Nỗi lo mang tên Suez

Thứ Hai, 29/03/2021, 07:45
Mặc dù Ever Given đã hơi “nhúc nhích”, nhưng chưa rõ tới khi nào dòng chảy thương mại hàng hải thế giới đi qua Kênh đào Suez mới có thể lưu thông. Vụ việc này được đánh giá là có thể khiến hoạt động giao thương toàn cầu rơi vào kịch bản tồi tệ.


Tàu container mắc kẹt có thể  gây thiệt hại cho thế giới đáng kể. Sự cố với tàu Ever Given xảy ra đúng vào thời điểm cực kỳ khó khăn với các chuỗi cung toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ hoạt động tàu biển toàn cầu, khiến nhiều container rộng mắc kẹt ở những nơi không cần tới. Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô đang vội vã giải quyết tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang khiến nhiều nhà máy ở nhiều nước phải đóng cửa. 

Theo tính toán của Công ty Tin tức và dữ liệu Vận tải biển Lloyd, vụ tàu mắc kẹt đang khiến mỗi giờ có hàng hoá trị giá 400 triệu USD bị ách lại. Ước tính lưu lượng hàng hoá phía Tây Kênh đào Suez trị giá 5,1 tỷ USD/ngày, phía Đông trị giá 4,5 tỷ USD/ngày. 

Trong khi đó, một nghiên cứu của Allianz – nhà bảo hiểm tàu biển hàng đầu của Đức - ngày 26/3 cho biết, hoạt động vận tải qua Kênh đào Suez bị tắc nghẽn có thể gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu từ 6 đến 10 tỷ USD trong một tuần. 

Nghiên cứu này cũng cho biết, thời gian giao hàng ở Mỹ đã bị trễ hơn hai lần, trong khi lượng hàng tồn kho đang dần cạn kiệt trong bối cảnh những kỳ vọng về gói kích cầu khổng lồ của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. 

Theo số liệu của SCA, trong năm 2020, khoảng 12% giao thương toàn cầu đi qua Kênh đào Suez với tổng số 18.829 tàu chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa. Mỗi ngày, kênh đào này đón lượng hàng hóa trị giá 10 tỷ USD. Trong khi đó, dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, phương thức vận tải chính của thương mại toàn cầu là vận tải hàng hải với khoảng 90% hàng hóa giao dịch được chuyển thông qua đường biển. 

Cơ quan định giá độc lập quốc tế về các thị trường năng lượng và hàng hóa Argus Media dự báo, do sự đình trệ của Kênh đào Suez, giá container phế liệu sắt dự kiến sẽ tăng lên 900 USD/container cho tuyến vận tải từ Mỹ đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 1/4 tới, so với mức tương ứng 800 USD/container của tháng 3. 

Còn theo báo cáo mới công bố của tổ chức Conversation Africa, vụ việc này có thể khiến hoạt động giao thương toàn cầu rơi vào kịch bản tồi tệ. Báo cáo nhận định, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, công tác giải cứu và làm nổi lại tàu Ever Given là một quy trình phức tạp, đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng và có thể mất nhiều thời gian.

Tàu Ever Given bị mắc kẹt tại Kênh đào Suez. Ảnh: Reuters

Hôm 23/3 vừa qua, siêu tàu chở hàng Ever Given, từ Malaysia đi Hà Lan, bất ngờ gặp sự cố sau khi bị mất lái do tác động từ một trận bão cát và điều kiện thời tiết xấu, khiến lưu thông cả hai chiều bị chặn trên tuyến kênh nối Địa Trung Hải với Hồng Hải và là tuyến hàng hải quan trọng kết nối Âu-Á. 

Hơn 300 tàu khác bị tắc nghẽn ở hai đầu kênh đào dài khoảng 190km này. Đặc biệt, nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt tại đây được cho là nguyên nhân khiến giá dầu tăng khoảng 5%. 

