Quốc hội làm việc chưa có “tiền lệ” – thêm một buổi thảo luận về Bộ luật Hình sự

Thứ Sáu, 26/05/2017, 10:52
Mặc dù đã thống nhất không làm việc vào ngày thứ 7 để đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu, tuy nhiên, ngày mai (27/5) Quốc hội sẽ “phá lệ” để có thêm một phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Với việc thêm phiên thảo luận này, việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự đã tạo ra rất nhiều “tiền lệ”, rất nhiều “chưa từng có” trong lịch sử lập pháp Việt Nam.


Trước đó, dự thảo luật được dành một ngày thảo luận tại hội trường ngày 24-5, nhiều gấp đôi đa số các dự án luật khác. Tại buổi thảo luận, đã có 71 vị đại biểu đăng ký phát biểu và 47 vị đăng đàn, còn 24 vị đã đăng ký nhưng không còn thời gian phát biểu.

Đặc biệt, dù Bộ luật Hình sự 2015 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua (sau đó phải dừng trước khi có hiệu lực vì lý do kỹ thuật, và ban đầu chỉ định chỉnh sửa chưa đến 20 điều), Quốc hội khóa 14 cũng đã thảo luận tại kỳ họp thứ 2, thậm chí có những quy định có nhiều ý kiến khác nhau đã phải phát phiếu lấy ý kiến đại biểu và ý kiến các đoàn đại biểu quốc hội, nhưng đến thời điểm này, các đại biểu vẫn tranh cãi gay gắt về nhiều vấn đề.

Trước bối cảnh này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần bố trí thêm thời gian thảo luận, vì một khối lượng tài liệu đồ sộ mới được gửi cho đại biểu cuối ngày 22/5 thì đến 24/5 đã phải đăng đàn góp ý.

Bộ Luật Hình sự đã tạo ra rất nhiều tiền lệ chưa từng có trong lịch sử lập pháp Việt Nam

"Lẽ ra phải dành ít nhất 1 ngày thảo luận ở tổ để làm quen với dự thảo sửa đổi, sau đó có ít nhất vài ngày nghiên cứu thêm, rồi mới tổ chức thảo luận ở hội trường. Đó là cách làm thông thường của nhiều bộ luật khác, vì sao lại không áp dụng với bộ luật này?" - đại biểu đặt câu hỏi

Băn khoăn của đại biểu Nghĩa còn ở chỗ làm cách nào chỉ trong vòng 7 phút (thời gian tối đa cho mỗi phát biểu trong phiên toàn thể) có thể trình bày trọn vẹn những góp ý của mình đối với một đạo luật lớn và cơ bản như vậy của quốc gia.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng có những điểm bổ sung, sửa chữa nói là để cập nhật tình hình thì lẽ ra phải lấy ý kiến rộng rãi hơn, chí ít là trong đại biểu Quốc hội chứ không chỉ trong ban soạn thảo hay các ngành.

Các đại biểu ngành Công an - từ thực tiễn đấu tranh chống tội phạm của mình, cũng còn rất nhiều trăn trở với dự luật

"Một số đại biểu được đào tạo chuyên sâu về pháp luật và gắn bó với pháp luật hình sự cả trong thực tiễn lập pháp và thực tiễn hành nghề hàng chục năm, từng tham gia sửa chữa bộ luật này từ khóa 13, trong đó có tôi, mà còn thấy chới với và thực sự không đủ thời gian khi nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến phát biểu, huống gì đại biểu Quốc hội khóa 14 mới chỉ tiếp xúc với dự thảo này chỉ có 1 hoặc 2 lần" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Với các lý lẽ trên, đại biểu đề nghị dành thêm ít nhất 1 ngày thảo luận tổ và dành thêm một ngày vào tuần thứ 3 của kỳ họp để thảo luận thêm; Nếu cần thì lấy thêm một ngày thứ Bảy để góp ý tại hội trường đối với dự thảo này trước khi bấm nút thông qua.

"Xét thấy tầm quan trọng của Bộ luật Hình sự là một trong 4, 5 bộ luật quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia, sau Hiến pháp, tôi mong được lãnh đạo Quốc hội chấp thuận đề nghị này" - đại biểu Nghĩa đề nghị.

Đến sáng 26-5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức thêm một phiên thảo luận về dự thảo luật vào ngày thứ Bảy, 27/5.

Trước phiên thảo luận hai ngày, các vị đại biểu đều được nhận văn bản đề nghị đăng ký tham gia phiên thảo luận và đến sáng 26/5 có trên 30 vị đại biểu đăng ký.

Phiên thảo luận sẽ được bố trí tại một phòng họp thích hợp và các vị đại biểu sẽ không bị giới hạn về thời gian phát biểu.

Trước đó, Đoàn Chủ tịch phiên thảo luận hội trường của Quốc hội cũng đã thống nhất phát phiếu lấy ý kiến đại biểu lần 2 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi, do trước đó lấy ý kiến cá nhân từng đại biểu và lấy ý kiến đoàn đại biểu cho kết quả ngược nhau, và đến kỳ họp thứ 3 đại biểu vẫn tranh luận gay gắt. 


Vũ Hân
.
.
.