2 năm tham chiến ở Syria, Nga lật ngược cục diện cuộc chiến chống khủng bố thế nào?

Thứ Sáu, 22/09/2017, 10:47
Sau đúng 2 năm kể từ lúc bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria, Nga đã giúp chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad giải phóng hơn 87% lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng, đồng thời làm lu mờ vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông.

Vào cuối ngày 21-9, tờ Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga bất ngờ đăng tải thông tin khẳng định, dưới sự trợ giúp đắc lực của Nga, Quân đội Syria và các lực lượng thân cận đã giải phóng hơn 87% lãnh thổ khỏi tay IS. Qua đó, đặt nền móng vững chắc giúp Syria tìm kiếm một tương lai chính trị tươi sáng và chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài gần 7 năm.

Chiến thắng nối tiếp chiến thắng

Kể từ ngày 30-9-2015, thời điểm Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh triển khai lực lượng quân đội cùng các chiến đấu cơ hiện đại tới Syria theo lời đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, không quân Nga đã tiến hành hơn 30.000 cuộc tấn công và tiêu diệt trên dưới 96.000 mục tiêu khủng bố.

Bên ngoài căn cứ Không quân Nga tại Syria. Ảnh: Russia Insider

RT dẫn bản báo cáo của Bộ Quốc phòng nga cho biết, trong số các vị trí khủng bố bị không quân Nga tiêu diệt có 8.332 cơ sở chỉ huy, hơn 53.700 tay súng thuộc các nhóm khủng bố và gần 1,000 trại huấn luyện cũng như 6.769 kho chứa đạn dược và dầu mỏ.

Trong chiến dịch tấn công khủng bố kéo dài 2 năm qua, dàn máy bay chiến đấu tối tân của Nga đã không kích hàng loạt cơ sở sản xuất dầu mỏ quan trọng nhất mà IS chiếm được, vốn được xem là nguồn thu chính của tổ chức khủng bố này. Cụ thể, không quân Nga đã ném bom phá huỷ 212 mỏ khai thác dầu cùng 184 nhà máy và cơ sở lọc dầu do IS kiểm soát.

Ngoài ra, để hỗ trợ quân đội Chính phủ Syria ở các vùng đã được giải phóng khỏi tay khủng bố, quân đội Nga đã cử các chuyên gia dò phá bom mìn tới những khu vực này. Trong đó, hơn 5.300 hectare trên lãnh thổ Syria đã được công nhận an toàn sau khi lực lượng rà phá bom mìn Nga tới làm việc.

Máy bay Nga không kích diệt mục tiêu khủng bố tại Syria. Ảnh: RT

Lính công binh Nga cũng đã được điều động tới thành cổ Palmyra, nơi IS phá hoại nhiều cơ sở vật chất, di tích lịch sử và cài hàng trăm bẫy bom. Tại đây, lính công binh Nga đã tiến hành kiểm tra trên 2.339 hectare và phát hiện 24.065 thiết bị nổ khác nhau mà IS là tác giả chính.

Tại Aleppo, “cựu” sào huyệt của IS tại Trung Đông, Nga đã giúp Syria quét sạch bóng khủng bố, sau đó điều hàng trăm chuyên gia công binh tới tìm kiếm và vô hiệu hoá hơn 36.319 thiết bị nổ trên diện tích 2.956 hectra.

Hàng trăm sĩ quan cao cấp Nga cũng đã được điều động tới Syria để giảng dạy và đào tạo cho chuyên gia Syria về cách thức xử lý các thiết bị nổ còn sót lại sau chiến tranh. “Có tới 580 học viên Syria đã hoàn thành khóa đào tạo và hơn 100 người khác hiện đang tham gia lớp học này”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.

Tiếp nối thành công, hồi đầu tháng 9, Nga đã giúp quân đội Syria phá vỡ vòng vây quanh thành phố Deir ez-Zor được IS thiết lập suốt 3 năm qua, các lực lượng vũ trang Syria dưới sự hậu thuẫn của không quân Nga đang truy quét những tay súng khủng bố còn lại cố thủ bên bờ phía Tây sông Euphrates.

Một căn cứ quan trọng của IS bị Nga không kích tiêu diệt. Ảnh: ITN

Tại Deir ez-Zor, sào huyệt cuối cùng của IS tại Syria, tổ chức khủng bố được cho là chỉ còn kiểm soát vài khu vực sát biên giới với Iraq, nơi có sự giao thoa với các nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn.

Giải vây cho đồng minh

Trở lai thời điểm năm 2015, nhiều chuyên gia nhận định, lý do đầu tiên khiến Nga thực hiện chiến dịch không kích là để "giải cứu chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad", đồng minh thân cận của Moscow ở Trung Đông.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga không còn nhiều đồng minh và bạn bè ở khu vực Trung Đông. Syria nổi lên là quốc gia duy nhất thật sự coi Nga là bạn bè.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Assad tại một cuộc gặp ở Moscow. Ảnh: TASS

40 năm trước, Liên Xô từng hậu thuẫn về quân sự và chính trị cho Syria, và cho đến nay, Moscow đang duy trì một căn cứ hải quân ở cảng Tartus, phía Nam Latakia của Syria. Đây là căn cứ ở nước ngoài xa nhất của Nga và là cứ điểm quan trọng giúp Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của hải quân Nga sải tay ra Địa Trung Hải.

