Quốc hội yêu cầu báo cáo danh sách và mức độ xử lý đối với những người có sai phạm về ngân sách

Thứ Hai, 19/06/2017, 10:43
Theo lịch, chiều 19-6, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết năm nay có điều khoản giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo cụ thể với Quốc hội danh sách, mức độ, xử lý sai phạm.


Trước đó, báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện ngân sách năm 2015 có đề cập đến việc kỷ luật 699 cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, nhưng không có danh sách cụ thể cũng như mức độ vi phạm, mức độ xử lý.

Theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng (một triệu, năm trăm linh hai nghìn, một trăm tám mươi chín tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016.

Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng (hai trăm sáu mươi ba nghìn, một trăm ba mươi lăm tỷ đồng), bằng 6,28% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 195.900 tỷ đồng (một trăm chín mươi lăm nghìn, chín trăm tỷ đồng); vay ngoài nước 67.235 tỷ đồng (sáu mươi bảy nghìn, hai trăm ba mươi lăm tỷ đồng).

Nghị quyết cũng giao Chính phủ: Công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015;

Chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 506/BC-UBTCNS14 ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015;

Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Báo cáo cụ thể với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 về danh sách, mức độ, xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành NSNN  2 năm 2014-2015.

Quốc hội yêu cầu được báo cáo về những cá nhân vi phạm trong sử dụng, quản lý ngân sách

Trước đó, tại phiên thảo luận hội trường về quyết toán ngân sách, các ĐBQH mặc dù đều thống nhất quyết toán các khoản như dự thảo, nhưng băn khoăn về các khoản thu chưa bền vững cũng như việc xử lý trách nhiệm của những cá nhân vi phạm, dẫn đến tình trạng sử dụng ngân sách không nghiêm.

Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), một số khoản thu – chi đã được phản ánh chưa đủ trong báo cáo. “Ví dụ, khoản vay nước ngoài về cho vay lại 18.000 tỷ đồng của 5 dự án đường bộ cao tốc chưa bổ sung cả số thu và chi ngân sách Nhà nước. Các khoản có quyết định hoàn thuế hơn 5.800 tỷ đồng của năm 2015 nhưng chưa hoàn, phải chuyển sang năm 2016, nếu chi kịp cũng sẽ làm một số thu ngân sách Nhà nước năm 2015 không đạt như dự toán Quốc hội giao”.

ĐB cho rằng: Việc chuyển nhiệm vụ chi như trên cũng cho thấy các cơ quan chức năng cũng cố gắng làm đẹp con số thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực chất việc thực hiện dự toán ngân sách như nghị quyết của Quốc hội giao.

ĐB cũng bày tỏ lo ngại về các khoản thu thiếu bền vững. “Thu ngân sách nhà nước tăng hơn 87 ngàn tỷ đồng so với dự toán thu nhưng lại tăng chủ yếu từ ngân sách địa phương là 83.700 tỷ đồng. Tăng thu chủ yếu từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, một nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực phát triển của nền kinh tế. Tình trạng này đã xảy ra suốt một giai đoạn dài từ năm 2011-2015”.

Với nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý ngân sách, ĐB cho rằng Chính phủ phải có một báo cáo riêng nội dung kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm và có giải pháp khắc phục. “Tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm từ Trung ương đến địa phương và nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch tỉnh nghiêm, chủ tịch tỉnh không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch huyện nghiêm, trên dưới không nghiêm thì liệu quốc gia có ổn định, xã tắc có bình yên?”

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng chia sẻ 2 quan ngại trên của ĐB Mai Sỹ Diến. Theo ĐB, nhiều năm quyết toán chưa phản ánh đúng số thu ngân sách, làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo dự toán không phải là theo số thực tế phải hoàn.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu, nhưng thu ngân sách luôn luôn vượt dự toán. Thực trạng này thể hiện thu ngân sách nhà nước có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế mà do Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu như khai thác thêm dầu thô, đôn đốc để tăng thêm các khoản thu từ đất, thoái vốn nhà nước, thu nợ đọng thuế...

“Để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi theo khả năng của nền kinh tế và vay theo khả năng trả nợ. Hay nói một cách khác là bội chi và vay phải được đảm bảo bằng các nguồn thu vững chắc, phù hợp với tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, đất đai, tài nguyên, dầu thô là "của để dành" có giới hạn và cần giữ mức khai thác hợp lý, nhất là khi không được giá” – ĐB nêu quan điểm.

Cho rằng nhiều tồn tại trong sử dụng ngân sách là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm, ĐB cũng thống nhất với ĐB Mai Sỹ Diến đề nghị Chính phủ tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm. 


Vũ Hân
.
.
.