8 năm sau thảm họa Fukushima: Hoa vẫn nở trên những hoang tàn

Thứ Hai, 11/03/2019, 16:48
Hậu thảm họa kép xảy ra ngày 11-3-2011 tại khu vực đông bắc Nhật Bản, gần 500.000 người dân đã buộc phải sơ tán, nhiều làng mạc và khu dân cư ở Fukushima trở thành những vùng cấm. 8 năm sau thảm họa, chỉ khoảng 1/4 số dân quyết định trở về, và một vài trong số họ đã tiết lộ lý do vì sao.

Ngày 11-3-2011 là một ngày không thể quên trong ký ức của người dân Nhật Bản, đó là ngày thảm họa kép động đất và sóng thần ập vào khu vực đông bắc đất nước Mặt trời mọc, cướp đi sinh mạng của gần 19.000 người, gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima chưa từng có trong lịch sử. 

8 năm trôi qua, với những nỗ lực chưa ngừng nghỉ của chính phủ và người dân Nhật Bản, cuộc sống đã dần hồi sinh trên mảnh đất Fukushima, vốn tưởng như sẽ chẳng khi nào bình thường trở lại.

Những chiếc ô tô bị bỏ hoang được bao phủ bởi cỏ dại ở thị trấn Okuma, Fukushima, vào tháng 2-2019. Ảnh: Issei Kato / Reuters

Màn rước đuốc của Nhật Bản trong Thế vận hội Tokyo 2020 cũng sẽ bắt đầu tại Làng J, nơi từng được dùng làm trung tâm ứng phó với khủng hoảng sau thảm họa kép, giờ đã được khôi phục đúng vai trò của nó, đó là một tổ hợp đào tạo bóng đá.

Những cửa hiệu mới, những nhà hàng và những tòa nhà công cộng đã được phục hồi để phục vụ một số lượng công dân, dù rất nhỏ, quyết định trở lại nơi thảm họa xảy ra. Dù sự hồi sinh còn dè dặt, nỗi e ngại vẫn tiềm tàng, nhưng người dân nơi đây vẫn lạc quan vào tương lai tươi sáng hơn.

Trên hành trình trở về Fukushima, Justin McCurry, phóng viên của trang The Guardian đã ghi lại những sự thay đổi tại nơi đây, cùng câu chuyện của những con người can đảm trở lại sinh sống tại vùng đất này.

Người "giữ hồn" cho đất

 Ông Seimei Sasaki bên ngoài ngôi nhà của gia đình mình.

Suốt 8 năm qua, ông Seimei Sasaki trở nên nổi tiếng trong cộng đồng cư dân di tản bởi luôn tích cực tham gia các hoạt động xây dựng ý thức cộng đồng thông qua các thói quen tập thể dục buổi sáng. Ở tuổi 93, ông vẫn là một tài xế tận tụy, thường được người dân nhận ra trên những con đường ở Odaka, Fukushima, nơi được coi là gốc rễ của dòng họ ông gần 500 năm về trước. 

Trở về căn nhà gỗ thân thuộc mà ông từng phải rời đi 8 năm trước, ông Sasaki kể lại, khu phố này từng là ngôi nhà chung của 230 người, nhưng giờ đây chỉ có 23 người, với độ tuổi trung bình trên 70, trở lại sinh sống. Ông quay lại nơi này và quyết định sống một mình ở đây, dẫu ba người con trai của ông đều sống ở gần đó, bởi ông muốn tự lo cho bản thân mình trên mảnh đất tổ tiên để lại.

Dù lo sợ rằng ngôi làng sẽ "tàn lụi dần" vì có quá ít người sinh sống, nhưng ông Sasaki vẫn rất lạc quan vào chính mình. "Sức khỏe của tôi vẫn ổn, tôi vẫn có thể sử dụng các dịch vụ chăm sóc miễn phí vì tôi thuộc diện sơ tán, và tôi vẫn giữ liên lạc với những người bạn mình từ các khu nhà sơ tán trước đây", ông nói.

Ngôi trường nhỏ của hai chị em

 Rumiko (trái) và Eriko Konno ước các em có thể chơi các môn thể thao đồng đội.

Tại ngôi trường của Rumiko và Eriko Konno, việc không được giáo viên chú ý tới là điều khó xảy ra, khi các cô bé là 2 trong số chỉ 7 học sinh đang theo học tại trường tiểu học và trung học Namie Sosei, nằm cách nhà máy điện hạt nhận Fukushima khoảng 2,5 dặm.

Ngôi trường mới được xây dựng bởi nguồn vốn đầu tư của chính phủ với các cơ sở vật chất được trang bị mới, nhằm đưa các gia đình trẻ trở lại Namie, nơi chỉ có 900 trong tổng số 21.000 công dân trở về kể từ sau khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ một phần năm 2017.

Cô Mayumi, mẹ của Rumiko và Eriko chia sẻ, cô đã phải đấu tranh rất nhiều để đưa con quay lại trường học. "Nhưng giờ đây, một năm đã trôi qua, lũ trẻ đã ổn định. Tôi cũng đã tìm được việc và tôi chắc chắn chúng tôi đã quyết định đúng", cô Mayumi cho biết. 

Ông Ryuichi Baba, hiệu trưởng trường Namie Sosei cũng khẳng định, lũ trẻ đã đạt được nhiều tiến bộ trong năm qua, và điều khó khăn nhất với các em là không thể chơi các môn thể thao đồng đội. Nhưng mùa hè tới, ngôi trường Namie Sosei cũng sẽ đón thêm sáu học sinh nữa, mở ra những tương lai lạc quan hơn.

