Quốc hội thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thứ Hai, 31/10/2016, 15:04
Trong phiên làm việc chiều 31-10, Quốc hội đã nghe Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 


Đây là một dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia.

Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Để tạo cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò, tác dụng của vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, nên ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thi hành về vấn đề này.

Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 30-6-2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sau đó sửa đổi vào năm 2013 và nhiều Nghị định quy định chi tiết. 

Sau hơn 4 năm thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc tờ trình dự án luật tại Quốc hội chiều 31-10

Theo số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 7.650 vụ, 6.116 đối tượng; truy tố 2.964 vụ, xét xử 1.920 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 2.603 trường hợp; thu giữ 1.897 khẩu súng các loại, 22.264 kg thuốc nổ, 100.969 kíp nổ... Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu quản lý. Tờ trình của Chính phủ đã dẫn 7 lý do cần thiết cho việc ban hành đạo luật này.

Thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến những quyền này; vì vậy, cần phải quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ở tầm một đạo luật.

Thực tiễn công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất rộng và phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là liên quan đến tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Pháp lệnh, các quy định sửa đổi, bổ sung chỉ mang tính giải pháp tình thế, vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.

Pháp lệnh quy định về nguyên tắc và các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, quy định của Pháp lệnh chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là trong công tác cảnh vệ để ngăn chặn hoặc tiêu diệt đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tấn công thì được phép nổ súng ngay mà không cần phải thực hiện các hình thức cảnh báo. 

Mặt khác, Pháp lệnh chưa quy định cụ thể, đầy đủ về các trường hợp được sử dụng công cụ hỗ trợ. Việc sử dụng vũ khí thô sơ có liên quan trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe con người nhưng Pháp lệnh lại giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân.

Thứ tư, cần thiết bổ sung các quy định về các trường hợp được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngoài các trường hợp theo quy định của Pháp lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và thống nhất với các quy định của pháp luật như Luật hàng không dân dụng Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, dự thảo Luật Cảnh vệ…

Thứ năm, hiện nay việc trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể để sử dụng còn quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật. Mặt khác, thực tiễn công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự cho thấy cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung một số đối tượng khác được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ sáu, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế song phương, đa phương liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ như: Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân; Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học và về phá hủy chúng; Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ vũ khí vi trùng, các chất độc hại và việc phá hủy các vũ khí đó... Do đó, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về công tác này.

Thứ bảy, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.. cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm; trình tự, thủ tục và đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định về nổ súng; mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, trang bị, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; bổ sung danh mục các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và sửa đổi, bổ sung một số quy định khác cho phù hợp yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều.

Trong phiên làm việc chiều 31-10, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật này. 

Vũ Hân
.
.
.