Dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 6,7% trong 2018

Thứ Năm, 12/10/2017, 10:31
Sáng 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Tuy mới hết quý III, nhưng theo báo cáo do Bộ Kế hoạch & Đầu tư thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày, nhiều nhận định rất lạc quan đã được đưa ra, với 8 điểm tích cực, như: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh; lãi suất giảm từ 0,5-1%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, vượt mốc 800 điểm trong vòng 9 năm qua; thu ngân sách đạt khá; nợ công trong giới hạn quy định.

“Kết quả nổi bật năm 2017” được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định là “tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%”, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD.

Sang năm 2018, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến GDP tăng 6,5-6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP...

Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giữ thái độ thận trọng, cho rằng việc GDP đạt 6,7% vẫn là thách thức lớn, do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 (tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo) hiện không còn nhiều dư địa. Ngoài ra, thiên tai, bão, lũ lụt vẫn là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.

Về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lên tới 33,42% GDP – tuy là mức cao, một mặt thể hiện tính tích cực nhưng mặt khác thể hiện công tác dự báo khi xây dựng kế hoạch cũng chưa chính xác làm hạn chế trong việc cân đối nguồn lực. Trong khi số chuyển nguồn sang năm 2017 khá lớn; nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt kế hoạch thì cần phải giám sát chặt chẽ việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong những tháng còn lại nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước cũng như chất lượng dự án, công trình, tránh việc dồn vốn, co kéo giải ngân hết theo kế hoạch năm nhưng không đạt chất lượng, không bảo đảm hiệu quả.

 Về kế hoạch 2018, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tính toán, rà soát lại khả năng đạt được của các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, từ đó xây dựng các chỉ tiêu phù hợp cho 2018 trong tổng thể Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và bảo đảm thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cần đánh giá rõ các yếu tố tăng trưởng nhất là chỉ tiêu tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33-34% GDP (năm 2017, GDP ước đạt 6,7% trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,42% GDP) trong xu hướng, tình hình thế giới và trong nước thuận lợi hơn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu gắn với chất lượng, hiệu quả của chỉ tiêu GDP.

Phân tích tính khả thi của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 7-8%) và Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (dưới 3%) đều thấp hơn so với ước thực hiện năm 2017 trong khi dự báo thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam khi tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại đã ký kết.

Đề nghị rà soát, bảo đảm tính xác thực của chỉ tiêu tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ che phủ rừng để  phản ánh đúng thực trạng của Việt Nam. 

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị: Đi kèm với 13 chỉ tiêu dự kiến trình Quốc hội xem xét, Chính phủ báo cáo rõ thêm về các chỉ tiêu điều hành vĩ mô khác như tăng cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng, định hướng điều hành lãi suất, tỷ giá, chính sách thuế... nhằm đưa ra thông điệp chính sách với tính ổn định tương đối làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.


Vũ Hân
.
.
.