Chân dung tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Thứ Tư, 14/03/2018, 07:11
Sau 14 tháng sóng gió, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố sa thải ông Rex Tillerson ngày 13-3 và bổ nhiệm ông Mike Pompeo thay thế chức vụ người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ.
Ông Mike Pompeo, người được đề cử giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh Reuters.

Hơn tất cả, điều khiến ông Mike Pompeo, một cựu binh, thương gia và nguyên giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, được Tổng thống lựa chọn cho chiếc ghế ngoại trưởng, chính là sự tương đồng trong quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có Iran cũng như Hiệp định Paris.

Ông Mike Pompeo, 54 tuổi, nếu được Thượng viện thông qua, sẽ trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ với trọng trách nặng nề trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Triều Tiên vẫn chỉ đang nhen nhóm.

Phát biểu trước báo giới ngày 13-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngợi khen ông Pompeo mang một "nguồn năng lượng lớn, một trí tuệ lớn" và cho rằng ông sẽ trở thành một "ngoại trưởng tuyệt vời".

Tổng thống Mỹ cũng không quên nhấn mạnh về mối quan hệ tốt đẹp giữa ông và ông Pompeo, người có nhiều quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế.

"Tôi đã làm việc với Mike Pompeo trong một khoảng thời gian khá dài, người có một nguồn năng lượng to lớn, trí tuệ to lớn, chúng tôi luôn có cùng bước sóng quan điểm. Chúng tôi có mối quan hệ tốt và đó là điều tôi cần đối với một Ngoại trưởng", ông Trump nhấn mạnh.

Ông Pompeo thực sự là một người nổi bật. Theo The Guardian, Ông từng học trường Luật Harvard và tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự West Point. Ông cũng từng làm luật sư chuyên về doanh nghiệp, một doanh nhân thành công. Hiện 54 tuổi, ông là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) được hơn 1 năm nay. 

Tuy nhiên, ông Pompeo, cũng giống chư ông Tillerson, lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao.

Ông Pompeo là từng là hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Kansas trong ba nhiệm kỳ, từng là thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện, sau đó được bổ nhiệm trở thành giám đốc CIA hồi tháng 1-2017. 

Trong thời gian cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông này công khai chỉ trích thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cách cựu ngoại trưởng Hillary Clinton giải quyết vụ tấn công vào các cơ sở Mỹ ở Benghazi, Libya, năm 2012, và cho rằng cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden là kẻ phản bội, xứng đáng lĩnh án tử hình.

Nếu đề cử được thông qua, ông Pompeo sẽ là người có vai trò quan trọng trong đàm phán Mỹ-Triều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trái ngược với quan điểm mềm mỏng của người tiền nhiệm, ông Pompeo lại rất cứng rắn về vấn đề này khi gần đây tuyên bố Mỹ sẽ không nhượng bộ với Triều Tiên. "Đừng ảo tưởng, khi vẫn đang đàm phán, chúng tôi sẽ không có chút nhượng bộ nào", ông Pompeo phát biểu trên Fox News ngày 11-3.

Chính vì lẽ đó, nhiều người nhận định số phận các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ gặp trắc trở dưới thời ngoại trưởng Pompeo.

Dù được coi là người "bắt sóng" rất nhuần nhuyễn với tổng thống cũng như có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên, ông Pompeo lại có quan điểm "hiếu chiến" với Nga, coi Nga là mối đe dọa an ninh tiềm tàng, phần nào ngược ông Trump, người muốn cải thiện quan hệ với Moscow. 

Ông Pompeo có quan điểm bảo vệ chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và chống lại việc đóng cửa nhà tù tai tiếng ở Vịnh Guantanamo. Ông bảo vệ các hình thức tra tấn của CIA và cho rằng CIA không phải những kẻ "tra tấn, mà là yêu nước".

Cũng chính vì lẽ đó, nhiều người lo ngại việc ông Trump sa thải ông Tillerson và bổ nhiệm ông Pompeo có thể sẽ làm suy yếu nước Mỹ, theo New York Times.

Duy Tiến
.
.
.