Vấn đề tạm tha có điều kiện người đang chấp hành phạt tù trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:53
Theo nội dung dự thảo Đề án thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù, việc bổ sung quy định này vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là một mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. 


Do đó, mặc dù Đề án đang trong quá trình xây dựng nhưng Bộ Công an đã đề nghị bổ sung quy định về biện pháp này và 1 điều luật mới vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Qua nghiên cứu dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), chúng tôi xin trao đổi về một số vấn đề như sau:

Một là, về tên gọi Điều 64, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): “Tha tù trước thời hạn có điều kiện”, đề nghị được sửa lại là “Tạm tha có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù”.

Hai là, về đối tượng áp dụng biện pháp tạm tha có điều kiện.

Từ thực tiễn công tác thi hành án phạt tù và công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, chúng tôi thấy rằng, việc áp dụng tạm tha đối với những trường hợp bị kết án phạt tù về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nói chung và những người bị kết án tù chung thân sẽ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; không tạo được sự đồng thuận trong xã hội, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và rất khó khăn trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục tại cộng đồng.

Giúp phạm nhân cải tạo, sớm hoàn lương, hòa nhập với cộng đồng. Ảnh: CTV.

Các trường hợp ưu tiên đối với người có công hoặc thân nhân người có công quy định thời gian đã chấp hành hình phạt tù là 1/3 là cần thiết. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng đáng được hưởng ưu tiên như: người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội; thân nhân liệt sỹ; là con đẻ, con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;… Do vậy, các đối tượng đáng hưởng ưu tiên về thời gian chấp hành hình phạt là 1/3: “Trường hợp người bị kết án phạt tù có một trong các lý do đáng được khoan hồng như khi phạm tội là người chưa thành niên, lập công trong quá trình chấp hành án, đã quá già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc có các tình tiết ưu tiên khác theo quy định của pháp luật có thể được xét tạm tha có điều kiện khi chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn tù”.

Qua thực tiễn thực hiện công tác quản lý, giáo dục và thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người bị kết án phạt tù, chúng tôi thấy có thể áp dụng biện pháp tạm tha đối với cả những người chưa được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù lần nào. Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, phạm nhân khi chấp hành được một phần ba thời hạn tù và có tiến bộ thì có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, trên thực tế, số phạm nhân bị kết án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng (bị kết án phạt tù dưới 3 năm) do quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên khi bản án có hiệu lực pháp luật thì những trường hợp này về thời gian được tính vào thời hạn chấp hành án phạt tù đã quá một phần ba, thậm chí có nhiều trường hợp quá một phần hai thời hạn nhưng chưa được xếp loại chấp hành án phạt tù nên những trường hợp này chưa đủ điều kiện để có thể được giảm án. Mặt khác, những người bị kết án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng là đối tượng cần được xem xét tạm tha vì ít nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời việc quản lý, giáo dục tại cộng đồng cũng gặp ít khó khăn hơn.

Ba là, về các trường hợp không áp dụng tạm tha. Việc quy định không tạm tha đối với một số tội phạm là cần thiết, quán triệt quan điểm phân hoá tội phạm và xử lý người phạm tội trong xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của Đảng và Nhà nước. Những người phạm các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng về cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người, cướp tài sản, tội phạm về tham nhũng, lần đầu phạm tội, mức án thấp vẫn có thể được tạm tha. Do vậy, chúng tôi thấy rằng cần luật hoá việc quan điểm này như sau: “Tạm tha có điều kiện không áp dụng đối với người có tiền án, người bị kết án phạt tù về tội đặc biệt nghiêm trọng; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; người bị kết án phạt tù bị kết án trên 10 năm đối với các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người, tội tham nhũng; bị kết án trên 7 năm đối với tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma túy”.

Bốn là, về quản lý, giám sát người được tạm tha. Đề nghị quy định như sau: “Định kỳ 3 tháng, người được tạm tha phải trình diện và nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật của mình, có xác nhận của người được giao theo dõi, giám sát, giáo dục tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu. Không được tự ý đi khỏi nơi cư trú. Trường hợp nếu có lý do chính đáng thì phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền nhưng không quá 7 ngày”.

Năm là, về tính thời hạn phải tiếp tục chấp hành tại cơ sở giam giữ trong trường hợp người được tạm tha có quyết định huỷ quyết định tạm tha. Trước hết cần khẳng định, bản chất pháp lý của biện pháp này thì người được tạm tha có điều kiện về cơ bản vẫn là người đang chấp hành án phạt tù, chỉ là thay đổi hình thức chấp hành án tại cộng đồng với các điều kiện quản lý, giám sát chặt chẽ. Vì vậy, cần quy định thời hạn tạm tha (hay còn gọi là thời gian thử thách) bằng thời hạn phạt tù còn lại và khi người được tạm tha vi phạm quy định tạm tha đến mức hủy quyết định tạm tha, phải đưa trở lại cơ sở giam giữ thì phải chấp hành phần thời hạn tù còn lại (tính từ ngày quyết định tạm tha trừ đi thời gian đã chấp hành tạm tha). 

Sáu là, về tổ chức thực hiện. Do biện pháp tạm tha chưa có tiền lệ trong pháp luật Việt Nam nên để bảo đảm thận trọng, hiệu quả, tạm tha có điều kiện đối với người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự được thực hiện thí điểm một số đợt để rút kinh nghiệm.

Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo - Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng
.
.
.