Nhạc sĩ Thuận Yến và kỷ lục có nhiều bài hát hay về Bác Hồ

Thứ Sáu, 12/05/2017, 09:25
Trong số những nhạc sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật đợt V, nhạc sĩ Thuận Yến là trường hợp khá đặc biệt. Không chỉ là tác giả của hàng trăm ca khúc với nhiều thể loại, Thuận Yến còn là nhạc sĩ có tới 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước khi trở thành nhạc sĩ, Thuận Yến là một người lính. Sinh ra ở xã Duy Trinh, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, năm 1949, chàng thanh niên 17 tuổi Đoàn Hữu Công tham gia cách mạng với nhiệm vụ làm liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách ở Khu ủy Liên khu V. Chính những cuốn sách về âm nhạc trong kho sách ấy đã giúp người trai trẻ mày mò tự học và tập sáng tác; niềm đam me âm nhạc còn được nuôi dưỡng qua những buổi ngồi xem các nghệ sĩ đóng kịch, hát bài chòi, rồi được một người chơi guitar chỉ dẫn những nốt nhạc đầu tiên.

Năm 1953, Thuận Yến được biệt phái sang quân đội. Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, Thuận Yến theo Khu ủy mở mặt trận Bắc Tây Nguyên và được giao nhiệm vụ của một chiến sĩ văn nghệ biểu diễn cho bộ đội và dân công. Do có năng khiếu âm nhạc nên năm 1961, Thuận Yến được cử ra Bắc học Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam.

Năm 1965, Thuận Yến xung phong đi chiến trường B cùng với Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên. Lúc này ông mới quyết định chọn bút danh Thuận Yên, ghép từ các chữ Duy Thuận (quê cha) và Duy Yên (quê mẹ). Khi gửi tác phẩm về Hà Nội, người biên tập và phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đều tưởng là Thuận Yến, nên đọc là Thuận Yến.

Trực tiếp sống và chiến đấu ở chiến trường như một người lính, vì thế mỗi tác phẩm của Thuận Yến luôn phản ánh chân thực không khí chiến đấu bất khuất của quân và dân Liên khu V. Những bài hát của ông cũng có thể coi là một phần của cuốn biên niên sử. Tác phẩm của ông có đầy đủ mọi thể loại âm nhạc từ hợp xướng đến nhạc không lời, song thế mạnh nổi trội của ông là ca khúc. Bài hát “Mỗi bước ta đi” là bài hát của ông viết năm 1965 như một dự báo về hành trình sáng tác của mình, để từ đó có hàng loạt ca khúc như: “Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”, “Hát mừng quê ta giải phóng”, “Chia tay Hoàng hôn” (thơ Hoài Vũ )…

Nhạc sĩ Thuận Yến.

Cho tới sau này, khi đất nước thống nhất, ngoài những ca khúc viết về tình yêu được nhiều người yêu thích, Thuận Yến còn có những ca khúc hay về đề tài người lính như: “Gửi em ở cuối sông Hồng” (thơ Dương Soái); “Màu hoa đỏ” (thơ Nguyễn Đức Mậu)…

Nhưng, có một điều lạ là trong suốt cuộc hành trình âm nhạc ấy, ông lại là người nổi bật lên với những bài hát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những bài: “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình” (thơ Phạm Ngọc Cảnh), “Người về thăm quê”... Đây là những bài ca chứa chan tình cảm của nhân dân đối với Bác mà nhạc sĩ Thuận Yến đã lắng nghe, cảm nhận, ghi chép trên khắp các ngả đường đất nước.

Có lẽ ngay từ những ngày đầu  trên  chiến trường Trị Thiên những năm 1965-1966, khi ông viết bài hát “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin”, hình ảnh Bác Hồ đã theo ông suốt cuộc hành trình sáng tạo âm nhạc và Người luôn có mặt trong các tác phẩm âm nhạc của ông kể cả tác phẩm Giao hưởng “Khúc ruột miền Trung” - tác phẩm 5 chương, ông sáng tác trong thời gian trở lại miền Bắc hoàn thành chương trình Đại học sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước.

Sau ngày đất nước thống nhất, Thuận Yến đã cho ra đời thêm nhiều  ca khúc mới về Bác Hồ. Khởi đầu cho giai đoạn này là bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”, trong cuộc vận động sáng tác viết về Hồ Chủ tịch nhân 90 năm ngày sinh của Người. Đó là kết quả của những đêm thức trắng để tìm cách thể hiện riêng.

Chùm bài hát về Bác của Thuận Yến là bức tranh âm nhạc rất riêng và đa dạng, thể hiện nhiều khía cạnh cảm xúc của mỗi người chúng ta đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Nếu “Bác Hồ một tình yêu bao la” là khúc hát ngợi ca đầy tình cảm với những ca từ da diết: “Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, thì “Miền Trung nhớ Bác” là khúc hồi tưởng về “trời miền Trung mưa tuôn, nắng cháy, đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường, để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương”...

Cũng với tình cảm thiêng liêng, sâu lắng, giản dị như vậy, Thuận Yến đã làm rung động trái tim người nghe qua các bài “Người về thăm quê” và “Vầng  trăng Ba Đình” bằng một ngôn ngữ âm nhạc thanh cao mang đầy âm hưởng dân gian, dân tộc.

Trong các tác phẩm đề cử Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I năm 2001 và giải thưởng Hồ Chí Minh kỳ này, ông và gia đình nhạc sĩ đều đề cử những tác phẩm chọn lọc, tiêu biểu, trong đó có những bài hát có giá trị nghệ thuật cao về Bác Hồ. Như vậy, ông trở thành một trong những nhạc sĩ Việt Nam có nhiều bài hát hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được công chúng mến mộ bên cạnh các tên tuổi Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận…

Đã 3 năm Thuận Yến thành người trong cõi nhớ nhưng nhiều ca khúc của ông vẫn được các ca sĩ hát hằng ngày. Những bài hát về Bác Hồ của ông vẫn vang lên trên nhiều sân khấu sang trọng, đặc biệt là mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác. Với các tác phẩm nghệ thuật, thước đo khách quan nhất về giá trị chính là sự yêu mến của công chúng với tác phẩm đó.

Những tác phẩm có sức sống vượt thời gian của Thuận Yến đều có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, đã khẳng định những đóng góp của ông với nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1935 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ của Đoàn Văn công Khu ủy khu V, sau đó theo học Trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam.

Sau những tháng năm ở chiến trường, ông trở lại học chuyên ngành sáng tác hệ Đại học tại Nhạc viện Hà Nội, sau đó về công tác tại Đoàn Văn công Tổng cục Xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng (sau này là Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2). Năm 1993, ông về làm Trưởng ban Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông mất ngày 24-5-2014.

Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I. Ngày 19- 4- 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho nhạc sĩ Thuận Yến (với chùm ca khúc: “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Chia tay Hoàng hôn” và “Người về thăm quê”.


Nhạc sĩ Cát Vận
.
.
.