Nhìn lại 3 lần kênh đào Suez bị bịt kín

Thứ Hai, 29/03/2021, 15:00
Việc kênh đào Suez bị bịt kín nhiều ngày liên tục do sự cố với siêu tàu vận tải Ever Given khiến nhiều tàu hàng phải lựa chọn tuyến đường khác xa hơn, tốn thời gian hơn và nguy hiểm hơn nhiều lần, song đây không phải lần đầu kênh đào này gặp sự cố.

Một tuần tắc nghẽn vì tàu Ever Given

Sau 6 ngày nỗ lực, tàu hàng Ever Given đã tự nổi từ rạng sáng nay (29/3, giờ địa phương) và đang được lai dắt qua kênh đào Suez, nơi nó mắc kẹt từ sáng 24/3 sau khi đâm vào một bên bờ kênh rồi nằm vắt ngang, chặn kín tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới nối biển Đỏ và Địa Trung Hải.

Tàu Ever Given chắn ngang kênh Suez suốt 6 ngày. Ảnh: Maxar

Theo thông báo của giới chức Ai Cập, các đội cứu hộ ngày 28/3 đã tăng cường đào nạo vét quanh tàu Ever Given. Họ hi vọng làm cho tàu tự nổi trở lại bằng cách nạo vét cát lúc thủy triều xuống và kéo tàu lúc thủy triều lên. Tính đến ngày 27/3, các tàu đã nạo vét khoảng 28.000 tấn cát xung quanh mũi tàu, theo Reuters.

Hãng tin AFP dẫn nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm Đức Allianz cho biết vụ tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỉ USD mỗi ngày. Tuyến đường này là nơi vận chuyển tới 10-12% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

Việc kênh đào Suez gặp sự cố khiến nhiều hãng vận tải biển quyết định hướng các con tàu di chuyển quanh mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) của châu Phi, tuyến đường xa hơn, tốn kém hơn tuyến truyền thống đi qua kênh Suez.

Tuyến đường đi qua Mũi Hảo Vọng xa hơn và nguy hiểm hơn đáng kể. Ảnh: BBC

Tuyến đường đi qua Mũi Hảo Vọng cũng khiến các con tàu đối mặt với nguy cơ cao bị cướp biển tấn công. Theo Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), đã có 135 vụ bắt cóc hàng hải được ghi nhận trong năm 2020, trong đó 130 xảy ra ở Vịnh Guinea.

Trong khi đó, doanh thu mỗi ngày của kênh đào trước sự cố vào khoảng 14-15 triệu USD. Hàng năm, kênh đào đóng góp tới 2% GDP cho Ai Cập. 6 ngày bị phong tỏa cũng đã gây ra thiệt hại đáng kể cho Cairo.

Tướng Osama Rabie, người đứng đầu Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, cho biết ít nhất 369 tàu đang đợi đi qua kênh đào, gồm hàng chục tàu container, các tàu chở khí tự nhiên, tàu chở dầu, tàu hàng hóa.

Một số chuyên gia ước tính trị giá của lô hàng hóa chờ lưu thông qua kênh lên đến 10 tỷ USD. Ông Rabie nói rằng khi kênh hoạt động trở lại, các chủ tàu hàng sẽ được giảm giá vé qua kênh đào.

Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956

Từ khi kênh đào Suez được đưa vào khai thác vào năm 1869, nó đã giúp hàng trăm ngàn con tàu khỏi phải đi thêm 6.000 km vòng qua châu Phi. Tuy nhiên, sự cố với tàu Ever Given không phải lần đầu tiên kênh đào này bị buộc phải đóng cửa.

Vào năm 1956, cuộc khủng hoảng liên quan trực tiếp đến con kênh này đã nổ ra sau khi Tổng thống Ai Cập đương thời Abdel Nasser quyết định quốc hữu hóa nó để lấy tiền xây đập Aswan, do Mỹ đã cắt viện trợ tài chính vì Ai Cập kí một thương vụ mua vũ khí từ Liên Xô.

Kênh đào Suez vào năm 1956. Ảnh: ITN

Vào thời điểm đó, kênh Suez vẫn thuộc quyền kiểm soát của các cổ đông châu Âu, bất chấp việc Ai Cập đã giành được độc lập từ Anh. Pháp, Anh và Israel sau đó lên tiếng chỉ trích Ai Cập, coi đây là hành động gây phương hại tới an ninh của họ.

