Đại biểu Quốc hội truy vấn về hiệu quả đầu tư công

Thứ Năm, 16/11/2017, 10:54

Trong phiên chất vấn sáng 16-11, nhiều ĐBQH chưa thỏa mãn với giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 
 cũng như giải trình bổ sung của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về đầu tư công, bởi vì con số nợ công tuy có giảm, nhưng chỉ là cái vỏ, linh hồn của nó là hiệu quả đầu tư công vẫn chưa được cải thiện. 

Thừa nhận việc nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, cần phải có lộ trình giảm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết thời gian vừa qua Chính phủ đã thành công trong điều hành để vượt qua “đỉnh nợ” 2015 – 2016, kéo giảm được nợ công (từ 63,6% năm 2016 xuống còn 62,6% GDP năm nay), nợ Chính phủ (từ 52,6% xuống 51,8% GDP), đảo ngược con số vay nợ nước ngoài – trong nước, từ mức vay nợ 60% nước ngoài, 40% trong nước xuống gần 40% nước ngoài, gần 60% trong nước. Mọi chi tiêu nợ công, bội chi... vẫn trong phạm vi cho phép.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, từ tháng 7/2017, chúng ta đã tốt nghiệp IDA ưu đãi, từ sang năm sẽ phải vay với lãi suất cao hơn, thời gian trả nợ ngắn hơn – nên hơn lúc nào hết, phải tập trung vào việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả cho các dự án quan trọng và có tác động lan tỏa, từng bước kiểm soát tốc độ tăng bội chi. Cụ thể, năm 2018, bội chi là 3,7% GDP và 3,4% vào 2020.

Phiên chất vấn đầu tiên diễn ra sôi nổi với tranh luận của nhiều ĐB

Lãnh đạo ngành Tài chính cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Từ năm ngoái, gần như cơ bản Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, chỉ có giải ngân các dự án đã bảo lãnh từ trước và chỉ bảo lãnh ngang bằng với số phải trả nợ mà không phải số tăng thêm; tiếp tục bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn; hoàn thiện cơ chế, chính sách...

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) không hài lòng với câu trả lời này, và cho rằng con số chỉ là cái vỏ, linh hồn của nợ công là việc sử dụng đồng vốn đó thế nào. Thực tế là “linh hồn” đó đang tỏ ra yếu ớt. ĐB lấy ví dụ 12 dự án đắp chiếu ngành công thương, tiêu tốn hơn 60.000 tỷ đồng và hàng loạt hậu quả kéo theo phải giải quyết, và danh sách các dự án như vậy còn kéo dài.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chia sẻ thêm thực tế mà ông chứng kiến khi đi giám sát tại các địa phương: Chúng ta vay nước ngoài đầu tư cho lò mổ tập trung, nhưng ở rất nhiều địa phương, dây chuyền sắt gỉ, mạng nhện giăng đầy, nhưng vẫn đi vay. Giai đoạn 1 đã vậy, nhưng chúng ta còn giai đoạn 2 vẫn vay tiếp. ĐB đặt câu hỏi Bộ trưởng có biết vấn đề này không và biết thì ngăn chặn thế nào?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên chất vấn

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận “đúng như ĐB nói, hiệu quả đầu tư công là vấn đề trọng tâm”, nhưng cho biết trách nhiệm này thuộc về Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có dự án.

Nhận “quả bóng” từ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa giải trình, nhấn mạnh là vấn đề hiệu quả đầu tư công ông đã trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nói nhiều về cơ chế hơn là hiệu quả đầu tư của các dự án như thế nào. Ông cho biết: Trước đây, chúng ta chưa có luật đầu tư công, việc quyết định đầu tư còn tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và địa phương. Giai đoạn 2005 – 2010, 2011-2015 có khoảng trên 20.000 dự án quyết định đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu, nên xảy ra thất thoát, dừng, giãn, hoãn... rất lớn. Sau đó, có Nghị quyết 1792 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và Luật Đầu tư công thì giai đoạn 2016 – 2020 chỉ còn hơn 1000 dự án, giảm rất nhiều và bám sát khả năng xử lý của ngân sách, có dư địa để Chính phủ tập trung xử lý nợ đọng và ứng vốn giai đoạn trước.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng dự án có tổng mức đầu tư không sát thực tế, vượt lên rất nhiều mà chưa có biện pháp kiểm soát. Để giải quyết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan xây dựng định mức để làm cơ sở khi phê duyệt dự án. Vấn đề khác là việc thời gian thực hiện dự án kéo dài, do rất nhiều thủ tục, vấn đề giải phóng mặt bằng, đấu thầu... làm đội vốn, buộc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều này dẫn đến không có nguồn bố trí, buộc phải dừng, giãn, hoãn dự án. Đây là những vấn đề lớn mà thời gian tới cần xử lý.

Sau giải trình này của các Bộ trưởng, các ĐB vẫn chưa hài lòng và tiếp tục chất vấn xung quanh đầu tư công. 


Vũ Hân
.
.
.