Một số bất cập về kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Chủ Nhật, 15/11/2015, 18:52
Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, phục vụ có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, chúng tôi đề nghị tiếp tục quy định cụ thể các tình tiết định tội, tình tiết tăng nặng định khung hình phạt ngay trong điều luật để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng được ngay mà không phải chờ văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền như hiện nay...

Trong Bộ luật Hình sự hiện hành có 344 điều luật, thì có tới 201 điều luật quy định các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”..., nhưng đến nay các cơ quan có thẩm quyền mới chỉ hướng dẫn đối với một số tội danh, còn nhiều tội danh khác chưa có hướng dẫn, dẫn đến khó khăn trong việc thống nhất áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Lực lượng Công an bắt giữ đối tượng mua bán trái phép ma túy.

Ví dụ, cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”… trong 07 tội danh về tham nhũng được quy định tại mục A, chương XXI Bộ luật Hình sự năm 1999, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đang diễn ra rất phức tạp, quyết liệt hiện nay, việc quy định cụ thể các tình tiết định tính ngay trong điều luật của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đặt ra rất cần thiết và cấp bách.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các tình tiết định tính “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn” đã được lượng hóa, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có 435 điều luật, vẫn còn 83 điều luật quy định các tình tiết định tính: “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “trường hợp đặc biệt”, “tình trạng nguy hiểm”; “thu lợi bất chính”, “thu lợi rất lớn”, “thu lợi đặc biệt lớn”...; trong đó 16 điều luật có tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định ngay trong khoản 1 với tính chất là tình tiết định tội.

Đáng chú ý, Mục A, chương XXIII về các tội phạm tham nhũng có 07 điều luật, thì cả 07 điều luật đều quy định các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; Mục B, chương XXIII về các tội phạm khác về chức vụ có 07 điều luật, thì cả 07 điều luật đều quy định các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; trong chương XIII về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Điều 114 về tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 115 về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, Điều 116 về tội phá hoại chính sách đoàn kết, Điều 119 về tội chống phá cơ sở giam giữ đều quy định tình tiết “trường hợp ít nghiêm trọng” gây khó hiểu vì các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia là loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, phục vụ có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, chúng tôi đề nghị tiếp tục nghiên cứu, lượng hóa các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “trường hợp đặc biệt”, “tình trạng nguy hiểm”..., quy định cụ thể các tình tiết định tội, tình tiết tăng nặng định khung hình phạt ngay trong điều luật để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng được ngay mà không phải chờ văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền như hiện nay.

Vũ Hưng
.
.
.