863 đổi tên chính thức thành Hợp chúng quốc Colombia và đến năm 1886 đổi thành tên như ngày nay.

Cảnh Vũ
.
.
.