Mở rộng tiếp nhận tố cáo qua email và các hình thức điện tử khác nếu chính danh

Thứ Sáu, 16/06/2017, 19:45
Có chấp nhận xử lý tố cáo nặc danh hay không, bảo vệ người tố cáo thế nào và có chấp nhận việc tố cáo bằng các hình thức như email, điện thoại hay không... là các vấn đề ĐBQH tranh luận nhiều nhất trong phiên thảo luận về Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều 16-6.

Với quan điểm cho rằng có mở rộng giải quyết cả tố cáo nặc danh thì cơ quan nhà nước cũng không giải quyết hết, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) ủng hộ quan điểm trong Tờ trình của Chính phủ là không nên xem xét giải quyết tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ... 

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng cho rằng “khi có đơn tố cáo, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý là nảy sinh quan hệ pháp lý giữa người tố cáo và người giải quyết. Đơn nặc danh thì thiếu mất 1 chủ thể”, do đó, tán thành không xử lý đơn nặc danh. Tuy nhiên, ĐB đồng ý, nếu có kèm theo bằng chứng, căn cứ, cơ sở thì tiếp tục sử dụng như một nguồn tài liệu phục vụ điều hành của Nhà nước, nhưng trình tự thủ tục xử lý đã được điều chỉnh bởi luật Thanh tra, nên không phải ghi vào luật này. 

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Tố cáo

ĐB Phạm Tri Thức cũng nhất trí không giải quyết tố cáo nặc danh, nhưng cho rằng “đó cũng là nguồn thông tin quan trọng để phát hiện vi phạm, nên có quy định về mặt nguyên tắc xử lý những đơn này, bằng thanh tra đột xuất, kiểm tra...”

Một vấn đề gây tranh cãi khác là có nên mở rộng chấp nhận tố cáo qua email, điện thoại, tin nhắn hay không (hiện trong dự thảo luật mới chấp nhận 2 hình thức là tố cáo bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp)? ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng hiện nay tình hình tố cáo tuy có tăng, có giảm từng năm, nhưng nhìn chung là diễn biến phức tạp. “Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, chỉ tập trung giải quyết tố cáo có tên tuổi, địa chỉ và tố cáo bằng đơn, trực tiếp mà đã chưa giải quyết hết. Do đó, để đảm bảo luật có khả thi trên thực tế, trước mắt nên tập trung giải quyết tốt các tố cáo mang tính pháp lý cao, đến lúc đủ điều kiện sẽ tính tiếp mở rộng” – ĐB nêu quan điểm. 

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cũng đồng tình với việc tố cáo phải chính danh, minh bạch để đảm bảo trách nhiệm của người tố cáo và quy trình giải quyết, không nên chấp nhận hình thức giao kết bằng điện thoại và fax, email...

Tuy nhiên, ĐB Phạm Tri Thức cho rằng “Thế kỷ 21 rồi, thế giới bước vào cách mạng công nghiệp lần 4 rồi mà chúng ta vẫn chỉ quy định 2 hình thức tố cáo là lạc hậu rất xa so với nhân loại mấy nghìn năm, khi từ xa xưa nhân loại đã thừa nhận nhiều hình thức văn bản. Điều này cũng chưa phù hợp với khoản 1 Điều 65 Luật Phòng chống tham nhũng – đã mở rộng cho phép tố cáo qua điện tử, mạng thông tin điện tử và các hình thức khác”. 

Từ thực tế tiếp xúc với nhiều vụ việc tố cáo, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu thực trạng: “Hiện người ta không tố cáo nặc danh đâu, mà họ mạo danh để chúng ta phải xác minh. Tố cáo qua hộp thư điện tử, điện thoại xác minh rất nhanh, nên quan điểm của tôi là nên đưa vào. Đơn mạo danh xác minh còn mất thời gian hơn nhiều”. Cũng đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng: Hình thức không quan trọng, quan trọng là chính danh. Chúng ta đừng nhầm phương tiện, tất cả cái gì dùng được cứ dùng, miễn là chính danh thì đều nên xem xét”.

Về vấn đề khó khăn nhất trong dự thảo luật - bảo vệ người tố cáo, nhiều ĐB cho rằng cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan, nếu không sẽ không bảo đảm có hiệu quả. “Chúng ta quy định bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo, bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe, danh dự...  của họ là rất đúng, nhưng đây là trách nhiệm liên quan đến rất nhiều cơ quan, nên để đảm bảo chặt chẽ, khả thi, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan với từng nội dung bảo vệ; xác định rõ trình tự, đặc biệt là làm rõ biện pháp để cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ người tố cáo và xử lý hành vi vi phạm trong bảo vệ người tố cáo khi có hậu quả nghiêm trọng” – ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu. 

Một số ĐB đề nghị quy định lực lượng công an, quân đội có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, tranh luận về quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho biết nguồn lực không đủ. “Hiện đối tượng cơ quan điều tra, trong đó có công an, quân đội phải trực tiếp bảo vệ không phải là ít, như người bị hại, người tham gia tố tụng... Nếu giao công an bảo vệ người tố cáo nữa thì không đủ nguồn lực. Nếu để công an bảo vệ thì Quốc hội phải cho thêm biên chế”.

Giải trình ý kiến của các ĐB, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu có thể mở rộng thêm: Tố cáo bằng thư điện tử có ký tên, chữ ký điện tử; tố cáo bằng các hình thức điện tử khác mà xác định rõ họ tên, địa chỉ, nội dung thông tin rõ ràng thì cũng được giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo. Nếu tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng, kèm theo chứng cứ thì được xem xét, xử lý phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và công tác quản lý, nhưng không xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo.

Do dự án luật còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết có thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phát phiếu xin ý kiến đại biểu để quyết định việc sẽ thông qua dự án luật trong 2 hay 3 kỳ họp.

Vũ Hân
.
.
.