Không dùng tiền ngân sách cứu dự án nghìn tỷ thua lỗ

Thứ Bảy, 07/01/2017, 09:45
Sự cố như Formosa chỉ được xảy ra một lần; không dùng ngân sách để bù đắp cho các dự án nghìn tỷ thua lỗ, đắp chiếu; Bộ Công Thương đã “vấp một lần nhưng chưa ngã”, cần chú trọng công tác cán bộ... là những lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành công thương sáng 6-1.

Điểm qua những kết quả nổi bật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Chỉ số sản xuất công nghiệp 2016 tăng 7,5%. Có 2 điểm nổi bật trong ngành công nghiệp năm nay, là sự sụt giảm rất mạnh của công nghiệp khai khoáng (5,9%) và tăng trưởng ấn tượng của công nghiệp chế biến, chế tạo (11,2%, thậm chí còn cao hơn mức tăng trưởng hơn 10% của năm ngoái). 

Ngân hàng Thế giới cũng nhận định công nghiệp chế biến, chế tạo và sức tiêu thụ trong nước là 2 điểm sáng giúp kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) - một trong những công trình gây thất thoát tiền tỷ. Ảnh: CTV

Tuy vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, ngành công nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn mang tính chiến lược: Dầu khí sản lượng khai thác sẽ sụt giảm dần, khai thác trong nước đã đến, hạn trong khi mở rộng khai thác ở nước ngoài chưa đạt nhiều kết quả; điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn, xuống sâu, đi xa; tiến bộ khoa học, công nghệ còn hạn chế, cần tiếp tục đổi mới cả về tái cơ cấu và công nghệ; công nghiệp hỗ trợ chưa có đột phá; ngành chế biến, chế tạo phát triển mất cân đối, lợi thế chủ yếu nằm ở khu vực doanh nghiệp FDI.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Trong số này, riêng Samsung đã xuất khẩu gần 35 tỷ USD. Cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2015. 

Các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 28,4%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 70,22%. Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 38,1 tỷ USD, tiếp đến là EU, Trung Quốc...

Năm nay cũng là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với 2,68 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,8 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD, Nhật Bản... Như vậy, Việt Nam nhập siêu 28 tỷ USD từ Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Tuy 2016 là một năm khó khăn và biến động dữ dội chưa từng có, với tác động xấu của thị trường thế giới, của thiên tai, nhân tai trong nước, ngành công thương đã có 6 kết quả nổi bật đóng góp vào sự tăng trưởng chung: Công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng; đảm bảo cung cầu hàng hóa trong mọi hoàn cảnh, dù lũ lụt, hạn hán...

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt biểu dương nỗ lực cải cách hành chính của bộ, với việc đơn giản hóa 27,8% thủ tục hành chính trong thời gian rất ngắn. Thủ tướng đánh giá Bộ Công Thương là đơn vị làm tốt nhất việc này, và đã đề nghị toàn bộ hội trường vỗ tay biểu dương nỗ lực của bộ.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu bộ phải “nhìn thẳng mấy tồn tại”: “Ngành khai khoáng giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch; nhiều dự án của ngành công thương thua lỗ kéo dài, đắp chiếu, mà Quốc hội “hỏi thăm sức khỏe” Chính phủ suốt thời gian vừa qua.

Một số dự án chậm, không đảm bảo tiến độ, nhất là 1 số dự án điện của đơn vị thuộc Bộ Công Thương đứng ra đảm nhận (PVN - PV); chiến lược phát triển cơ khí, ôtô, quy hoạch thép, thủy điện, xuất khẩu gạo phát sinh phức tạp.

Tư duy quy hoạch có nhiều vấn đề phải sửa trong thời gian tới, cập nhật sát thị trường, tận dụng các thành phần kinh tế, kể cả nước ngoài, tư nhân để thực hiện; sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm, chưa hiệu quả” – Thủ tướng nhận xét.

Nhà máy đạm Ninh Bình – một trong 5 đại dự án nghìn tỷ đắp chiếu đang được tìm cách xử lý.

Đặc biệt, công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng uy tín của ngành, trong đó có bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc còn bất cập, mà hiện nay đang phải tiếp tục giải quyết hậu quả.

Thủ tướng đánh giá “ngành công thương đã bị vấp nhưng chưa ngã, đã có sự vươn lên mạnh mẽ”, cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh.

Về tầm nhìn, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh định hướng huy động mọi thành phần xã hội tham gia, cái gì tư nhân làm tốt để tư nhân làm, mang nguồn lực của Nhà nước làm việc khác, nâng cao năng lực quản trị...

Quá trình này là quá trình chống thất thoát, tiêu cực, tham nhũng. Minh chứng là sau khi công khai thông tin, cổ phiếu Sabeco, Habeco đều lên giá mạnh, “cháy hàng”. Bên cạnh đó, cần xây dựng các thương hiệu quốc gia, tái cơ cấu ngành công thương mạnh mẽ hơn để có 1 số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định không mang ngân sách ra để bù đắp cho các dự án nghìn tỷ đắp chiếu, sự cố như “Formosa chỉ được phép xảy ra 1 lần thôi. Nếu vi phạm, không chỉ xử hành chính đâu, phải xử lý hình sự. Cần quán triệt tinh thần đó ra cả nước”.       

Năm 2017, ngành Công Thương đặt mục tiêu chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8 - 9%; xuất khẩu tăng cao hơn mức 6- 7% Quốc hội giao; nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu 3,5% được giao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10 - 11%; chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân cả năm 2017 kiểm soát theo mức Quốc hội giao là khoảng 4%.


Vũ Hân
.
.
.