Thủ tướng nói về quan hệ với Mỹ và “số phận” TPP sau bầu cử

Thứ Năm, 17/11/2016, 14:00
Trong phiên chất vấn Thủ tướng sáng 17-11, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm về những diễn biến mới trong tình hình quốc tế sau cuộc bầu cử Tổng thống đầy bất ngờ tại Mỹ.


Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) đặt vấn đề: Trong những ngày qua sự kiện bầu cử tổng thống tại Mỹ nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài nước. Một vấn đề doanh nghiệp và người dân quan tâm để có những định hướng đó là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không nhận được sự đồng thuận của tổng thống mới và Đảng Cộng hòa. Đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về tương lai của TPP, quan điểm và chính sách đối với TPP ra sao?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia TPP, để sẵn sàng trình với Quốc hội. Nhưng TPP có nhiều nước tham gia. Mỹ hiện đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP, nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở trình tham gia. 

Việt Nam với tinh thần lớn là sẵn sàng tham gia TPP, (tuy nhiên), dù có tham gia hay không tham gia thì chúng ta vẫn là nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chúng ta có 12 hiệp định thương mại tự do khác, cho nên có tham gia TPP thì rất tốt, không tham gia TPP chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập nền kinh tế qua các chương trình đã làm thời gian qua và tiếp tục có chương trình hội nhập quốc tế thời gian tới, kể cả với ASEAN”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên chất vấn sáng 17-11

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về việc kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua “chứa đựng nhiều điều khó lường”, Chính phủ đã có những kịch bản, chính sách nào để chủ động ứng phó với tình hình trên? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chúng ta quan hệ với Mỹ là lưỡng Đảng, cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. 

Chúng ta có 10 cơ chế quan hệ với Mỹ, từ giáo dục, y tế, sông Mê Kông, rà phá bom mìn... và sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế đó. Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện một chủ trương các nghị quyết Trung ương, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ qua tất cả các bạn, các nước sẽ là bạn. 

Chúng ta sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cùng nhau phát triển trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không làm phương hại lẫn nhau. Với tinh thần đó, tôi tin chắc rằng thời gian đến quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ tốt hơn, sẽ vì lợi ích chung của hai đất nước.

Cũng liên quan đến vấn đề hội nhập, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề cập đến một “hiệu ứng nghịch” rất đáng báo động của hội nhập, mở cửa, đó là xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào khối FDI; Thị trường nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng đang bị nước ngoài thâu tóm mạnh mẽ; 

Một số chính sách thuế dẫn đến khuyến khích nhập khẩu, làm tổn thương các ngành sản xuất nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và công nghiệp phụ trợ bị sao lãng nhiều năm; gần như bất lực trước tình trạng buôn lậu hàng gian, hàng giả, đa cấp, lừa đảo, chuyển giá, trốn thuế và tính độc lập tự chủ của nền kinh tế ngày càng giảm sút. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp mang tính chiến lược và đột phá để ngăn chặn và đảo ngược hiệu ứng bất lợi của các Hiệp định Thương mại tự do.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đại biểu về việc khi ký kết Hiệp định thương mại tự do thì phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nội địa. “Vừa qua, chúng ta có nhiều bất cập, nhiều mặt hàng chúng ta đã buông lỏng, biến thành một thị trường tiêu dùng với 100 triệu dân mà chưa coi trọng bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Chúng tôi tiếp thu ý kiến này, cùng với việc thực hiện tốt cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng với chủ trương bảo vệ sản phẩm trong nước để xây dựng các tập đoàn, các công ty nhà nước và tư nhân mới phát triển, có thương hiệu để sản xuất, tiêu thụ hàng chúng ta sản xuất ra. Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong quá trình hội nhập khi chúng ta tham gia 12 FTA”.



Vũ Hân
.
.
.