Cỏ dại mọc lên, nhưng cây lúa sẽ luôn chiến thắng

Ông Koichi tin rằng cây lúa sẽ luôn chiến thắng cỏ dại.

Khi ông Koichi Nemoto lần đầu quay trở lại cánh đồng của mình ở làng Momouchi, Fukushima 3 năm trước, ước mơ của ông là được trồng đủ gạo để nuôi sống gia đình. Nhưng lệnh cấm sản xuất lúa gạo buộc ông phải chờ đợi. 

Giờ đây, lệnh cấm đã được dỡ bỏ và người nông dân 81 tuổi này đã bắt đầu trồng lại lúa gạo để cung cấp cho nhà máy rượu sake, siêu thị và cửa hàng gần đó. Ông được coi là người tiên phong trong công nghiệp trồng lúa gạo hữu cơ ở Fukushima.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ ruộng vườn của mình", ông Nemoto nói. “Từng có những tin đồn gây hại về gạo của Fukushima, nhưng mọi thứ đang thay đổi. Bạn bè và họ hàng của tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ăn gạo sản xuất ở đây so với gạo từ những nơi khác vốn không được kiểm nghiệm", ông chia sẻ.

Nhưng ông Nemoto chỉ là một trong tám nông dân ở Momouchi quyết định hồi sinh công việc kinh doanh sau khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ. Điều khiến ông lo lắng nhất giờ đây không phải là chất phóng xạ mà là đám cỏ dại đang lan nhanh trên những mảnh ruộng của ông. "Bạn phải xác định trước điều này khi bạn làm nông nghiệp hữu cơ. Nhưng cuối cùng, cây lúa của tôi vẫn luôn chiến thắng”, ông Nemoto vui vẻ nói.

Những ngôi nhà trọ "mới mà không mới"

 Vợ chồng ông bà Tomoko và Takenori Kobayashi trước dãy nhà trọ của mình.

Khi vợ chồng ông bà Tomoko và Takenori Kobayashi nghe thấy tiếng nổ ở một trong những tòa nhà có lò phản ứng 8 năm trước, họ đã thu gom những tài sản có giá trị và rời xa Futaba-ya, khu nhà trọ truyền thống mà dòng họ Tomoko đã quản lý suốt 4 thế hệ ở quận Odaka.

Vợ chồng bà Tomoko đã không quay lại khu nhà nghỉ của gia đình cho đến tháng 6-2016, khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ tại Okada. Trong khi khu phố lân cận vẫn đang hạn chế tiếp cận, hai ông bà đã quay trở lại thăm khu nhà trọ và trồng những bông hoa bên ngoài nhà ga. "Chúng tôi đã quyết định trở lại trên đôi chân của mình", bà Tomoko kể. 

Kể từ đó, họ tiếp tục gây dựng lại căn nhà trọ cũ và nhanh chóng trở thành chuyên gia về phóng xạ và an toàn thực phẩm. "Chúng tôi vẫn thưởng kiểm tra thức ăn của người dân địa phương suốt 7 năm qua và chúng tôi biết nó an toàn", ông Takenori nói. “"Điều đó khiến chúng tôi thêm tin tưởng để trở về và bắt đầu lại", ông khẳng định.

Giờ đây, khu nhà trọ Futaba-ya chào đón thêm nhiều vị khách mới, những người luôn muốn tìm hiểu về Fukushima. "Chúng tôi muốn mọi người hãy ở đây và quay lại đây với cảm giác họ biết được nhiều hơn về sự thật những gì đã xảy ra”, bà Tomoko chia sẻ. 

Và chuyện những chú bò sữa

 Anh Tetsuji Sakuma hào hứng chia sẻ về đàn bò của mình.

8 năm trước, anh Tetsuji Sakuma từng bất lực đứng nhìn trang trại bò sữa, vốn được ông nội anh đã dày công xây dựng ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, bị phá hủy. Sau nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố, anh phải chứng kiến hàng loạt những chú bò bị chết, số khác bị bán đi hoặc bị giết mổ. Hàng nghìn lít sữa đã bị đổ đi. Những hình ảnh ấy ám ảnh Sakuma và thôi thúc anh trở lại, phục hồi di sản mà ông nội của anh gây dựng bấy lâu nay.

Việc lệnh cấm vận chuyển sữa bò tươi từ Fukushima được dỡ bỏ năm 2017 đã giúp Sakuma hiện thực hóa mong muốn đó. Anh ngay lập tức tìm về khu phố cũ và trở lại công việc kinh doanh. Các cuộc kiểm tra đều chứng minh rằng sữa bò từ trang trại của anh đều an toàn, và thách thức của anh giờ đây là vượt qua nghi ngại từ những khách hàng tiềm năng trong vùng.

Nhiều nông dân địa phương khác đã quyết định bán các trang trại bò vì lo sợ rằng họ quá già để vực dậy doanh nghiệp của mình. Họ lo ngại sản phẩm của họ sẽ mãi mãi bị "vấy bẩn" bởi sự liên kết của nó với thảm họa Fukushima. Vì lẽ đó, chỉ 20% dân số làng, tương đương khoảng 300 người, đã quay trở lại.

Nhưng gia đình Sakuma thì khác. "Nhiều năm qua, chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để trang trại này thành công. Chúng tôi đã tự xây dựng những chuồng bò và giờ đây chúng vẫn đứng vững. Là con trai của một gia đình làm nông nghiệp, tôi quyết tâm mở lại trang trại và cho mọi người thấy rằng, ngay cả ở đây, mọi thứ đều có thể”, anh Sakuma khẳng định.

An Nhiên (Theo TG)
.
.
.