Với Anh, kênh Suez là một biểu tượng của đế quốc và là tuyến huyết mạch kết nối các căn cứ của họ ở Trung Đông, châu Phi. Với Pháp, họ lo ngại hành động trên sẽ khiến ông Nasser đẩy mạnh hỗ trợ lực lượng nổi dậy Algeria đấu tranh giành độc lập từ Pháp. Còn Israel, nước này khi đó coi Ai Cập là một đối thủ nguy hiểm hàng đầu và lo ngại Ai Cập sẽ phong tỏa eo biển Tiran, khu vực kết nối tàu bè Israel với biển Đỏ.

Cuối tháng 10 cùng năm, Israel khởi động chiến dịch quân sự chống Ai Cập. Anh và Pháp sau đó lấy cớ triển khai lực lượng tới can dự. Kênh đào Suez sau đó buộc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, cuộc chiến do Anh, Pháp, Israel phát động đã bị Liên Xô và Mỹ phản đối. Liên Xô thậm chí cảnh báo tấn công hạt nhân chống lại ba nước nêu trên nếu binh sĩ của họ không rút lui; còn Mỹ đe dọa cấm vận Israel, cắt nguồn cung dầu cho Anh.

Đến đầu năm 1957, dưới một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc chủ trì, căng thẳng được giải quyết. Thỏa thuận trên cũng đánh dấu lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực này. Kết quả hòa bình cũng được xem là một chiến thắng cho chủ nghĩa dân tộc tại Ai Cập. Kênh đào Suez sau đó cũng được mở trở lại cho tàu bè lưu thông.

8 năm bị phong tỏa vì chiến tranh

Gần một thập kỉ sau cuộc khủng hoảng 1956, vào năm 1967, Ai Cập và các nước Arab trong khu vực đã lao vào cuộc chiến mang tên "Chiến tranh 6 ngày" với Israel. Thời điểm đó, kênh Suez được xem là tiền tuyến giữa lực lượng của hai bên tham chiến, khiến nó bị đóng cửa với tàu bè thương mại.

Sau cuộc chiến tranh năm 1967, Israel kiểm soát bán đảo Sinai nằm ở bờ Đông kênh Suez. Ảnh: BBC

Tuy thời gian chiến sự rất ngắn, nhưng Israel đã đánh chiếm được bán đảo Sinai từ tay lực lượng Ai Cập và duy trì kiểm soát bờ Đông kênh đào Suez, trong khi Ai Cập chỉ còn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ở phía bờ Tây con kênh.

Những năm sau đó, Ai Cập cố gắng giành lại khu vực từ tay Tel Aviv. Nhằm ngăn Israel sử dụng kênh đào, Ai Cập đã chặn cả hai đầu kênh Suez. Những con tàu bị đánh đắm, ngư lôi đã khiến kênh đào không thể được sử dụng cho tới tận năm 1975, thời điểm Israel và Ai Cập kí thỏa thuận ngừng bắn sau một cuộc chiến khác mang tên Chiến tranh Yom Kippur.

Trong quãng thời gian kênh đào bị phong tỏa, có 14 tàu hàng (treo cờ Đức, Thụy Điển, Pháp, Anh, Mỹ, Ba Lan, Bulgaria và Tiệp Khắc) đã mắc kẹt tại đây: Chúng đi vào kênh đào trước khi chiến sự nổ ra và không thể thoát ra ngoài do giao tranh căng thẳng.

Những con tàu bị mắc kẹt trên kênh Suez khi chiến sự giữa Ai Cập và Israel nổ ra. Ảnh: Seavessels

Sau này, nhóm tàu được gọi tên là “Hạm đội vàng - Yellow Fleet” do bị lớp cát sa mạc phủ kín bên ngoài. Đến khi kênh đào được mở trở lại, chỉ 2 con tàu còn khả năng tự di chuyển. Số tàu còn lại phải lai dắt ra ngoài để sửa chữa, thậm chí không thể sử dụng tiếp.

Nhiều người khi đó lo ngại kênh Suez không thể hoạt động sau 8 năm đóng cửa, do nó không được nạo vét. Tuy nhiên các chuyên gia phát hiện 90% lượng phù sa lắng đọng trong kênh là từ dòng chảy do chân vịt của những chiếc tàu vận tải cỡ lỡn tạo ra. Và do tàu bè không hoạt động trong 8 năm đóng cửa, lòng kênh vẫn sạch sẽ và có thể sử dụng trở lại lập tức.

Thiện Nhân (tổng hợp)
.
.
.