Một số ý kiến về tội cướp biển trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ Bảy, 14/11/2015, 19:02
Cướp biển hay hải tặc là hành vi tấn công tàu, thuyền ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào nhằm chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, tình trạng cướp biển trên thế giới diễn biến rất phức tạp, xảy ra nhiều ở vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, ngoài hải phận Somalia, eo biển Malacca và Singapore, gây thiệt hại mỗi năm ước tính từ 13 đến 16 tỷ đô la Mỹ.

Ở nước ta, trong năm 2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thụ lý điều tra 02 vụ cướp biển. Vụ cướp tàu Sunrise 689 thuộc Công ty cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng xảy ra hồi 0 giờ ngày 03/10/2014, ở khu vực giáp ranh giữa vùng biển Singapore, Malaysia và Indonesia, nhóm hải tặc người nước ngoài đã dùng dao tấn công, khống chế thủy thủ đoàn gồm 18 người, cướp 1.328 tấn dầu DO và toàn bộ tiền, tài sản cá nhân của thủy thủ đoàn, phá hủy toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của tàu.

Vụ cướp tàu VP Asphalt 2 thuộc Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO chở 2.300 tấn nhựa đường lỏng từ Singapore về cảng Gò Dầu (Đồng Nai), xảy ra vào hồi 4 giờ 30 phút ngày 07/12/2014, tại vùng biển cách Singapore 60 hải lý, nhóm hải tặc đã bắn chết 01 thuyền viên, cướp toàn bộ tiền, tài sản cá nhân của thủy thủ đoàn gồm 16 người.

Ngày 19/6/2015, Cảnh sát Biển Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia bắt giữ 08 đối tượng người nước ngoài sau khi số đối tượng này cướp tàu chở dầu Harmony của Malaysia, chạy vào vùng biển Việt Nam.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tội cướp biển được quy định tại Điều 312. Việc bổ sung tội cướp biển trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là nhằm tạo cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý hành vi có tính nguy hiểm cao, xâm phạm tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người và an ninh, an toàn hàng hải. Quy định này không những khẳng định chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh hành vi cướp biển, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, mà còn nhằm thực thi cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm trên biển mà Việt Nam là thành viên, như Công ước về an toàn sinh mạng người trên biển năm 1974, Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á năm 2006...

Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình với quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân đối với tội cướp biển, vì mức hình phạt này đối với hành vi làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác là không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi cướp biển, chưa đủ sức răn đe loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều này, như sau: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Làm chết từ 03 người trở lên;

b) Làm chết 02 người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 điều này;

c) Làm chết 01 người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 điều này;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ 05 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ 03 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này trên 200%;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 hoặc 04 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng;

g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1.500.000.000 đồng trở lên”.

Nguyễn Khanh
.
.
.