Chưa tìm ra gần 80% vốn thiếu hụt để giải phóng mặt bằng Long Thành

Thứ Hai, 19/06/2017, 15:22
Với 403/449 ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã đồng ý tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư cho sân bay Long Thành. Tỷ lệ tán thành thấp nhất trong các nội dung được Quốc hội biểu quyết thông qua trong kỳ họp này (có đến 41 ĐB không tán thành, 5 ĐB không biểu quyết) đã thể hiện sự chưa yên tâm của một số ĐB về dự án này, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư.


Giải trình ý kiến băn khoăn của ĐBQH về những hệ lụy nếu đã chi 23.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng nhưng Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng: Việc đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong thực hiện đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Việc nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết, địa điểm triển khai, thời gian thực hiện Dự án đã được Chính phủ xem xét thận trọng trong một thời gian dài, Quốc hội khóa XIII khi quyết định chủ trương đầu tư Dự án cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều góc độ, nhiều mặt và cũng thấy rõ sự cần thiết của Dự án này. Sự quá tải của Tân Sơn Nhất và nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao nên việc triển khai Dự án càng trở nên cấp bách hơn.

Do đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian, phát sinh khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng HKQT Long Thành thành Dự án thành phần để thực hiện trước, nhằm bảo đảm tiến độ của Dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của người dân. Với vị trí thuận lợi của Dự án, quỹ đất đã thu hồi sẽ được sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

46 ĐBQH chưa yên tâm về việc tách dự án giải phóng mặt bằng 23.000 tỷ đồng

Về ý kiến làm rõ nguồn vốn 18.000 tỷ đồng thiếu hụt, UBTVQH cho biết: Trên cơ sở số liệu điều tra thông tin, khảo sát sơ bộ và cập nhật đơn giá mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai thì tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng (bao gồm xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư và khu nghĩa trang) khoảng 23.000 tỷ đồng. Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng Dự án, mới đáp ứng 21,7% nhu cầu.

Sau khi Quốc hội thông qua việc tách dự án thành phần, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần và xây dựng phương án giải phóng mặt bằng cụ thể, xác định được tổng mức đầu tư chính thức làm căn cứ để Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị kỹ phương án nguồn vốn và báo cáo Quốc hội việc xem xét.

UBTVQH cũng đề nghị trong báo cáo nghiên cứu khả thi Dự  án, Chính phủ làm rõ quy mô của việc “giải phóng mặt bằng 1 lần” – vì trước đó, báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết chỉ giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 của dự án, phần còn lại phải sau 2020;  trong khi Nghị quyết 94 yêu cầu thu hồi đất một lần là tiến hành giải phóng mặt bằng luôn cho cả 3 giai đoạn của Dự án.

UBTVQH cho rằng: Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một lần cho toàn bộ Dự án sẽ tạo sự đồng nhất về chính sách bồi thường, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Bên cạnh đó, người dân trong vùng Dự án cũng mong muốn được di dời để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới vì hiện nay việc sử dụng đất của người dân bị hạn chế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng kéo dài trên 12 năm bởi quy hoạch của Dự án. Đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa xây dựng hạ tầng, cần quản lý chặt chẽ để không bị lấn chiếm, xây dựng phương án khai thác, tránh để hoang hóa, lãng phí đất đai.

Vũ Hân
.
.
.