Đại biểu lo ngại GDP thấp, nợ công cao, lạm dụng bổ nhiệm người nhà

Thứ Sáu, 26/05/2017, 09:06
Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.


Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến GDP trong năm 2016. ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) nhận định, GDP 2016 phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành: Công nghiệp khai khoáng, dầu thô, các gói kích cầu của Chính phủ, các dự án đầu tư công và chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ cũng như nguồn thu chủ yếu từ ngoại thương. “GDP phụ thuộc vào tài nguyên và thương mại, ngoại thương với các nước. Chúng ta rất thiếu tính chủ động để hướng tới một nền kinh tế độc lập đảm bảo cho 96 triệu dân” - ông nói.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể tác động tới GDP là ảnh hưởng bởi tác động môi trường. Sự cố Formosa Hà Tĩnh đã tác động đến nhiều lĩnh vực, kể cả thuỷ sản, công nghiệp, du lịch…

Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM thảo luận tại tổ chiều 25-5.

Bên cạnh đó là do Samsung thu hồi Galaxy Note 7. Qua đây cũng cảnh báo nếu chúng ta dựa vào các tập đoàn lớn của nước ngoài thì khi họ gặp rủi ro nó sẽ tác động tới GDP. Đại biểu đồng tình với việc nâng cao các tập đoàn tự chủ của nước ta, đặc biệt là tập đoàn kinh tế tư nhân.

Theo đại biểu, trong báo cáo quý I-2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiểm soát được lạm phát nhưng GDP chỉ 5,1%, nếu so với 3 năm gần nhất thì thấp nhất trong 4 năm qua. Ông đề nghị Chính phủ phải phấn đấu đạt mục tiêu 6,7%.

Dù lạc quan với sự điều hành của Chính phủ, chia sẻ với cố gắng, nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ nhưng ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thừa nhận chưa yên tâm với tình hình hiện nay.

Lý do ông đưa ra là nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, không có sức bật, không có đột phá, có gì đó cứ chững lại. Vốn thiếu trầm trọng. “Chúng tôi đi các địa phương đều lo lắng về vốn, giải ngân quá chậm, trong khi đó vốn từ các nền kinh tế tư nhân không huy động nổi, người dân thiếu tin tưởng nên không giao đất, rất khó khăn” - ông phân tích.

Đại biểu cũng lo ngại tình trạng “cát tặc”, “lâm tặc” lộng hành, giết cả kiểm lâm, đánh Công an… đồng thời đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương phải cực kỳ mạnh tay và quyết liệt đối với công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vấn đề khiếu nại, tố cáo.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn việc mười mấy năm qua, cuộc chiến một bên là chống khai thác cát bừa bãi, một bên là xuất khẩu cát ồ ạt.

“Con số chính thức báo đăng chúng ta xuất khẩu sang Singapore 67 triệu tấn cát, còn khai thác cát lậu trong nước là bao nhiêu? Đến bây giờ sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, ở Bắc Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai như thế. Đề nghị Chính phủ kiểm điểm 10 năm qua ai ra chủ trương, chủ trương đó đúng hay sai? Hay chủ trương đó đúng mà làm sai, nếu sai ai chịu trách nhiệm? Hàng trăm triệu tấn cát vào túi của ai? Người dân ở các khu vực khai thác được bao nhiêu? Tư nhân được bao nhiêu? Tư nhân đó là ai? Cái giá khai thác cát ở khắp các con sông là gì? Chúng ta phải trả lời với nhau” – ông đề xuất.

Trước đó, sáng 25-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình cho biết, đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: Nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập: Nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước). Đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001).

Thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước; đặc biệt là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.

Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức thẩm định; cơ quan giám sát, sử dụng vốn vay, phương thức, điều kiện tái cơ cấu nợ,...

Về trách nhiệm trong quản lý vay nợ, dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ... song mới chỉ dừng ở những quy định liên quan đến nội dung công việc các cơ quan này thực hiện mà chưa phân định rõ chế độ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí” – Chủ nhiệm Ủy  ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu.         

Vụ cô Quỳnh Anh cần có biện pháp cấm xuất cảnh để điều tra

Đề cập đến tình trạng bổ nhiệm cán bộ, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhắc đến sự việc mới đây nhất ở Đồng Tháp, Giám đốc bệnh viện bổ nhiệm con trai bị động kinh. “Có nhiều vị được bổ nhiệm, bầu bán xong đứng phát biểu thao thao bất tuyệt nhưng nói không ai hiểu gì, rời tờ giấy ra là trí tuệ không thể hiện được gì, vậy năng lực điều hành chỉ có rối loạn”. Ông đề nghị phải làm sao khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ. “Tôi rất tiếc trong Bộ luật Hình sự vừa qua thiếu hẳn chế tài trong công tác cán bộ, từ việc giới thiệu đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm, nếu sai phạm, làm trái phải trừng trị bằng luật hình, để những ai có ý định thấy chỉ giới đỏ thì sợ không dám làm liều” - đại biểu nhấn mạnh.

Cũng thảo luận về vấn đề này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ý kiến: “Cán bộ của chúng ta khắp nơi xảy ra tình trạng bổ nhiệm con cháu, người nhà, người có quan hệ… Đến bây giờ vụ ở Thanh Hoá cô Quỳnh Anh nghe nói đi New Zealand rồi. Tôi đã từng phát biểu với báo chí, những vụ nhạy cảm, nghiêm trọng như thế thì phải có biện pháp cấm xuất cảnh để điều tra. Người ta nói, khả năng cô này sợ liên lụy đến cán bộ của chúng ta nên bỏ đi. Tại sao chúng ta không làm rõ vấn đề này ra?”.

An Quỳnh
.
.
.