4 nghi vấn xoay quanh vụ việc 44 thủy thủ tàu ngầm Argentina mất tích

Thứ Bảy, 25/11/2017, 12:13
Bước vào ngày thứ  9 của công cuộc tìm kiếm 44 thủy thủ trên chiếc tàu ngầm mất tích ARA San Juan, những tia hi vọng cuối cùng về sự sống dường như đã bị dập tắt, chỉ còn lại hàng loạt nghi vấn không lời giải về số phận của chiếc tàu và những người thủy thủ xấu số.

1. Vì sao chiếc tàu lại phát nổ?

"Một tiếng ồn bất thường, đơn lẻ, ngắn, rất mạnh và phi hạt nhân, có dấu hiệu giống vụ nổ được ghi nhận ngoài khơi Argentina vào thời điểm tàu ngầm ARA San Juan mất tích cùng 44 thành viên thủy thủ đoàn", AFP dẫn lời người phát ngôn hải quân Argentina Enrique Balbi hôm 23-11 cho biết. Song, hải quân Argentina nói rằng hiện họ không có đủ thông tin để kết luận nguyên nhân gây ra vụ nổ và liệu con tàu có phải đã bị tấn công hay không.

Một hình ảnh hiếm hoi của chiếc tàu ngầm ARA San Juan chụp năm 2013 được Hải quân Argentina công bố. Ảnh: Hải quân Argentina

Một nguyên nhân được cho là khả thi dẫn đến việc gây nổ là chiếc tàu ngầm ARA San Juan đã bị chìm xuống "độ sâu sụp đổ" (crush depth/collapse depth) - giới hạn độ sâu khiến các bộ phận của tàu ngầm sẽ không thể chịu được áp lực nước. "Nếu một tàu ngầm lặn xuống độ sâu sụp đổ, nó sẽ chỉ nổ tung mà thôi", một thuyền trưởng về hưu có tên James H Patton Jr tiết lộ với AP. "Sẽ giống một vụ nổ rất, rất lớn mà bất cứ thiết bị nghe nào cũng có thể nhận ra", ông nói thêm. Vào năm 1963, chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân Thresher của Mỹ khi di chuyển gần "độ sâu sụp đổ" (khoảng 400m) đã phát tín hiệu gặp sự cố.

Một nguyên nhân khác có thể xảy ra, đó là do việc tân trang lại tàu. Là một trong ba tàu thuộc hạm đội tàu ngầm của Argentina, tàu ngầm ARA San Juan do Đức đóng được biên chế vào năm 1985 và được tân trang vào năm 2014. Trong lần tân trang mới nhất tiêu tốn tới 16 triệu USD này, các động cơ và pin tàu đã được thay. Giới chuyên gia đánh giá chính việc tân trang có thể sẽ gây khó khăn cho quá trình tích hợp hệ thống  trong tàu ngầm  do các thiết bị được chế tạo bởi nhiều nhà sản xuất khác nhau. Vì vậy, chỉ một sai sót dù rất nhỏ nhỏ trong quá trình sửa sang cũng có thể gây ra rủi ro cho tàu ngầm cùng các thủy thủ.

Ngoài ra, không thể không bàn đến việc có thể bị nổ do động cơ. ARA San Juan là loại tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 do hãng Thyssen Nordseewerke chế tạo, dài 65 m, được trang bị 4 động cơ diesel MTU, 4 máy phát, động cơ điện Siemens cùng 120 khối pin điện, cho phép nó đạt tốc độ tới 46 km/giờ khi lặn. Vào ngày 15-11, ngay trước khi mất liên lạc, thuyền trưởng tàu ARA San Juan từng thông báo về một vụ "đoản mạch" bên trong pin điện của tàu do nước xâm nhập vào tàu qua hệ thống ống thở. Tuy nhiên, chỉ huy hải quân Gabriel Galeazzi, người đứng đầu căn cứ hải quân tại Mar del Plata, cho biết các vấn đề cơ học như vậy không phải là hiếm gặp và hiếm khi gây nguy hiểm. Hôm 23-11, người phát ngôn Hải quân Argentina Enrique Balbi cũng nói rằng hiện không có bằng chứng cho thấy chiếc tàu ngầm gặp vấn đề về pin điện.

2. Các thủy thủ có thể tồn tại trong bao lâu trong tàu?

Dưới các điều kiện bình thường, khi tàu ngầm có đủ nhiên liệu, nước, dầu và khí oxy, tàu có thể vận hành trong 90 ngày mà không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, theo thuyền trưởng Enrique Balbi, hoặc tàu có thể đặt một ống thở hay trồi lên mặt nước để sạc pin và lấy dưỡng khi.

Các lực lượng tìm kiếm đang chạy đua với thời gian. Ảnh: CNN

Cũng theo ông, nếu tàu ngầm trồi trên mặt nước và để cửa hầm mở, tàu sẽ có nguồn cung cấp dưỡng khí và thực phẩm trong 30 ngày. Mặc dù tàu ngầm có kích thước và lớp bảo vệ đủ để tồn tại dưới biển trong một tháng, nhưng nếu như tàu bị chìm hoàn toàn dưới đáy biển và không thể nâng ống thở thì các thành viên thủy thủ đoàn chỉ có 7 ngày sống sót, ông Balbi nói thêm.

"Sự sống còn phụ thuộc vào việc lần cuối họ sạc pin là khi nào, việc điều hoàn không khí và cả những gì còn sót lại trong tàu", một cựu thợ lặn tên William Craig Reed nói với CNN.