Tính tới ngày 26/3, lực lượng cứu hộ đã vét khoảng 20.000 tấn cát quanh mũi tàu. Nỗ lực kéo tàu được khởi động lại vào chiều 27/3 và tập trung hơn nữa trong ngày 28/3. Nhờ đó, chân vịt đã có thể quay mặc dù chưa đạt vận tốc tối đa và tàu đã nhích được 0,4 độ về phía Nam. 

SCA cho biết, có thể vẫn cần phải hút thêm cát quanh con tàu để giải phóng nó. Nếu các nỗ lực thành công kết hợp cùng thủy triều cao, con tàu có thể di chuyển vào đầu tuần tới. 

SCA hi vọng họ sẽ không phải dỡ hàng trăm container khỏi tàu nhằm giảm trọng tải của nó, nhưng thủy triều và gió lớn đang cản trở nhiều nỗ lực giải cứu con tàu khỏi vị trí mắc cạn. 

Theo Công ty Tàu biển Nhật Bản Shoei Kisen KK, đơn vị sở hữu siêu tàu Ever Given, hiện con tàu vẫn trong tình trạng tốt, không bị hư hỏng.

Liên quan tới nguyên nhân của vụ việc, người đứng đầu SCA Osama Rabie khẳng định, gió mạnh và các yếu tố thời tiết không phải là nguyên nhân chính khiến con tàu mắc cạn, mà có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người. Tất cả những yếu tố này sẽ được làm rõ trong quá trình điều tra. Dự báo về thời điểm con tàu có thể nổi trở lại, ông Osama Rabie cho rằng điều đó tùy thuộc vào khả năng thích ứng của con tàu đối với thủy triều. 

Mặc dù hôm 26/3 chân vịt đã có thể quay nhưng thủy triều thay đổi khiến nó lại mắc kẹt và các đội cứu hộ phải sử dụng máy đào để tiếp tục quá trình nạo vét. Hiện 14 tàu kéo đã được huy động cho quá trình giải cứu tàu mắc cạn. 

Theo SCA, vụ tàu Ever Given mắc cạn không gây thương vong hay ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công ty giải cứu tàu nổi tiếng Boskalis của Hà Lan, chủ sở hữu đơn vị phản ứng nhanh Smit Salvage, đang hỗ trợ công tác cứu hộ, cho biết tàu Ever Given có thể được giải cứu vào đầu tuần tới nếu các tàu cứu hộ có sức kéo mạnh hơn, công tác nạo vét và thủy triều dâng giúp dịch chuyển thành công con tàu này. 

Trong trường hợp không thể làm tàu Ever Given di chuyển trong tuần sau, khoảng 600 container hàng hóa ở mũi tàu sẽ phải tháo dỡ để giảm tải cho tàu. Tuy nhiên, theo SCA, giải pháp này cũng rất nan giải, kéo dài nhiều ngày vì tìm vị trí chứa các container này cũng là bài toán khó. 

Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia đang tính toán, ngay cả khi giải phóng thành công tàu Ever Given, lượng lớn tàu hàng bị dồn vào 2 đầu kênh đào Suez cũng sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn ở khu vực này không thể giải quyết được ngay. Một công ty vận tải biển tiết lộ là SCA đã thông báo cho các đại lý chuẩn bị sẵn sàng để đưa các tàu mới vào kênh. 

Một nguồn tin khác cho biết SCA đã có kế hoạch thông hành nhanh chóng cho 133 tàu trung chuyển qua đây ngay sau khi tàu Ever Given được giải phóng. Cùng chung nỗ lực này, lực lượng hải quân Mỹ tại Trung Đông cũng tuyên bố đã sẵn sàng triển khai lực lượng để giải cứu tàu Ever Given. Một đội cứu hộ Hà Lan cũng đã điều động thêm 2 tàu kéo nữa sẽ đến Suez để hỗ trợ lực lượng chức năng Ai Cập. 

Trong khi, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ cũng có thể cử 1 tàu xử lý đến kênh đào để giúp Ai Cập, trong bối cảnh hai nước đang thúc đẩy hàn gắn quan hệ sau nhiều năm căng thẳng.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.