Quốc hội băn khoăn về "điểm cân bằng" trong thẩm quyền nổ súng

Thứ Hai, 31/10/2016, 18:35
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều 31-10, các đại biểu bày tỏ băn khoăn nhất về thẩm quyền nổ súng, bởi cần tìm ra một liều lượng phù hợp để không bó tay lực lượng chức năng, giúp họ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và không bị lạm dụng, xâm phạm quyền công dân.

Lắng nghe tờ trình của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình trước Quốc hội và 7 lý do cần thiết phải ban hành luật này, các đại biểu Quốc hội phần lớn bày tỏ sự nhất trí cao và đánh giá tốt với hồ sơ mà Bộ Công an đã chuẩn bị. Đại biểu Nguyễn Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: Việc ban hành luật là rất cần thiết để đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ và cho việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân. 

“Hồ sơ rất đầy đủ, có báo cáo đánh giá tác động. Tôi cũng đánh giá cao thiện ý của Bộ Công an, khi đã có báo cáo dự kiến tiếp thu các góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu sau những phiên làm việc lần trước” – đại biểu Nguyễn Công Hồng bày tỏ.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại tổ về Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Điều được các đại biểu quan tâm nhất khi thảo luận về dự án luật này là thẩm quyền nổ súng, được quy định tại Điều 21. “Quy định về thẩm quyền nổ súng là khó nhất. Khó ở chỗ, nếu quy định quá chặt thì bó tay cơ quan chuyên ngành, không đảm bảo đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh với tội phạm; nhưng nếu quy định quá lỏng thì sẽ dẫn đến lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền công dân. Liều lượng thế nào cho phù hợp là một việc rất khó". 

"Về cơ bản tôi nhất trí với những điểm được thiết kế tại Điều 21, nhưng tôi đề nghị cân nhắc thêm khoản 3 – “Những trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo”, điểm b - “Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác”, trong này có từ “vũ lực” cần làm rõ. Từ này có thể suy ra rất nhiều biểu hiện, như đấm đá hay xô đẩy, nên quy định thế này là chưa chặt chẽ. Cần làm rõ vũ lực đến mức độ nào thì có thể nổ súng” – đại biểu Hồng cho biết.

Về điểm c của khoản này “Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, giữ, áp giải, dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, dẫn giải, áp giải do phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm đang chạy trốn hoặc chống lại”, đại biểu Nguyễn Công Hồng cho rằng “có thể bó tay cơ quan tiến hành tố tụng”. 

“Điều này có lẽ chỉ áp dụng với lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thôi, họ mới biết đối tượng A, B bị dẫn giải vì tội gì. Mà cũng chưa chắc đã biết. Còn anh em khác làm sao mà biết được đối tượng này phạm tội nguy hiểm hay rất nguy hiểm để biết có quyền nổ súng hay không. Quy định thế này anh em sẽ rất ngại, sẽ bị bó tay. Tôi đề nghị cân nhắc thêm”.

Cũng chung quan điểm với đại biểu Hồng, đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) cũng cho rằng, quy định như điểm c quy định nổ súng sau, “mình không còn cơ hội nổ súng, vì họ nổ trước rồi. Tôi đề nghị bỏ điểm c, giữ điểm b và d là đủ”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lắng nghe ý kiến của các đại biểu tại tổ

Cho rằng “Luật này quan trọng nhất là ở việc quy định nổ súng, vì nó liên quan trách nhiệm của người được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí”, đại biểu Y Biêr Niê (đoàn Đắc Lắc) bày tỏ băn khoăn về quy định bắn chỉ thiên. Dự thảo luật có ghi: “Người thi hành nhiệm vụ độc lập trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên...”. 

Từ chỉ thiên trong giải thích từ ngữ phải làm rõ, vì hiện nay bắn lên trời chưa chắc đã an toàn. Ở trong thành phố, các tòa nhà cao tầng chi chít, bắn chỉ thiên chỉ cần chệch một góc vô tình có thể gây sát thương cho người phía trên. Trong trường hợp bắn như thế gây hậu quả thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Làm luật phải ghi rõ ràng khoảng trống. Ở trên địa bàn chúng tôi có người đang ăn cơm bị viên đạn rớt ngay vào bát, nẩy lên, may mà không rớt vào đầu. Các trường hợp như này thực tế đã xảy ra, vì thế cần phải giải thích rõ.

Về khi thực hiện nhiệm vụ thì không thể xác định được đối tượng người vi phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để được nổ sung. Thiết nghĩ, ở điểm này cần ghi là hành vi có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội hoặc tổ chức đánh tháo người trong dẫn giải…cần làm rõ hơn.

Bên cạnh thẩm quyền nổ súng, một điều cũng khiến rất nhiều đại biểu băn khoăn là Điều 15 – quy định về việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Đây là vấn đề lớn, nội dung quan trọng có liên đến Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cũng như các chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh.

Do tính chất quan trọng của vấn đề, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí” và Phương án 2 là “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí” và phải đáp ứng những yêu cầu nhất định được nêu rõ trong luật. 

Một số ý kiến thống nhất với phương án 2, nhưng cũng có nhiều đại biểu cho rằng nên theo phương án 1 để tận dụng tối đa các nguồn lực có sẵn. Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Tiến Sỹ -  Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hưng Yên cho rằng nên đưa ra quy định mức độ sát thương nào, tầm bắn xa đến đâu thì chỉ có doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, nhập khẩu... còn lại để các doanh nghiệp bên ngoài được làm, bởi “công nghiệp quốc phòng không chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà còn phục vụ nhiệm vụ xã hội nữa. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho công nghiệp quốc phòng phát triển, nhưng không ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh. 

Vũ Hân
.
.
.