Năm 2015 là năm đánh dấu nhiều sự thay đổi trong cục diện Syria. Khi đó, quân đội Syria đang ngày càng mất dần lãnh thổ vào tay phe đối lập và các nhóm phiến quân Hồi giáo. Thay vì ở thế tấn công tiêu diệt khủng bố, quân đội chính phủ Syria lại rơi vào thế buộc phải phòng thủ trước đòn tấn công của cả IS và phiến quân thân Mỹ.

Chính quyền của ông Assad liên tiếp mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn vào tay phe nổi dậy, trong khi căn cứ cuối cùng của họ ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, cũng bị Mặt trận Al-Nusra – tổ chức khủng bố thân Al-Qaeda chiếm mất. Tổ chức này thậm chí kiểm soát tuyến đường chính nối từ Latakia tới Idlib, cùng phần lớn vùng đồng bằng Sahl al-Ghab ở phía Đông Nam đất nước.

Các khu vực do phiến quân và khủng bố kiểm soát (màu vàng và đen đậm) ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: ITN

Và thế là người Nga đã ra tay. Moscow hiểu rằng họ cần kiểm soát tình hình trước khi quá muộn. Mỗi ngày kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tại Syria, Moscow lại giúp Damacus giành được chiến thắng mới. Và với mỗi chiến thắng đó, không những cứu sống ông Assad, đến nay Nga thậm chí đã tạo một tiền đề vô cùng vững chắc cho tương lai chính trị của đương kim Tổng thống Syria.

Và thay đổi cục diện cuộc chiến

Khác với Mỹ, quốc gia luôn lôi kéo hàng loạt nước khác cùng tham gia hoạt động quân sự với mình, Nga hoạt động đơn lẻ tại Syria.

Chuyên gia Tim Lister của CNN cho rằng khi đơn phương thực hiện không kích mà không hề phối hợp với liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu, Nga đã tiến hành “đảo chính ngoại giao” thành công, qua đó nâng tầm ảnh hưởng của mình, đồng thời làm lu mờ đáng kể vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông.

Có thể nói rằng, trước khi Nga can dự vào quốc gia Trung Đông, máy bay Mỹ và liên quân đã quần thảo bầu trời Syria để thực hiện nhiều cuộc không kích mà không vấp phải trở ngại đáng kể nào, nếu có, phải chăng chỉ là lời phản đối yếu ớt từ phía Damacus.

Tháng 9-2017, Nga đã chuyển tới Syria 4.000 tấn nguyên vật liệu xây dựng và nhiều máy mócgiúp quốc gia Trung Đông tái thiết đất nước.

Trong các bài báo được đăng tải vào năm 2015, có phi công quân sự Mỹ thậm chí còn coi những cuộc không kích ở Syria là những cuộc "dạo chơi" do IS và các nhóm phiến quân không có vũ khí nào để bắn hạ còn quân đội Syria thì đang đau đầu với lực lượng phiến quân.

Không quân Syria thi thoảng cũng thực hiện một số vụ không kích nhưng với tần suất hạn chế và chỉ đủ phản công chặn đường tiến quân của khủng bố chứ không thay đổi cục diện trên chiến trường.

“Sự can thiệp của Nga vào Syria đã thực sự thay đổi cuộc chơi tại Trung Đông. Mỹ và liên quân đã mất thế độc tôn trên không phận Syria”, chuyên gia David Blair của tờ Telegraph nhận định. Điều này được thể hiện rất rõ trong thông báo của phía Nga gửi giới chức Mỹ trước các cuộc không kích: “Nga sẽ ném bom trong vòng một giờ và yêu cầu tất cả máy bay Mỹ không hoạt động trên không phận Syria".

Tất nhiên, trong khoảng thời gian cùng hoạt động tại Trung Đông, hai bên đã vấp phải một số vụ đụng độ trên bầu trời Syria, nhưng trong mỗi lần như vậy, người Nga lại cho thấy ai mới đang thật sự giành quyền chủ động. Theo nhiều nhà bình luận, việc Mỹ bị động trước người Nga ngay lập tức tạo cho Moscow cơ hội giành vị trí cao hơn trên bàn đàm phán tương lai chính trị khu vực.

Lực lượng quân cảnh Nga được điều tới Syria duy trì an ninh tại các vùng đã giải phóng hoặc đang có lệnh ngừng bắn. Ảnh: Sputnik

Sau khi chiến thắng liên tiếp tại Syria, Nga mới đây thậm chí còn cho thấy tham vọng lớn hơn khi tuyên bố sẵn sàng sải tay giúp Iraq đánh đuổi khủng bố IS. 

Cần lưu ý rằng, vào năm 2015, Moscow từng một lần để nghị giúp đỡ Baghdad diệt khủng bố. Khi đó Mỹ đã phải điều tướng quân đội cao cấp nhất tới tiếp xúc với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi để bóng gió rằng Washington sẽ “rất khó” để cung cấp cho Iraq các hỗ trợ cần thiết “nếu như người Nga cũng tham gia vào quá trình này”.

"Tổng thống Putin đã chứng minh ông là một nhà chiến thuật tài ba trong cuộc khủng hoảng tại Syria và sắp tới là toàn Trung Đông. Trong vòng hai năm, ông đã gia tăng uy thế và ảnh hưởng của Nga ở khu vực này còn Phương Tây chẳng có cớ gì để lên án", chuyên gia Ylia Yakimenko của tờ Gazeta nhận định.

Thiện Nhân
.
.
.