Việc tìm kiếm tàu ngầm là một cuộc chiến chống lại thời gian. Nhưng, liên lạc đã bị mất cách đây một tuần, khiến những tia hi vọng cuối cùng về sự sống của các thủy thủ đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

3. Vì sao việc tìm kiếm lại trở nên quá khó khăn?

Với mục đích sử dụng ho các hoạt động theo dõi bí mật, các tàu ngầm phải được thiết kế nhằm tránh bị phát hiện, do đó, việc tìm kiếm khi tàu gặp sự cố cũng trở nên không đơn giản. Tiến sĩ Robert Farley chia sẻ với BBC rằng: tàu ngầm thường cố gắng làm méo hoặc hạn chế tiếng ồn để tránh bị phát hiện bởi các thiết dị dò tìm sóng sonar, do đó việc tìm kiếm một tàu ngầm rất khó nếu tàu ngầm này chìm xuống đáy biển.

Hàng loạt các phương tiện tối tân đã được triển khai để tìm kiếm 44 thủy thủ mất tích. Ảnh: CNN
Khoanh vùng khu vực tìm kiếm tàu ARA San Juan. Ảnh: Daily Mail

Một nỗ lực tìm kiếm quy mô lớn đang được tiến hành trên không và trên biển để tìm ra chiếc tàu ngầm Argentina với sự giúp đỡ từ 7 quốc gia, trong đó có Anh, Chile, Mỹ, Brazil và Uruguay. Trong số các tàu có sự tham gia của tàu tuần tra băng HMS Protector của Vương quốc Anh. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết hải quân nước này đã triển khai các thiết bị tiên tiến tại Đại Tây Dương, gồm hai thiết bị lặn không người lái sử dụng sóng sonar để chụp lại hình ảnh các khu vực lớn của đáy biển. Một khi vị trí tàu ngầm ARA San Juan được tìm thấy, một thiết bị cứu hộ với sức chứa 6 người sẽ được triển khai.

Hiện vẫn chưa rõ liệu chiếc tàu ngầm mất tích có đang nổi, điều hướng dưới nước, hay trên đáy đại dương. Nếu tàu đã mất khả năng đẩy, các dòng nước ngầm có thể gây tổn hại tới tàu và đẩy nó xuống đáy biển. Các bên tham gia phải thực hiện tìm kiếm tuyến tính toàn diện giống như việc cắt cỏ, nhưng "sự tàn bạo của thời gian" cùng với thực tế là ARA San Juan là loại tàu ngầm tương đối nhỏ để tìm ra, khiến việc tìm kiếm trong những ngày này càng trở nên khó khăn, một sĩ quan hải quân đánh giá. Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi cùng những con sóng lớn lên tới 7m ở khu vực tìm kiếm tại Nam Đại Tây Dương có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn thấy các mảnh vỡ hoặc bất cứ mẩu thông tin nào kể cả trong ban ngày.

 4. Chính phủ liệu có tiếp tục tìm kiếm?

Phát biểu tại thành phố Mar del Plata, người phát ngôn lực lượng Hải quân Argentina Enrique Balbi cho biết, mặc dù hy vọng đang rất mong manh nhưng lực lượng chức năng sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm: "Đến thời điểm này thực tế là không có phát hiện nào đáng tin cậy về tàu ngầm San Juan. Chúng tôi cũng rất muốn cung cấp thông tin tốt hơn cho những người thân của các thủy thủ. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải tôn trọng sự thật và tránh làm tổn thương gia đình của các thủy thủ”.

Những người dân Argentina đang cầu nguyện cho sự trở về của các thủy thủ trên tàu ARA San Juan dẫu thật mong manh. Ảnh: CNN

Tổng thống Argentina Mauricio Macri cho biết, lực lượng hải quân Argentina với sự trợ giúp của các nước sẽ tiếp tục hoạt động tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích. Ông hy vọng sẽ tìm thấy chiếc tàu trong vài ngày tới.

 “Sự mất tích và cuộc tìm kiếm tàu ARA San Juan đều được tất cả người Argentina quan tâm. Đây là thời điểm khó khăn cho tất cả, đặc biệt là người thân của 44 thủy thủ. Tôi ở đây để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, đặc biệt là giờ đây chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”, ông nói.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đề nghị hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định sẵn sàng hỗ trợ hoạt động tìm kiếm cứu hộ của Argentina bằng cách nhanh chóng điều một tàu hải dương học công nghệ cao của nước này tới khu vực tìm kiếm trong bối cảnh thời gian để tìm kiếm những thủy thủ còn sống không còn nhiều.

ARA San Juan mất tích từ ngày 15-11. Những vấn đề đầu tiên của chiếc tàu được báo về lúc 7:30 sáng cùng ngày sau khi  thuyền trưởng tàu phát tín hiệu đang gặp phải vấn đề về pin ở vùng biển sâu. Chiếc tàu ngầm đã được lệnh quay lại cảng nhưng thông tin liên lạc cũng mất ngay sau đó.

Lần cuối cùng chiếc tàu ngầm được nhìn thấy là ở vị trí ngoài khơi cách bờ biển Patagonia của Argentina 200 km.  Khi mất tích, trên tàu ARA San Juan đang có 44 thủy thủ, trong đó có 1 nữ sĩ quan hải quân đầu tiên của Argentina. Tàu đang thực hiện nhiệm vụ giám sát sinh thái ngăn chặn các tàu đánh cá bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển Patagonia. Chiếc tàu ngầm tiến hành tuần tra từ một căn cứ hải quân ở Ushuaia, Argentina, phía cực Nam châu Mỹ và là cửa ngõ ra Eo biển Magellan. Đây là địa điểm được xem là một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới.


An Nhiên (Theo ST/FP)
.
.
.