Chính phủ mạnh tay với các bộ chậm dỡ rào cản thủ tục

Thứ Ba, 11/07/2017, 20:38
Trước việc chỉ có 22/130 số thủ tục đạt yêu cầu đưa vào cơ chế 1 cửa quốc gia trong 6 tháng đầu năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành đưa vào cả 130 thủ tục như kế hoạch.

Chiều 11-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899).

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan - Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo, đến hết tháng 6/2017, Cơ chế một cửa quốc gia đã xử lý 180.079 hồ sơ (tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái) của 12.683 doanh nghiệp (tăng 70%). Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế 1 cửa vẫn rất chậm cho với lộ trình, khi chỉ có 22/130 thủ tục của 6 bộ là có tính khả thi để đưa vào thực hiện trong năm 2017, chiếm 17% tổng chỉ tiêu đăng ký trong năm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sẽ "bêu" tên các bộ chây ì trong cải cách thủ tục

Hiện chỉ có 4 bộ, cơ quan dự kiến sẽ triển khai theo đúng lộ trình đăng ký, bao gồm Bộ Công Thương (6/6), Bộ Khoa học và Công nghệ (4/4), Ngân hàng Nhà nước (1/1) và VCCI (1/1). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến đạt 50% (6/12); Bộ Giao thông vận tải dự kiến đạt 6% (3/50) số lượng thủ tục đăng ký. Các Bộ khác chưa xác nhận số lượng thủ tục sẽ triển khai trong 2017 hoặc chưa triển khai thống nhất yêu cầu kỹ thuật, nghiệp vụ nên không có cơ sở đảm bảo tính khả thi.

Tiến độ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng còn rất chậm. Hiện còn tồn đến 63 văn bản vẫn đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết: Công tác phối hợp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa tốt như việc Bộ Tài chính đã góp ý nhiều lần trong quá trình xây dựng Nghị định số 58/2017 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các quy định chuyên ngành, cũng như phù hợp yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, nhưng không nhận được tiếp thu đầy đủ từ Bộ Giao thông vận tải. Việc này tác động lớn đến các doanh nghiệp và cơ quan đang thực hiện thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia tại 9 cảng biển quốc tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng một số bộ chưa tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục, nhất là kiểm tra hải quan chuyên ngành, và đây là nguyên nhân chính làm gia tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 

Phân tích kỹ về rào cản kiểm tra chuyên ngành Phó Thủ tướng cho biết: Thủ tục này chiếm từ 30- 35% tổng số thủ tục hải quan, mà tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, trong khi Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15%. “Vướng mắc hiện nay là văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, quy định một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ. Có trường hợp 1 mặt hàng chịu nhiều hình thức kiểm tra của cùng 1 bộ. Có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra (chiếm 50% tổng số lượng kiểm tra chuyên ngành của 9 bộ-PV), có nghĩa là Bộ muốn kiểm tra gì cũng được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Để khắc phục các rào cản của kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ - mà chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu,...

Trước việc chỉ có 22 thủ tục hành chính đưa vào Cơ chế một cửa quốc gia từ đầu năm tới nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành phải hoàn thành kế hoạch đưa 130 thủ tục vào Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2017. Về Cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sẽ chính thức kết nối khi Nghị định thư về Cơ chế này có hiệu lực (hiện nay đã có 9 nước phê chuẩn). Các bộ, ngành phải hoàn thành chương trình mục tiêu, hành động cụ thể thực hiện Cơ chế này, chậm nhất trong tháng 8/2017, nếu không sẽ công bố công khai cho xã hội, doanh nghiệp được biết.

Vũ Hân
.
.
.